Khủng bố ở Stade de France: Khi bóng đá xua tan sợ hãi

00:59 Chủ nhật 15/11/2015

Hình ảnh đoàn người hâm mộ Pháp rời Stade de France trong tiếng hát vang quốc ca của họ, La Marseillaise thực sự gây ấn tượng mạnh. Giữa cơn khủng bố đẫm máu, không có sự sợ hãi, chỉ có tình đoàn kết và tương trợ được kết nối bởi tình yêu bóng đá.

Đó chắc chắn là 1 trong những thứ 6 ngày 13 đẫm máu nhất trong lịch sử. Thành Paris hoa lệ chìm trong tang tóc và sự hoảng loạn. 6 địa điểm bị tấn công khủng bố liên hoàn, khiến ít nhất 120 người thiệt mạng.

Tiếng bom nổ xuất hiện giữa trận đấu giữa Pháp và Đức

Theo ghi nhận của cơ quan điều tra Pháp, điểm đầu tiên bị tấn công chính là Stade de France! Vào lúc 21h20 (giờ Pháp), tương đương khoảng phút thứ 20 trận giao hữu giữa Pháp và Đức, 1 tiếng nổ lớn đã vang lên ngoài sân vận động. Sau đó là tiếng nổ thứ 2, thứ 3 - cách nhau gần 30 phút. Theo báo cáo, có 3 vụ nổ gần Stade de France, trong đó có 1 vụ ở ngay cửa vào khán đài J và đó đều là các cuộc đánh bom tự sát, khiến 3 người bị chết và 1 người bị thương.

Bên trong sân vận động, người hâm mộ và thậm chí các cầu thủ đã giật mình khi không biết điều gì xảy ra. Ngay sau đó, họ lại tiếp tục hát vang, những âm thanh “Ole” xua tan đi sự sợ hãi và nghi hoặc. Trên sân, cầu thủ 2 bên - đặc biệt cầu thủ của Pháp đã cống hiến 1 trận đấu hay.

Nhưng đó vẫn chưa phải điều đặc biệt nhất. Điều làm người ta ấn tượng với các CĐV Pháp là cách họ tập trung, ở lại sân vận động và hát vang quốc ca trên đường rời sân, sau khi đã được thông báo về thảm kịch bên ngoài Stade de France. Đó là 1 đêm không dễ dàng cho bất kỳ ai tại Paris, nhưng những người yêu bóng đá đã tự gắn kết lại với nhau, hòa chung tình yêu dân tộc - đất nước để xua tan sự sợ hãi, hoảng loạn - điều mà những kẻ khủng bố muốn gieo rắc vào tận sâu tâm hồn họ.

Người hâm mộ Pháp nối tay nhau rời Stade de France. Ảnh: Internet.

Không phải ngẫu nhiên bóng đá được xem là môn thể thao vua của loài người. Ngay từ thủa đầu sơ khai, nó đã đem đến phép màu khó tin. Cách đây 101 năm - năm 1914, khi Thế chiến thứ nhất bắt đầu bước vào giai đoạn khốc liệt, các trận đấu bóng đá nhân dịp Giáng sinh đã diễn ra, ngay trước mắt kẻ thù, và thậm chí ngay giữa những kẻ thù với nhau.

Ngày 2 tháng 1 năm 1915, báo Bolton Chronicle đăng một bức thư của binh sỹ J.A.Farell: “Buổi chiều Giáng sinh, đã có một trận bóng đá diễn ra ngoài chiến hào, ngay trong tầm nhìn của kẻ thù”.

Sau đó, The Times tiếp tục tiết lộ bức thư của một binh sỹ thuộc đoàn quân y Hoàng gia kể lại trận bóng đá của đồng đội mình với các binh sỹ thuộc trung đoàn 133 Saxons của Đức. Trận đấu kết thúc với tỷ số 3-2 nghiêng về các “cầu thủ” Đức. Sau này, các tư liệu từ trung đoàn 133 của Đức cũng xác nhận trận đấu đấy, được mô tả “Những chiếc mũ cối được dùng để làm cột gôn, và một binh sỹ gốc Scotland cung cấp quả bóng.”

Rất nhiều câu chuyện như vậy đã diễn ra giữa chiến tranh, và người ta có thể hiểu rằng, không ai muốn nã đạn vào bóng đá, môn thể thao có thể đem đến niềm vui thuần túy và giản dị nhất cho mọi người. Cách đây 100 năm và cách đây vài năm đều có. Năm 2006, Drogba và đội tuyển Bờ Biển Ngà đã đứng lên để hòa giải mối hận thù dân tộc, mở ra con đường chấm dứt cuộc nội chiến của đất nước này.

Hình ảnh nổi tiếng ở Thế chiến thứ nhất. Ảnh: Internet.

Năm 2007, Drogba thậm chí đã yêu cầu LĐBĐ Bờ Biển Ngà rời trận đấu quan trọng với Madagascar từ Abidjan đến Bouake, thủ phủ của lực lượng chống đối phía Bắc. Anh tin rằng mọi người đều có thể ngồi lại với nhau vì trái bóng và thực tế đã chứng minh được điều đó. Drogba trở thành người hùng của Bờ Biển Ngà không chỉ trên sân bóng.

Vua bóng đá Pele từng nói: “Bóng đá với tôi giống 1 tôn giáo. Tôi tôn thờ trái bóng, và tôi đối xử với như 1 vị thần.” Đức Giáo Hoàng John Paul II cũng từng nói: “Trong tất cả những điều không mang tính trọng đại, bóng đá chính là thứ quan trọng nhất từ trước đến nay.”

Trái bóng không chỉ đem lại niềm vui, mà còn có thể mang đến niềm tin và sự đoàn kết cho mọi người, xua tan đi sự sợ hãi trong cơn hoảng loạn đến tột cùng. Hình ảnh đoàn người hát vang tại Stade de France trong đêm tang thương ở Paris một lần nữa chứng minh “chân lý” đấy.

Và cũng từ hình ảnh đó, người ta sẽ tiếp tục chờ đợi - hy vọng nhiều điều hơn từ trái bóng, như những gì chính người Pháp gửi gắm trong bài hát La Cour des Grands (Bài hát chính thức của World Cup 1998):

“Chỉ trong nháy mắt

Thế giới ngày mai

Sẽ thuộc về bạn

Hãy làm cho nó tốt đẹp hơn

Để thật tuyệt vời khi nhìn thấy thế giới này được vui chơi, vui chơi…”

* Bài viết có sử dụng 1 đoạn trích từ "Câu chuyện bóng đá: Bóng đã từng lăn giữa chiến trường đẫm máu"

Tổng hợp | 19:36 14/11/2015
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục