Lỗ hổng phía sau sàn đấu

09:28 Thứ hai 19/01/2015

Vụ 11 VĐV đội xe đạp Domesco Đồng Tháp đồng loạt nộp đơn xin nghỉ, hay đội xe đạp TPHCM có thể bị giải tán vì không có tiền tài trợ, nên điều kiện thi đấu, tập luyện ngày càng kém đi khiến VĐV không còn yên tâm cống hiến tài năng của mình.

Sự xuống cấp của Bệnh viện thể thao (tại Hà Nội) đang là minh chứng tiêu biểu nhất cho khả năng chăm lo sức khỏe đối với các VĐV. Cách đây 7 năm, với vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng, bệnh viện này được kỳ vọng sẽ là nơi chăm lo sức khỏe, điều trị chấn thương chuyên biệt cho các VĐV đỉnh cao. Sự ra đời của bệnh viện là điều tất yếu bởi những chấn thương trong thể thao luôn cần có đội ngũ bác sĩ chuyên ngành, thời gian điều trị kéo dài và chi phí rất tốn kém. Tuy nhiên, sau 7 năm hoạt động, bệnh viện thể thao đã bị thanh tra phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng, điều kiện khám chữa bệnh không còn bình thường. Những mục đích tốt đẹp ban đầu coi như cũng không thành và ngành thể thao lại quay về điệp khúc cũ: Không có tiền chữa trị thì giải nghệ, có tiền thì ra nước ngoài mới có thể cứu vãn sự nghiệp.

Đối với các VĐV, tai nạn, chấn thương luôn rình rập trên đường đua. Ảnh:DŨNG PHƯƠNG

Tuy nhiên, ai cũng biết, VĐV tại Việt Nam đều có xuất phát điểm là… rất nghèo. Đến khi thi đấu đỉnh cao, họ lại tiếp tục… nghèo. Mức lương hiện tại của các tay đua xe đạp Domesco Đồng Tháp chỉ từ 7-9 triệu đồng, chỉ đủ sinh hoạt chứ không bảo đảm được gì nếu gặp chấn thương hay tai nạn trong thi đấu. Như vậy, chỉ cần buông chiếc xe đạp ra là ngay lập tức họ phải đối mặt với biết bao khó khăn của đời sống khi không nghề, không tiền và cả không có những chế độ bồi dưỡng (thường chỉ dành cho các VĐV từng là tuyển thủ quốc gia).

***

Khi thành lập Học viện HA.GL - Arsenal JMG, yếu tố để bầu Đức thuyết phục phụ huynh cho con em mình tham gia học bóng đá là ông sẽ bảo đảm đầu ra cho các cầu thủ. Trong quá trình học ở học viện, ngoài bóng đá, việc học văn hóa cũng được đề cao. Các cầu thủ của học viện đều tốt nghiệp lớp 12, nếu không tiếp tục thi đấu vẫn có thể xin việc dễ dàng, chưa kể việc bầu Đức sẵn sàng đón nhận họ vào làm công nhân tại HA.GL.

Trong môi trường thể thao còn nghiệp dư như tại Việt Nam, rất khó để VĐV đỉnh cao có thu nhập cao ngoài một số môn đã chuyên nghiệp như bóng đá, cờ vua hay các tài năng đặc biệt xuất sắc. Thế nên, ngoài chế độ đãi ngộ, ngành thể thao cần phải chăm lo cho tương lai của VĐV sau khi họ rời khỏi sàn đấu. Rất tiếc, ngay đến việc điều trị chấn thương, kéo dài tuổi thọ của sự nghiệp, hiện còn chưa làm được đến nơi đến chốn thì làm sao có thể khiến VĐV yên tâm cống hiến.

Đơn cử như trường hợp của cầu thủ bóng đá nữ Trần Thị Kim Hồng. Khi đăng quang giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam năm 2010, cô đã suýt giải nghệ vì chấn thương. Rất may, nhờ danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam và được giới truyền thông “kêu cứu”, cuối cùng thì Kim Hồng cũng đã có đủ tiền để sang Singapore chữa trị rồi tiếp tục thi đấu cho đội TPHCM cũng như quốc gia. Chính Kim Hồng thổ lộ, nếu ở thời điểm đó mà không đoạt danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam thì cô cũng chẳng biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu.

Yến Phương | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục