Phùng Văn Nhiên: "Người không phổi" ở Pleiku

00:16 Chủ nhật 31/03/2013

Bản chất cái biệt danh Nhiên “cửu” mà các đồng đội cùng trang lứa ở Nam Định trước đây đặt cho Phùng Văn Nhiên, đã lột tả được phần nào yếu tố thể lực nền được cho là thiên phú, cũng như phong cách chơi bóng của cựu tuyển thủ Việt Nam này. Cửu, tức là cửu vạn, trên sân bóng, Văn Nhiên khỏe như một anh cửu vạn ở các bến bãi.

Lận đận như Nhiên “cửu”…

Khoảng thời gian 2003-2005, Văn Nhiên liên tục góp tên trong thành phần các đội tuyển quốc gia, nhưng cứ lần lữa, hậu vệ người Nam Định tỏ ra rất vô duyên. Năm 2003, anh bị loại vào phút cuối khi U23 Việt Nam “gọt” danh sách đá SEA Games 22 trên sân nhà; tình huống lặp lại ở kỳ SEA Games hai năm sau đó. Năm 2004, Văn Nhiên có tên trong đội hình tuyển Việt Nam thời Edson Tavares đá các trận vòng loại World Cup, nhưng chấn thương trong trận đấu với Hàn Quốc, tưởng như đã triệt tiêu sự nghiệp của Nhiên “cửu”.

Cho đến nay, cũng ngót chục năm rồi, Văn Nhiên cũng thi thoảng được nhấc lên hạ xuống, nhưng cuộc sống khéo đùa. Thời của Văn Nhiên, các huấn luyện viên đội tuyển quốc gia thích Việt Cường, Quang Thanh, thậm chí cả Quang Cường (cựu hậu vệ SHB Đà Nẵng), Văn Phong (Xi Măng Vicem Hải Phòng), Hồng Tiến (Hà Nội T&T), Phong Hòa (Đồng Tháp) hơn. Sau lứa của Nhiên, đến lượt những Đình Đồng, Văn Hoàn của Sông Lam Nghệ An, rồi Quốc Long (HN.T&T), Hoàng Quảng (SHB.ĐN)… được trưng dụng ở hai hành lang cánh các đội tuyển quốc gia. Nhiên vẫn cứ vô duyên đến lạ!

Trong màu áo Hoàng Anh Gia Lai, cũng ngót đến gần chục năm đổ lại, Văn Nhiên luôn được coi là một trong những hậu vệ cánh hay nhất V-League, lên công về thủ nhịp nhàng và hiệu quả, như thể lập trình. Nhưng tại sao và như thế nào, đội tuyển Việt Nam qua nhiều triều đại huấn luyện viên, từ ngoại đến nội, lần lượt bỏ qua hậu vệ này? Trước thềm AFF Cup 2012, xảy ra cuộc khủng hoảng mini của đội tuyển Việt Nam ở hàng phòng ngự, nhưng cầu thủ được gọi bổ sung là đồng đội, đàn em của Văn Nhiên trong màu áo “Gỗ”, Xuân Hiếu, chứ không phải anh!

Phùng Văn Nhiên cống hiến hết mình cho HA.GL. Ảnh: V.V

Quan điểm làm chiến thuật và dùng người, mỗi huấn luyện viên mỗi khác. Có ý cho rằng, tưởng như thiếu nếu không triệu tập Văn Nhiên, nhưng sẽ là thừa nếu cất nhắc hậu vệ này. Lý do được đưa ra là Nhiên quá dư thừa năng lượng, ham nhao lên tấn công, dễ dẫm chân đồng đội ở tuyến trên, từ đó phá hỏng cấu trúc vận hành của đội bóng. Nó cũng tựa như tiền vệ trẻ Thái Dương (HA.GL), qua các kỳ SEA Games 2009 và 2011. Dương quá ham bóng và điều đó chỉ có lợi khi xác định đá khoán, bắt chết một ai đó, chứ khó đồng bộ lối chơi.

Dù lý do là gì thì rõ ràng, đã có chút thiếu công bằng với Phùng Văn Nhiên. Nhưng Nhiên “cửu” quen rồi và từ nhiều năm qua, anh chỉ tập trung cống hiến cho một màu áo: HA.GL, với tài, đức và sức luôn được bảo lưu. Người Mohican cuối cùng Phùng Văn Nhiên đã và đang trở thành một huyền thoại tại sân Pleiku.

Cũng là thủ lĩnh phòng thay đồ

Với một cầu thủ vừa có tài, vừa có đức và có sức như Phùng Văn Nhiên, thật không có nhiều thứ để “khai thác” xung quanh cuộc sống ngoài sân cỏ, làm đẹp các bài báo. Rõ là Nhiên “cửu” không có một cuộc sống ồn ào đằng sau những buổi tập, những trận đấu. Bao năm, với HA.GL trải qua rất nhiều huấn luyện viên, Văn Nhiên vẫn bám biên, hết trái lại phải, cứ lầm lũi như một con ong thợ. Và một ngày đầu mùa giải 2011, khi huấn luyện viên và cũng là đồng đội cũ, Dusit Chalermsan trở lại cương vị thuyền trưởng, Nhiên chính thức cầm băng đội trưởng.

Sự kiện Văn Nhiên trở thành ông chủ phòng thay đồ của HA.GL vào thời điểm đó, tạo nên một đợt sóng ngầm mini ở Hàm Rồng. Một bên là “ê-kíp” người Đồng Tháp, với Việt Cường, Quý Sửu, Văn Pho (cả Thanh Bình trước đó), đối trọng còn lại ít đáng kể hơn, với những người Gia Lai bản địa trẻ như: Anh Tuấn, Thái Dương, Minh Thiện, Xuân Hiếu, Hoàng Thiên…, nhưng ái ngại nhất phải là các ngoại binh, mà thủ lĩnh là Đoàn Văn Sakda, Đoàn Văn Nirut, Đoàn Marcelo, Evaldo, Benjamin và ngoài ra còn Tăng Tuấn, Lê Văn Trương…

HA.GL từ nhiều năm qua vẫn được xem là đội bóng tương đối “thuần”, thậm chí là phẳng lặng như mặt nước Biển Hồ, nhưng trong lòng của nó luôn tiềm ẩn những con sóng, thậm chí là cột sóng, khi những tranh chấp quyền lợi xuất hiện, bên trọng bên khinh. Từ cấp thượng tầng ban huấn luyện, đến ban cán sự câu lạc bộ và cả những người ít được tin dùng đều một bầu tâm sự và lúc nào cũng chực bùng nổ. Đó là một trong những nguyên nhân cơ bản, khiến độ chục năm nay, “Gỗ” vắng bóng trên bục danh hiệu và không bao giờ trở lại thời hoàng kim nữa.

Mọi chuyện rồi cũng qua đi. Bản thân Văn Nhiên cũng không có nghĩa vụ trình bày hay giải thích với bất cứ ai, mà câu trả lời của anh là trên sân bóng. Không đơn giản để một cầu thủ người thập phương, có tiền sử chấn thương, lại liên tục đứng trong đội hình chính một đội bóng lớn như HA.GL suốt bảy, tám mùa giải. Với một cầu thủ tài đức vẹn toàn như đã nhắc, việc Văn Nhiên được trao vai trò đầu tàu, cũng là rất đỗi bình thường. Ở giai đoạn giáp hạt này, những người như Văn Nhiên càng trở nên quan trọng, khi HA.GL giương lá cờ danh vọng.

Lại nói bóng đá là thành tích. Có một nỗi buồn cứ đau đáu với chàng trai thành Nam, khi cũng bằng với khoảng thời gian anh đầu quân cho HA.GL, đội bóng phố núi đã không thêm một lần nào nữa vô địch các giải đấu, dù Nhiên không hề thiếu các đối tác ở đẳng cấp cao, mà Lee Nguyễn hay Thonglao là những đảm bảo. Nếu bóng đá tồn tại khái niệm gọi là lời nguyền, âu đó cũng là cái số lận đận của Nhiên “cửu”, một tấm gương cực sáng về ý thức chuyên nghiệp!

Trưởng thành trong màu áo Nam Định, cùng lứa những Quang Huy, Ngọc Tú, Trọng Lộc, Duy Hoàng, Đức Dương, Xuân Phú…, Văn Nhiên tuy không phát tiết sớm như đàn anh Trung Kiên (cựu tuyển thủ quốc gia, hơn Nhiên ba tuổi) hay đồng đội Duy Hoàng, Trọng Lộc, nhưng bền bỉ và tuổi đời sự nghiệp thi đấu lại dài hơn. Sinh năm 1982, Nhiên có thể đang là người Nam Định già nhất còn thi đấu ở sàn diễn đỉnh cao như V-League.

Chính sự đa năng và luôn dồi dào năng lượng: Văn Nhiên có thể chơi ở cả hai cánh, thậm chí chạy chéo mặt sân, các huấn luyện viên của HA.GL cố gắng tận dụng triệt để năng lực cống hiến của hậu vệ đội trưởng người Nam Định, với đủ thể loại sơ đồ, từ 3-5-2 đến 4-1-4-1 rồi 4-3-3… Nhưng vô tình nó lại là khởi thủy cho những mâu thuẫn, những tranh cãi không hồi kết trong cabin ban huấn luyện viên “Gỗ”. Nhiên chưa bao giờ đạt đến đẳng cấp thượng thừa cho một vị trí, phải chăng vì anh quá cơ động?
Tùy Phong | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục