Từ sự hồi sinh của Thanh Hóa: Còn truyền thống là còn tất cả

18:15 Thứ ba 22/05/2012

Khi HLV Lê Thụy Hải ra đi cùng hàng loạt cầu thủ xứ Thanh có chất rời quê hương, chẳng mấy HLV nào hứng khởi cùng dũng khí đến với xứ Thanh.

Đúng thời điểm đó, Triệu Quang Hà hồi cố hương. Trên thực tế, cũng ít người tin rằng cựu tuyển thủ QG sẽ đặt được dấu ấn ở đội bóng quê nhà. Nói thế bởi Hà “tí tồ” vẫn chưa chứng minh được phẩm chất của một ông “tướng bóng đá”.

Nhưng nói thế không có nghĩa là Quang Hà không có thuận lợi. Chuyến về quê đầu mùa giải 2012 khác với đợt chữa cháy năm 2009, khi Hà bị bầu Hiển cho nghỉ ở HN.T&T. Lần đó, chúng ta không khó cảm nhận Quang Hà phẫn chí, muốn chứng minh mình với bầu Hiển lẫn với dân trong nghề. Tiếc rằng, lúc đó Thanh Hóa quá nát, Hà cũng chưa thực sự đủ chín về chuyên môn, bản lĩnh để bịt con thuyền bóng đá quê nhà đang thủng lỗ chỗ. Cuộc chia tay chỉ sau mấy vòng, Hà “tí tồ” mất nhiều, thậm chí rất nhiều! 2 mùa giải liên tiếp, người ta dường như quên ông HLV từng đưa HN.T&T nhảy 2 bậc để lên V-League.

Phải đến bây giờ HLV Quang Hà (trái) mới thực sự khẳng định được mình ở V-League. Ảnh: Kim Ngọc

Về cầm Thanh Hóa năm 2012, Triệu Quang Hà được làm lại từ đầu, từ chọn người đến xây dựng hệ thống chiến thuật. Thanh Hóa mất người, nhưng cốt cách lẫn những di sản tích cực mà HLV Lê Thụy Hải để lại vẫn còn. Với các đội bóng, lối chơi không dễ thay đổi, dù rằng ông HLV đã ra đi. Thanh Hóa hiện tại không có nhiều ngựa chứng, thậm chí ngược lại. Trong tay họ Triệu vẫn còn nhiều lá bài quan trọng, nhiều tấm gương có sức lan tỏa đến các cầu thủ trẻ để họ nuôi hy vọng có ngày thương hiệu của mình được tỏa sáng nếu chí thú với nghề Văn Thắng là một ví dụ điển hình, hoặc Quốc Phương hiện tại. 2 cầu thủ này thực sự là nỗi thèm khát với nhiều HLV trưởng.

Có thể thấy khát khao chơi bóng của cầu thủ Thanh Hóa quá mãnh liệt. Té ra, ngọn lửa truyền thống vẫn âm ỉ chảy trong lòng đội bóng này, bất chấp bao sóng gió đã từng dập vùi bóng đá tỉnh Thanh.

Không chỉ bóng đá, nếu duy trì được ngọn lửa truyền thống thì khó khăn hiện tại chỉ là nhất thời. Gặp điều kiện, ngọn lửa đó sẽ bùng lên, khiến cho sự tập hợp nguyên khí không quá khó. Truyền thống chính là sợi chỉ đỏ thiêng liêng nối quá khứ với hiện tại, là động lực để các thế hệ trẻ phấn đấu để một ngày được khoác tấm áo truyền thống của đội bóng.

Trong làng bóng đá VN từ xưa đến nay, chính SLNA và Thanh Hóa mới là 2 địa phương có truyền thống đào tạo tốt nhất. Thậm chí, cầu thủ Thanh Hóa từ thời tem phiếu đã đầu quân khắp cả nước. Chính Triệu Quang Hà là một trong nhiều cầu thủ xứ Thanh đầu quân cho Thể Công, là niềm tự hào và nỗi ước ao cháy bỏng của các thế hệ cầu thủ một thời.

Cuộc về quê lần này của Quang Hà, có gì đó hao hao với Hữu Thắng rời HN.T&T trở lại SLNA. Trở về quê, như về lại ngôi nhà của mình. Những khán đài sân Thanh Hóa luôn đầy ắp khán giả. Đi đến đâu đội bóng cũng được hậu thuẫn từ phía các khán đài. Đấy mới là hạnh phúc của người làm nghề. Bóng đá không có khán giả, thì đá cho ai xem, vô địch mà làm gì.

Bóng đá chuyên nghiệp sau 12 năm, rất may vẫn còn lại không ít đội còn giữ được ngọn lửa truyền thống. Còn truyền thống là còn tất cả. Với bóng đá Thanh Hóa, kể cũng tiếc khi họ chưa thực sự được đầu tư bài bản, có chiều sâu để biến truyền thống đáng tự hào của đào tạo trẻ thành một thế lực thực sự trên bản đồ bóng đá nước nhà. Riêng Triệu Quang Hà, có thể, “số má” nghiệp cầm quân đỉnh cao, sẽ được đội bóng quê hương nâng lên. Nói thế vì nhắc đến HN.T&T thời V-League, người ta chỉ nhớ đến Hữu Thắng và Phan Thanh Hùng.

Rồng đang gặp nước, có thể tạm thời ví hoạn lộ của Triệu Quang Hà như thế.
Ngọc Hòa | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục