Dưới bầu trời Paris

09:39 Thứ ba 09/02/2016

Nước Pháp cần một chiến thắng như hồi 1998 để kết dính toàn xã hội, vốn đang chia rẽ và ẩn chứa những xung đột vì nhiều vấn đề như tôn giáo, sắc tộc và chính trị, và để quên đi nỗi đau sau vụ khủng bố ngày 13.11.2015.

1. Ngoảnh đi ngoảnh lại, 4 năm đã qua, EURO lại đến trước mặt. Ðêm chung kết EURO 2012 ở Kiev (Ukraine), một nữ cổ động viên Tây Ban Nha quàng lên cổ tôi chiếc khăn của đội bóng vừa giành chức vô địch. Sau nụ hôn vào má tôi, nàng đã hét lên: “Gặp lại anh ở Paris.” Trong cuộc sống đầy trắc trở này, xác suất tái ngộ như thế rất thấp. Ừ, nhưng biết đâu được đấy. Paris...

Paris đã sẵn sàng cho EURO 2016. Ảnh: Internet.

Ai đó đã nói, “chúng ta luôn có Paris”. Nước Pháp luôn quyến rũ thế giới. Nhưng với tôi, bóng đá chỉ là mục cuối cùng trong một danh sách rất dài những gì nước Pháp đã đem đến, kể từ khi tôi còn rất nhỏ và trên đầu luôn là một bầu trời đầy mơ mộng. Với một người yêu bóng đá Ý, cho đến trước đêm chung kết ở Berlin hè 2006, Pháp là một cơn ác mộng. Pháp với tôi hoàn toàn khác.

Ðấy là những chiến công của d’Artagnan và những chàng ngự lâm của Dumas, là chủ nghĩa lãng mạn của Victor Hugo, những vần thơ của Beaudelaire, những bức tranh của Cezanne, là những chiến thắng và cả thất bại của Napoleon và những thống chế của đại quân. Và nữa, tháp Eiffel, giọng hát của Edith Piaf cho “Cuộc sống màu hồng” (La vie en Rose) cùng những nhân vật lịch sử mà tôi yêu mến.

2. Nhưng 2016, bóng đá sẽ đưa tôi tới nước Pháp. EURO trở thành cơ hội cho cuộc khám phá kéo dài một tháng của những điều bất ngờ và hấp dẫn nhất mà các sân cỏ có thể đem lại, dù ý tưởng tổ chức một giải vô địch châu Âu lần đầu mở rộng lên 24 đội có thể không đem đến ấn tượng tích cực: Quá nhiều đội bóng, quá nhiều trận đấu và chất lượng giải đấu có thể kém đi. Nhưng đi cùng với ấn tượng ban đầu ấy là một điều khác: Sự tò mò. Khi những ấn tượng về chiến công phi thường mà Ðan Mạch đã tạo ra năm 1992 và Hy Lạp làm được khi đăng quang ở giải năm 2004 còn chưa phai, ta sẽ đặt ra câu hỏi: Những tân binh, hệ quả từ sự mở rộng giải theo ý tưởng của Platini, và đương nhiên từ sự nỗ lực của bản thân họ, liệu có thể gây ra một bất ngờ nào đó để đưa bóng đá ra ngoài logic chiến-thắng-thuộc-về-các-đại-gia?

Liệu Iceland và Albania, những đội bóng trước nay an phận lót đường; liệu Slovakia của Hamsik; Xứ Wales của Gareth Bale; và Bắc Ireland mà George Best huyền thoại ngày xưa cũng không thể nào đến được EURO cùng họ, sẽ đi xa đến đâu? Có một lời nguyền mà những tân binh phải phá vỡ: Kể từ 1988, mới chỉ có Croatia vượt qua được vòng bảng của EURO 96 trong lần góp mặt đầu tiên.

3. Nhưng xét cho cùng, EURO luôn là cuộc đấu của những đội bóng lớn. Sau Tây Ban Nha các năm 2008 và 2010 với chức vô địch EURO và sau đó là World Cup, cũng như Pháp lên đỉnh các năm 1998, 2000, Ðức mong muốn sẽ lập một cú đúp tương tự, với chiến thắng trên đất Pháp để tiếp tục chuỗi thành tích ấn tượng đã bắt đầu từ trận chung kết ở Rio de Janeiro tại World Cup 2014.

Nhưng liệu con đường đi tới trận chung kết của họ có phải qua Tây Ban Nha hay Anh – những đội bóng đã toàn thắng ở vòng loại và luôn là một ẩn số với chính họ; Bỉ - với một dàn cầu thủ tài năng, hay Pháp - đội chủ nhà? Ðội bóng xứ Gaulois được đá trên đất của họ, hệt như năm 1998 khi HLV Deschamps - với chiếc băng đội trưởng trên cánh tay - cùng họ vô địch World Cup. Họ có một đội hình đầy hứa hẹn, với những cái tên trẻ trung như Pogba, Digne hay Kondogbia, những nhà vô địch giải U20 thế giới 2013, có Varane, Griezmann và cả Martial.

Nước Pháp cần một chiến thắng như hồi 1998 để kết dính toàn xã hội, vốn đang chia rẽ và ẩn chứa những xung đột vì nhiều vấn đề như tôn giáo, sắc tộc và chính trị, và để quên đi nỗi đau sau vụ khủng bố ngày 13.11.2015. Deschamps cần ở đội bóng ấy tinh thần chiến đấu và sự quả cảm của những người lính ngự lâm. Ai trong số họ cũng phải là d’Artagnan.

4. EURO trong tôi là rất nhiều kỷ niệm không quên, được gói gọn trong những khoảnh khắc mãi mãi lưu giữ trong tim, kể từ lần đầu tiên được xem trực tiếp giải đấu vào năm 1988: Bàn thắng không tưởng

của Van Basten, những cú dốc bóng của Sammer, những giọt nước mắt đau đớn của Ý trong trận chung kết năm 2000, niềm hạnh phúc của Hy Lạp năm 2004, nhịp pasodoble Tây Ban Nha vang lên sau những đêm đăng quang ở Vienna 2008 và Kiev 2012.

Sẽ là ấn tượng gì ở Paris cho EURO 2016? Tôi chờ đợi những điều kỳ diệu, những bất ngờ, những gì có thể khiến tôi và hàng triệu người dõi theo trái bóng EURO hét vang vì hạnh phúc và rơi nước mắt vì đau khổ. Chỉ có một đội bóng đăng quang. Nhưng với tôi, đội nào vô địch không quan trọng. Khám phá cảm xúc của chính mình trên đất Pháp hàng nghìn cây số trong một tháng là một trải nghiệm tuyệt vời.

Sau trận chung kết, khi những cuộc ăn mừng đã vãn, đường phố vắng lặng, tôi ngồi ngắm đêm Paris mát lạnh, bên tai vang tiếng hát của Yves Montand, bản Sous le ciel de Paris” (Dưới bầu trời Paris): “Hàng nghìn người/Dưới bầu trời Paris/Sẽ hát đến tối/Bản hòa ca tình yêu/Với khu phố cổ”...

Một hành trình khám phá mới về nước Pháp, lần này có bóng đá trong đó, sẽ kết thúc như thế.

Trương Anh Ngọc | 08:30 09/02/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục