Trọng Hoàng có ở lại SLNA: Nút thắt ở mức giá 9 tỷ

10:20 Thứ năm 20/12/2012

Nếu như năm ngoái, Trọng Hoàng hết hợp đồng, lên sàn chuyển nhượng, cái giá 9 tỷ đồng là chuyện mà Hoàng có thể yên tâm ăn rồi vác cần câu đi câu cá ở sông Lam, chờ xe đến tận nhà chồng tiền và rước đi. Tương tự là Đình Đồng và Văn Hoàn, dù thương hiệu không bằng Trọng Hoàng, cũng có thể tự tin kiếm dăm ba tỉ lót tay.

Với bóng đá Việt Nam, bây giờ cầu thủ đã không còn là nghề dễ kiếm tiền. Ảnh: Kim Ngọc

Vậy mà, giờ đây mọi thứ đã không màu hồng với 3 tuyển thủ của SLNA. Nếu họ rời xứ Nghệ, số tiền lót tay chắc chắn chỉ bằng phân nửa so với giá cả năm ngoái. Cuộc đời là thế, không ai có thể làm chủ được số phận, thời vận.

Đấy là số phận chung của rất nhiều cầu thủ, đang rơi vào tình thế vừa đáng trách, đáng thương như hiện nay.

Mà làm sao có thể làm chủ được với bóng đá ta. Một thị trường chuyển nhượng thất điên bát đảo, may hơn khôn, giá cả đều ảo so với giá trị thật. Nghĩ lại, chẳng trách khi cầu thủ cứ mong thời gian trôi thật nhanh để hết thời hạn hợp đồng với CLB chủ quản. Thậm chí, nhiều cầu thủ cố tình phá vỡ hợp đồng, liên tục có những bản hợp đồng mới, ký đến “mòn tay”.

Tất cả chỉ để tranh thủ kiếm tiền tối đa, khi mọi thứ chưa được kiểm soát. Chính xác hơn, khi bong bóng thị trường chuyển nhượng thực sự vỡ vụn, tan chảy. Đến năm chuyên nghiệp thứ 12 mới có sự tan chảy, tiếc rằng những người làm bóng đá cũng không thể ngờ được nó xảy đến chóng vánh như thế. Nhìn lại thời gian qua, đa số các cầu thủ đều may mắn. Kẻ mới chút tài cũng có thể đổi đời với tiền tỷ, các thế hệ trước dễ gì có được. Không ít lần nghe các cựu cầu thủ chép miệng bọn trẻ giờ kiếm tiền dễ quá, nhanh quá. Hoặc, lên ĐT giờ đây dễ quá. Trong khi, cả nền bóng đá tìm ra những cầu thủ xứng tầm thần tượng là nhiệm vụ quá khó khăn. Thật nực cười khi giờ đây, từ sao lớn đến sao bé đều không thể tự cho mình quyền hét giá. Thậm chí, hàng loạt anh đang rơi vào thất nghiệp.

Một nền bóng đá có đẳng cấp, chắc chắn phong độ có sự ổn định tương đối, không thể lúc thì đá kiểu rồng bay phượng múa, khi thì tệ đến thê thảm. Tiếc rằng, thành tích của các ĐTQG chúng ta lại chứng minh điều đó, ngay cả lần vô địch AFF Cup 2008 cũng bị cho là ăn may.

Một nền bóng đá chuyên nghiệp phát triển ở mức nào, hãy nhìn vào độ phát triển ổn định của nó. V-League không năm nào cũng biến động chóng mặt, trước hết ở hệ thống văn bản pháp quy. Còn, các chủ thể chính tham gia, tức là các cầu thủ, luôn trong trạng thái tâm lý bất an, chủ yếu là mong được chuyển nhượng để kiếm tiền.

Người ta bảo Trời có mắt. Cũng có những bất công nhưng với sự “bất công” đối với hàng trăm cầu thủ như hiện nay, thì là do những con người đang làm bóng đá gây ra.

Nếu vì sự nghiệp phát triển chung của bóng đá chuyên nghiệp, đến lúc phải định vị giá trị của cầu thủ xứng với tài năng và tư cách, thì xin đừng rên xiết nữa.

Thà đau một lần, cứ xem như phải nhổ những chiếc răng sâu, thậm chí như cắt bỏ những ung nhọt, để cơ thể bóng đá chuyên nghiệp phát triển khỏe mạnh. Những nỗi đau có lẽ chưa dừng lại đâu.

Ngọc Hòa | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục