Hội chứng cảm tính ở Anfield

16:39 Thứ sáu 10/02/2012

Không thể phủ nhận công lao của Kenny Dalglish đối với Liverpool, ông đơn giản là một biểu tượng ở Anfield. Nhưng tỉnh táo nhìn lại, người ta không khó nhận thấy “cái ghế” của ông chẳng qua là được “nhiều bàn tay giữ” hơn những người tiền nhiệm. Sự thật là ông chỉ đem lại thành công về tinh thần, chứ không phải kết quả cho đội bóng. Hơn thế, dưới thời ông, Liverpool đang có phần mất cân bằng và lệ thuộc vào những cá nhân được ưu ái.

Chữ tình hơn chữ lý

Nếu như Sir Alex của MU nổi danh với sự nghiêm khắc, cứng rắn và toàn quyền thì King Kenny lại tỏ ra là một nhà cầm quân gần gũi và nhẹ nhàng với các cầu thủ. Sự gần gũi nhẹ nhàng và niềm tin vào học trò thì ở Sir Alex cũng có, nên các cầu thủ vẫn thường coi ông như một người cha. Còn với Dalglish không biết có cầu thủ nào coi ông như vậy hay không, nhưng có vẻ như sự thiếu sắt đá của ông cũng giống như sự nuông chiều trong một gia đình với những đứa trẻ hiếu động, nó giống một gia đình đấy, nhưng khó mà là một gia đình ổn định bền lâu.

Cũng như bao người, King Kenny cũng luôn bảo vệ học trò, đưa ra những lời chỉ trích trọng tài, ca ngợi tinh thần của đội nhà, chỉ có điều sự lạc quan hóa thái quá khiến cho rất ít khi những hạn chế chuyên môn thực sự của Liverpool được nêu ra. Trường hợp của Steven Gerrard - một công thần trở lại sau chấn thương lập tức được coi như thủ lĩnh là một động thái mang tính khích lệ khá nhiều. Anh đã có tuổi, phong độ giảm sút là điều trông thấy, Lampard của Chelsea tuy không thường xuyên vào sân nhưng đóng góp còn đáng kể hơn với những bàn thắng, thậm chí một lão tướng đã giải nghệ như Paul Scholes còn hồi xuân một cách không ngờ hơn nữa. Nhưng ở đội bóng của mình, những con người ấy luôn nhận được sự tôn trọng đúng mực, và chỉ được sử dụng khi cần thiết, như bao cầu thủ khác.

HLV Kenny Dalglish - Ảnh: Internet


Nhưng sự ưu ái lớn nhất là dành cho Andy Carrol và Luis Suarez, hai tân binh “tốn thóc tốn gạo”. Màn trình diễn nhạt nhòa của tiền đạo cao kều người Anh là quá đủ để niềm tin nên được đặt vào chỗ khác, cho anh ta thời gian lấy lại phong độ và đẳng cấp của mình, nhưng với King Kenny, chỉ có một việc đó là động viên, tung hô, và đẩy vào sân. Nó còn mâu thuẫn hơn tình thế của Torres ở Chelsea, và chẳng có gì đảm bảo việc lúc nào cũng được đá chính bất kể ra sao ấy sẽ có ích với một cầu thủ trẻ ở dạng tiềm năng. Còn với Suarez, một cầu thủ tài năng nhưng cũng nhiều “tật ngầm”, King Kenny khiến người ta nhận thấy sự phụ thuộc và bấu víu của Liverpool vào chân sút người Uruguay, có thể thấy ở Anfield, Suarez tự do và được trọng vọng như thế nào, cho dù anh gây ra điều gì đi nữa, đó rõ ràng không phải tấm gương tốt với ngôi sao số một của đội bóng.

Tinh thần hơn kết quả

Mấy năm trước, Liverpool luôn nằm trong nhóm “tứ đại gia” dự Champions League của bóng đá Anh, dù vẫn phải “cay mũi” khi bị MU vượt mặt về danh hiệu vô địch. Đến năm nay, dường như cái nhiệt huyết trong lối đá của Lữ đoàn Đỏ (khi gặp các đội mạnh) đã làm các cổ động viên hả hê đến nỗi chẳng thèm để ý rằng, đội bóng của mình chỉ đang vật lộn với tấm vé Europa League.

Thắng MU, loại Man City - hai đội bóng dẫn đầu Giải Ngoại hạng khỏi những đấu trường khác, nghe thì thật đáng mừng, nhưng có gì để vui khi đấu trường danh giá nhất ở quốc nội, trong khi hai đội bóng ấy tranh giành chiếc cúp, Liverpool chỉ vật vờ xa tít trong nhóm xếp sau. Nói một cách dễ hiểu, trong khi mục tiêu lớn nhất của MU lẫn man City là vô địch Premier League thì chẳng ai hiểu mục tiêu của Liverpool là gì, Europa League ư? Nghe thật buồn, mà có lẽ mục tiêu của họ đơn giản là đánh bại được những đội bóng kia, bất kể mùa giải đi về đâu, dường như “mục tiêu” ấy đủ làm người ở Anfield hạnh phúc.

Đội hình của Liverpool không hề thua kém về chất lượng so với MU, nhưng cái “tinh thần chơi bóng” ở Anfield có gì đó khác biệt, dường như vì niềm kiêu hãnh nhiều hơn là vì thành quả thực sự. Sự tự phát, lên xuống thất thường là điểm yếu ở đội bóng của King Kenny, người ta không có cảm giác đó là một đoàn quân có kỷ luật và tinh nhuệ, đó chỉ là một đội bóng sẵn sàng chiến đấu nhưng “tùy lúc” mà thôi. Ngay cả việc đưa King Kenny lên ngồi ghế nóng mùa trước cũng chỉ là giải pháp tình thế, hòng vực dậy tinh thần cho đội bóng, thì điều ấy đã làm được rồi. Nhưng tiếp đến, nếu những mục tiêu danh hiệu lớn được nghiêm túc đặt ra, thì liệu cách làm bóng đá như thế này có hiện thực hóa được nó hay không?

(Bạn đọc: Trần Mạnh Quang)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập TinTheThao.com.vn

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục