Có một Tây Ban Nha catenaccio

11:50 Thứ hai 25/06/2012

Không đến mức gần như là hoàn hảo nếu so với Barcelona, cái khác của Tây Ban Nha dưới thời Vicente del Bosque là họ không có Lionel Messi trong đội hình và lối chơi của họ được xây dựng dựa trên nền tảng vững chắc của hàng thủ, thiên hướng phòng thủ kiểu Italia truyền thống, catenaccio. Từ World Cup 2010 đến Euro 2012, đấy là một La Roja chắc chắn khi thủ và hiệu quả khi công.

Sau thất bại của đội tuyển Pháp tại tứ kết Euro 2012, Laurent Blanc tỏ vẻ tiếc nuối vì Les Bleus không ghi được bàn nào. Thế nhưng, nếu hỏi Del Bosque, ông cũng sẽ trả lời như vậy, dù La Roja kết thúc trận đấu bằng cách biệt 2 bàn. Đơn giản vì nhìn vào khả năng giữ bóng của Tây Ban Nha, ghi bàn đang là vấn đề mà Del Bosque phải đối mặt.

Tuy vậy, nếu nhìn lại La Roja dưới thời ngài Râu kẽm, đây không phải là lần đầu tiên người ta bắt gặp một La Roja như thế.

Thay vào đó, tất cả dường như quên mất một điều rằng, kể từ thời điểm Antonio Di Natale chọc thủng lưới Iker Casillas ở phút 59 trong trận mở màn Euro 2012, đội bóng của del Bosque không phải nhặt bóng thêm một lần nào nữa. So với một Barcelona được xây dựng dựa trên lối chơi tiqui-taca, khác biệt lớn nhất ở Tây Ban Nha không chỉ là họ không có Messi trong đội hình mà còn vì họ chắc chắn hơn trong khâu phòng ngự.

Nói như trung vệ Gerard Pique thì nếu phòng ngự tốt thì với khả năng giữ bóng của họ, Tây Ban Nha chỉ cần ghi 1 bàn thắng để quyết định trận đấu.

Nhìn lại 2 năm qua, tất cả sẽ thấy những lời Pique nói cũng rất đúng. Sau vòng bảng tại World Cup 2010, Tây Ban Nha có liền 4 trận đấu không để lọt một bàn nào và họ chỉ cần đạt hiệu suất 1 bàn/trận trên hành trình giành chức vô địch. Thật khó tin khi đấy là một Tây Ban Nha có những Xavi, Andres Iniesta, Cesc Fabregas hay Fernando Torres trong đội hình.

Tới Euro 2012 và ở trận gặp Pháp vừa qua, La Roja đã ghi 2 bàn thắng nhờ cú đúp của Xabi Alonso. Thế nhưng, cách biệt 2 bàn này lại đang đánh lừa tất cả bởi tỷ số 2-0 không nói lên rằng, Tây Ban Nha đã có một trận đấu thực sự xuất sắc trước người láng giềng.

Một lần nữa, Xavi lại có chung quan điểm như Pique trong cách giải thích lối chơi của La Roja. “Hàng phòng ngự là rất quan trọng bởi vì anh không phải lúc nào cũng đá tốt”

Xavi nói. “Vì thế, nếu chúng tôi có thể phòng ngự chắc chắn, chúng tôi có thể đá cao hơn để tìm kiếm bàn thắng dù chơi không tốt.”

Thực tế thì với một đội bóng chơi tấn công như Tây Ban Nha, việc del Bosque bố trí tới hai tiền vệ phòng ngự như Alonso và Sergio Busquets hay không sử dụng một tiền đạo thực thụ như Torres là điều khó hiểu nhưng rồi tất cả không thể phủ nhận một triết lý rằng, trước khi nghĩ đến chuyện chọc thủng lưới đối phương, anh hãy giữ sạch lưới của mình trước đã.

Thêm nữa, ở những giải đấu lớn như World Cup hay Euro, một đội bóng không có nhiều trận đấu để sửa chữa cho bất cứ một sai lầm nào. Thất bại là bị loại, thay vì họ vẫn còn những trận đấu khác để cứu vãn tất cả.

Điều đó giải thích tại sao Del Bosque luôn thận trọng như vậy và giải thích tại sao trong 8 trận đấu ở các vòng knockout tại World Cup 2010, Euro 2008 và Euro 2012, Tây Ban Nha chỉ ghi được 10 bàn thắng và không để lọt lưới một bàn nào. Vì thế, nếu La Roja có thắng trong 2 trận đấu tới với cách biệt 1 bàn, CĐV của họ cũng chẳng quan tâm nếu như La Roja đi vào lịch sử như là đội bóng giành hat-trick: Euro, World Cup rồi lại Euro.

Liệu Bồ Đào Nha hay Đức và Italia có đánh bại được họ ở bán kết và chung kết Euro 2012, thời gian rồi sẽ trả lời. Một điều chắc chắn là vượt qua La Roja là không hề dễ dàng, bởi thành tích của họ tại những trận đấu knock-out đã nói lên tất cả.

Thành tích của Tây Ban Nha tại những trận đấu knock-out

Euro 2012

vs Pháp 2-0

Euro 2008

vs. Italy 0-0 (p)
vs. Nga 3-0
vs. Đức 1-0

World Cup 2010

vs. Bồ Đào Nha 1-0
vs. Paraguay 1-0
vs. Đức 1-0
vs. Hà Lan 1-0

Mạnh Hào | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục