Góc kỹ thuật: Ngày hội của “bóng chết”?

14:33 Chủ nhật 24/06/2012

Anh-Italia, màn so tài của hai trường phái đối nghịch: sự già giơ về chiến thuật của người Ý đối đầu với nét phóng khoáng kiểu hiệp sĩ của người Anh. Nhưng có một thứ vũ khí không kém phần đáng sợ mà cả hai đội đều đang sở hữu: các tình huống cố định.

Nhắc đến những tình huống cố định, người ta thường liên tưởng đến "Tam sư", đội tuyển đến từ quốc gia có truyền thống chơi “tạt cánh đánh đầu”, đã trở thành một trong những trường phái lâu đời nhất trong làng túc cầu thế giới. Nhưng bóng chết còn bao hàm cả những pha sút phạt trực tiếp, mà với Pirlo trong đội hình, đây là kì EURO mà Azzurri tỏ ra không hề thua kém người Anh.

EURO này, Italia không được đánh giá quá cao về thực lực và lối chơi, khi đội bóng của Prandelli, nói chung, chỉ đang bước những bước đầu tiên của chiến lược trẻ hóa và tự làm mới mình kể từ thất bại tại Nam Phi 2 năm trước. Có lẽ vì thế, bên cạnh lối chơi đề cao khả năng giải quyết tình huống đã trở thành truyền thống, trong mọi trận đấu ở vòng bảng EURO năm nay, Itlaia đã chú trọng hơn nữa các tình huống cố định. Tính tới thời điểm này, 3 trong 4 bàn thắng của họ đến từ bóng chết, tức chiếm 75%, một tỉ lệ vượt trội các đội tuyển khác.

Pirlo đã ghi 1 bàn và kiến tạo 2 bàn từ "bóng chết" - Ảnh Getty

Việc sử hữu một trong những chân chuyền và sút phạt xuất sắc nhất thế giới thời điểm hiện tại cho phép Italia biến những quả phạt thành những cơ hội một cách rất tự nhiên. Những quả chuyền của Pirlo trong các tình huống đá phạt luôn khiến trái bóng đi “bay” và cắm xuống một tọa độ cực kì chuẩn xác, và do đó, luôn là một bữa tiệc thịnh soạn cho khả năng chơi đầu tuyệt hảo của những Bonucci (cao 1m90) hay Chiellini (cao 1m86). Rất tiếc, "Chiello" đã phải ngồi ngoài vì chấn thương, khiến thứ vũ khí này của người Ý, mà thực ra là thứ vũ khí của Juve trong mùa giải giành Scudetto vừa qua, trở nên đỡ đáng sợ hơn. Nhưng với Bonucci, họ vẫn có quyền tự tin.

Italia có Pirlo, thì Anh có Gerrard. So với Pirlo, những quả đá phạt của Gerrard không quá độc đáo, nhưng luôn có quỹ đạo "hiểm" và điểm rơi chính xác, và với những trung vệ chơi đầu siêu hạng như Terry hay Lescott lên tham gia tấn công, nó chắc chắn là mối nguy của mọi hàng thủ.

Tính đến lúc này, tuyển Anh chỉ có 2/5 bàn đến từ các tình huống cố định, nhưng nếu xem lại bàn thắng của Lescott vào lưới Pháp, hàng thủ Azzurri chắc chắn phải “rùng mình”. Chỉ 4 cầu thủ của tuyển Anh có mặt trong vòng cấm, chạy tản ra 4 hướng khác nhau, để cuối cùng Joleon Lescott lao người dũng mãnh vào khoảng giữa, đánh đầu như đạn tạc cháy lưới Lloris, trước sự sững sờ của 7 cái bóng áo Lam trong vòng cấm.

Mặc dù vậy, khả năng chống bóng bổng của hàng thủ "Tam sư" không phải là hoàn hảo, điển hình là 2 bàn thua trong trận thắng nhọc nhằn 3-2 trước Thụy Điển, từ một tình huống hàng thủ chạy toán loạn sau cú đá phạt rồi “song phi” sút bồi của Ibra, để Mellberg thoải mái đệm bóng cận thành. Và một bàn nữa của Mellberg sau đường treo bóng đơn giản, nhưng sự phân công kèm người không hợp lý của hàng thủ đội Anh đã khiến họ để thua.

Sau trận đấu đó, dư luận đã sôi lên sau khi phóng viên Ola Billger của tờ Svenksa Dagbladet (Thụy Điển) tiết lộ: đã nhìn trộm kế hoạch bố trí đá phạt và chống các tình huống cố định của ĐT Anh qua ống nhòm, trong khoảng 40 phút rồi, báo cáo cho trợ lý HLV Thụy Điển Reine Almquist. Báo chí Anh gọi vụ bê bối ấy là “Roygate”, nhưng như đã phân tích ở trên, Italia hoàn toàn có khả năng tìm thấy sự sống từ một pha bóng chết mà không cần một “Roygate” nữa.
Đỗ Hiếu | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục