Chung kết nữ Olympic London 2012: sân Wembley 01h45, 10/08, Mỹ vs Nhật Bản: Mang vàng về Đông Á

19:07 Thứ năm 09/08/2012

Một năm trước, Nhật Bản khiến cả thế giới phải sửng sốt khi đánh bại Mỹ để lần đầu bước lên ngôi VĐTG. Bây giờ, các cô gái tới từ đất nước mặt trời mọc lại đứng trước cơ hội giành vàng trên xứ sương mù, qua đó đi vào lịch sử như đội tuyển đầu tiên VĐTG và Olympic trong 2 năm liên tiếp…

Nhật Bản (trái) sẽ là đội tuyển đầu tiên VĐTG và Olympic 2 năm liên tiếp?

Ngày 17/7/2011, tại Frankfurt (Đức), Nhật Bản đánh bại Mỹ để lần đầu lên ngôi VĐTG. Thắng lợi của Nhật càng đáng trân trọng hơn bởi chỉ 4 tháng trước ngày đăng quang, họ phải chịu những mất mát lớn lao, nỗi đau tinh thần nặng nề…, khi hàng chục nghìn đồng bào mất mạng sau thảm họa động đất và sóng thần. Khi đó, chiến thắng của Nhật được báo giới ca ngợi là niềm tự hào châu Á, là minh chứng cho tinh thần vượt khó, lòng can đảm, vốn là tính cách truyền thống của người dân Nhật. Nói về chiến thắng này, cựu thủ tướng Nhật, ông Nato Kan bảo rằng: “Đây là động lực, là tấm gương về lòng quả cảm để đồng bào của tôi vượt qua thảm họa”.

Bây giờ, 1 năm sau ngày lên đỉnh thế giới, Nhật Bản lại đang đứng trước thử thách cực lớn nữa, lần này là trận chung kết Olympic 2012. Trong lịch sử, chưa đội bóng nào VĐTG rồi ngay sau đó đăng quang ở Olympic. Nói vậy để thấy, Nhật Bản đang đứng trước thách thức cực đại của lịch sử. Nhưng 2012 được coi là năm của những bất ngờ. Ở châu Phi, Zambia lần đầu vô địch CAN 2012. Tại Champions League, Chelsea lần đầu đăng quang. Hay mới đây thôi, Tây Ban Nha trở thành đội tuyển đầu tiên 3 lần liên tiếp giành chiến thắng ở các kỳ EURO và World Cup. Thế nên, đừng bất ngờ nếu Nhật Bản cũng sẽ đi vào lịch sử.

Dĩ nhiên, không phải thiếu căn cứ mà đặt niềm tin vào thầy trò HLV Norio Sasaki. Từ đầu giải đến giờ, Nhật Bản thể hiện lối chơi rất hiện đại và đầy tính thực dụng. Trận gặp Pháp, họ chỉ cần 3 cú sút trúng đích để ghi 2 bàn trong khi đối thủ thực hiện tổng cộng… 27 lần bắn phá khung thành Fukumoto nhưng đổi lại chỉ được vỏn vẹn 1 bàn. Tương tự là trận gặp Brazil, trận đấu Nhật cho thấy khả năng tổ chức phòng ngự tuyệt vời cũng như cực kỳ nguy hiểm trong các pha phản công nhanh (bàn thắng của Ohno). Tại Olympic 2012, tới nay Nhật chưa một lần để đối thủ dẫn trước. Và một điểm đáng chú ý nữa, nếu Nhật ghi bàn mở tỷ số thì họ luôn giành chiến thắng chung cuộc.

Tất nhiên, Mỹ vẫn là đội bóng nữ số 1 thế giới. Nhưng có cảm giác, sự lạnh lùng và tập trung cao độ của Nhật là điều Mỹ đang thiếu. Sau 5 trận ở Olympic 2012, hai lần gặp đối thủ đồng cân đồng lạng là Pháp và Canada, Mỹ đều bị dẫn trước. Giả sử trong trận chung kết, nếu kịch bản này lặp lại, liệu Mỹ có thoát thua khi đối đầu với hàng thủ được tổ chức cực tốt của Nhật (mới thủng lưới 2 bàn)? Một chi tiết nữa, 12/18 cầu thủ dự Olympic 2012 của Mỹ từng góp mặt ở tại Bắc Kinh 4 năm trước và chỉ một cầu thủ hiện tại (Sydney Leroux) không dự giải VĐTG 2011. Điều này đồng nghĩa suốt 4 năm qua, Mỹ không có nhiều nhân tố mới (trừ Alex Morgan) và rất có thể lối chơi của họ sẽ bị bắt bài.

Đêm nay, cơ hội để Nhật đi vào lịch sử, để mặt trời mọc trên xứ sương mù!

THÔNG TIN XUNG QUANH

5/6 lần đối đầu gần nhất giữa Mỹ và Nhật Bản đều kết thúc với tối đa là 2 bàn thắng.

11/14 trận gần nhất của Nhật Bản có nhiều nhất là hai pha lập công.

16/25 trận gần nhất của Nhật Bản kết thúc với tổng số bàn thắng là số chẵn.

Trong 4 trận chung kết Olympic bóng đá nữ trước đây thì chỉ 1 trận có bàn thắng trong 15 phút cuối. Đó là trận chung kết Olympic 2000 giữa Na Uy và Mỹ.

Mỹ bất bại 10 trận gần nhất ở các kỳ Olympic. Lần gần nhất họ để thua là trước Na Uy ở Olympic 2008.

9/11 lần đối đầu giữa Mỹ và Nhật có ít nhất 1 bàn thắng trong hiệp 1.
Minh Việt | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục