Taekwondo Việt Nam: Tương lai gần màu xám

12:23 Thứ tư 04/06/2014

Mới đây, Giải Vô địch Taekwondo Châu Á 2014 kết thúc trong niềm vui của các tuyển thủ quyền Việt Nam - những người giành được 3 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ. Trong khi đó, đội đối kháng không giành được tấm HCV nào. Bức tranh ấy phản ánh thực trạng của Taekwondo Việt Nam: Các võ sĩ đối kháng chưa thể đóng vai trò chủ lực trong việc tìm kiếm huy chương cho đội tuyển.

Đó là điều rất đáng suy nghĩ bởi trước đây, các võ sĩ đối kháng đã mang lại nhiều vinh quang cho Taekwondo Việt Nam, từ tấm HCB Olympic 2002 của Trần Hiếu Ngân cho đến những tấm HCV ASIAD của Trần Quang Hạ hay Hồ Nhất Thống. Cũng vì vậy, trong khoảng thời gian dài, Taekwondo có một vị trí không phải bàn cãi luôn là môn trọng điểm của thể thao Việt Nam.

VĐV Taekwondo tập luyện tại Trung tâm Đào tạo VĐV cấp cao. Ảnh: Bảo Lâm

Nhưng, khoảng chục năm gần đây, chu kỳ đi xuống của các võ sĩ đối kháng ngày càng rõ nét. Thành tích của họ sa sút đến mức mà cả nhà quản lý bộ môn và người hâm mộ thể thao không còn hy vọng các võ sĩ đối kháng có thể làm nên chuyện tại các cuộc tranh tài ở Olympic, ASIAD hay thậm chí là SEA Games. Kể từ khi "độc cô cầu bại" Nguyễn Văn Hùng nghỉ thi đấu, Taekwondo chưa sản sinh ra được võ sĩ đối kháng nào đủ sức tranh chấp sòng phẳng với các đối thủ mạnh trên đấu trường châu lục. Tại giải Châu Á vừa qua, Đội tuyển Taekwondo Việt Nam không thể hoàn thành chỉ tiêu đoạt 1 HCV. Các võ sĩ Việt Nam chỉ giành được 2 HCB, 1 HCĐ. Nguyên nhân sa sút ở nội dung đối kháng đã được chỉ ra nhiều, trong đó tập trung vào khâu huấn luyện, đào tạo, tuyển chọn, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ vào công tác huấn luyện, thi đấu… Nhưng, quan trọng hơn cả là khi Taekwondo Việt Nam tiến 1 thì những nước khác đã tiến 10. Những quốc gia từng ở "cửa dưới" của Taekwondo Việt Nam, như Thái Lan, nay đã vượt trội hoàn toàn nhờ có một chiến lược đầu tư mạnh tay, bài bản.

Trong khi các nhà quản lý bộ môn còn đang loay hoay tìm cách đầu tư cho các võ sĩ đối kháng nhằm phục hồi một "mỏ huy chương", niềm hy vọng chỉ còn cách đặt vào các nội dung quyền biểu diễn. Các võ sĩ biểu diễn quyền có thể gánh chỉ tiêu HCV của cả đội tuyển ở đấu trường SEA Games, nhưng ở những sân chơi đẳng cấp cao hơn thì phải bó tay, đơn giản là vì nội dung quyền Taekwondo chưa có trong chương trình thi đấu tại các kỳ Olympic và ASIAD. Trong tương lai gần, rất khó thuyết phục được Hội đồng Olympic Châu Á và Ủy ban Olympic thế giới chấp nhận đưa nội dung quyền Taekwondo vào chương trình thi đấu chính thức. Cần biết rằng trước Taekwondo, các chuyên gia thể thao của nhiều môn khác đã cố gắng đưa nội dung biểu diễn vào chương trình thi đấu ASIAD và Olympic nhưng bất thành. Trong điều kiện đó, để có huy chương tại các sân chơi lớn, các quốc gia vẫn phải tập trung đầu tư cho nội dung đối kháng và Việt Nam không phải ngoại lệ.

Chưa ai trong làng Taekwondo Việt Nam có thể khẳng định thời điểm các võ sĩ đối kháng có thể cùng gánh vác chỉ tiêu HCV với các võ sĩ quyền. Tại ASIAD 2014 tới đây, Taekwondo không phải là đội tuyển được đặt hy vọng sẽ giành HCV cho đoàn thể thao Việt Nam bởi nội dung quyền không có trong chương trình thi đấu, các võ sĩ đối kháng thì chưa đủ tầm ứng thí với những võ sĩ hàng đầu châu lục. Đó thật sự là nỗi buồn cho một bộ môn từng được quan tâm nhất trong làng thể thao Việt Nam.

Minh An | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục