Bóng đá Việt trước nguy cơ đổ vỡ. Kỳ 2: Vỡ tới đâu rồi?

13:26 Chủ nhật 23/09/2012

Theo những thông tin mà chúng tôi tổng hợp được thì nhiều khả năng đến mùa giải 2013, chỉ còn tối đa 7 đội bóng V-League có sự tài trợ của các doanh nghiệp, bao gồm luôn cả các đội được doanh nghiệp sở hữu. Và đấy cũng chỉ mới là đoạn khởi đầu của một quá trình đi lùi hoàn toàn của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Một khi các đội bóng không còn “bầu sữa” của doanh nghiệp rót xuống, họ sẽ trở lại trạng thái “thắt lưng, buộc bụng” như trước đây. Ảnh: Quang Minh

Bây giờ chúng ta nói đến nguy cơ đổ vỡ của bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam nhưng trên thực tế, nó đã vỡ rồi. Xin nhớ là năm 2013 là thời điểm cuối mà AFC ấn định để bóng đá Việt Nam thật sự chuyển sang mô hình chuyên nghiệp. Hiểu theo cách của AFC là các CLB sẽ hoạt động độc lập theo sự quản lý của một công ty điều hành độc lập tách ra khỏi VFF. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay thì sao: VPF vừa mới khai sinh thì có dấu hiệu bị VFF giành quyền kiểm soát. Còn các CLB thì như đã nói, chỉ đến mùa giải 2013 mới bắt đầu áp dụng các chế tài về đào tạo trẻ hoặc vấn đề tài chính. Nhưng khi bắt đầu chế tài thì cũng có thể là lúc kết thúc mọi hoạt động đầu tư bóng đá. Mà không có các doanh nghiệp đầu tư, liệu các CLB có còn được xem là chuyên nghiệp hay không.

Chúng ta tạm xét trên góc độ của một CLB cụ thể, được xem là căn cơ như SLNA chẳng hạn. Mùa giải trước, tổng thu quảng cáo trên sân của họ không quá 200 triệu đồng. Toàn bộ ngân sách hoạt động được rót trực tiếp từ Ngân hàng Bắc Á. Nhưng ngân hàng này lại chẳng liên quan gì đến CLB, họ chỉ làm theo nghĩa vụ không hơn, không kém. Vậy chúng ta thử đặt câu hỏi: nếu Bắc Á không rót tiền nữa, thì lấy đâu ra tài chính để SLNA hoạt động?

Còn cái gọi là “doanh nghiệp SLNA” thực sự có gì? Không có gì cả ngoài chức danh Tổng giám đốc của ông Nguyễn Hồng Thanh và một vài bộ phận nho nhỏ do ông quản lý. “Doanh nghiệp” ấy không làm ra tiền, chủ yếu là “đi xin tiền”! Nghĩa là, đó chẳng phải doanh nghiệp nào cả. Mà đã không là doanh nghiệp, thì làm sao có cái gọi là “giải bóng đá chuyên nghiệp”.

* * *
* Tình trạng của SLNA cũng sẽ diễn ra tại các CLB khác như: Kiên Giang, Đồng Tháp, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng (nếu bầu Hiển trả lại) và đại đa số các đội hạng Nhất. Không còn bầu sữa của doanh nghiệp, các CLB sẽ không “chết” nhưng sẽ rơi trở lại trạng thái “thắt lưng, buộc bụng” với nguồn ngân sách èo uột dựa trên số tiền “xin” được từ các doanh nghiệp thân quen.

Câu hỏi đặt ra: tình trạng đổ vỡ đã đến đâu và phải sửa chữa như thế nào?

Như đã nói, các doanh nghiệp có rút lui thì các đội bóng vẫn sẽ tồn tại. Không nhiều như hiện nay nhưng vẫn có thể… tổ chức thi đấu. Tuy nhiên, để gọi là bóng đá chuyên nghiệp thì còn… không.

Vì trên thực tế, với nguồn thu gần như là con số 0, không thể có được thị trường chuyển nhượng, không có ngân sách đào tạo và đương nhiên, thiếu 2 yếu tố đó thì chẳng thể xem là bóng đá chuyên nghiệp.

Vỡ hay không vỡ thì VFF cũng phải làm ngay một việc: trả bóng đá về cho bóng đá. Các CLB phải tìm cách thoát khỏi quyền sở hữu cá nhân và tìm về với những người sẽ nuôi chính họ, đó là người hâm mộ. Bằng mọi giá, các đội bóng phải nghĩ ra cách kiếm tiền từ khán giả chứ không phải cứ tìm ra một doanh nghiệp nào đó là chuyển giao.

VFF cũng phải xem lại toàn bộ các qui tắc về tài chính. Sẽ không thể có chuyện các CLB sang tên, đổi họ chỉ bằng một bản hợp đồng. Cũng không thể có chuyện đội nào thăng hạng thì ngay lập tức trở thành chuyên nghiệp. Phải có một thiết chế kiểu như “luật Fair-play tài chính” ở châu Âu để kiểm soát các nguồn tiền đầu tư vào bóng đá. Phải chấp nhận một sự thật: khá nhiều nguồn tiền đổ vào bóng đá trong 5 năm qua có nguồn gốc không hẳn đã minh bạch mà đến khi xảy ra vụ bầu Kiên bị bắt, người ta mới lờ mờ thấy ra.

Hồ Việt | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục