Lăng Kính: Mối nối vô hình

08:40 Thứ tư 13/06/2012

Bóng đá là trò chơi tập thể, nó rất cần những mối nối, đường bo vô hình, đến từ chính trái tim của mỗi cầu thủ.Hà Lan và cả Đức, phần nào đó, đối diện nhau đêm nay có thể mang lại một trận cầu hay, một trận cầu đẹp. Nhưng để chinh phục, họ cần những mối nối vô hình ấy cho riêng mình…

Oezil, Khedira và Podolski

1.Trận ra quân, Đức thắng BĐN 1-0, có một hình ảnh mà không nhiều người để ý về đội quân của ông Loew. Đó là khi cử quốc thiều của nước Đức ở đầu trận đấu. Camera lướt qua từng gương mặt của các tuyển thủ trẻ, đại diện cho Mannschaft thế hệ mới, phiên bản mới, và cho thấy sự hào hứng của họ, niềm tự hào của họ khi cất lên tiếng hát bản quốc ca Lied der Deustchen. Nhưng camera cũng cho thấy có những người không mảy may cảm xúc, lạnh lùng và miệng đóng chặt. Dường như, đó không phải là quốc ca của họ.

Vậy ai là những người không hát bản quốc ca Đức khi cả đội làm lễ chào cờ?

Không ai khác, họ là Oezil, Khedira, Boateng, Podolski, những người không mang dòng máu Đức. Điều đó tạo nên một chút gợn trong lòng người xem. Liệu rằng, có vết rạn nào, dù rất mờ thôi, giữa những người “Đức không phải Đức” với chính bản thân nước Đức hay không? Kiểu vết rạn của sự mặc cảm rằng mình không phải người bản xứ? May mắn cho Mannschaft, họ đã thắng BĐN, dù rằng trận ấy, họ chơi dở…


2.Khi Hà Lan nỗ lực tìm mọi cách để tìm đường vào khung thành Đan Mạch trong trận ra quân, cũng có một hình ảnh ít ai để ý tới nhưng có thể chính nó đã lột tả hết bộ mặt thật của đội quân áo Cam. Đó là mỗi khi van Persie nỗ lực dứt điểm và không hiệu quả, camera lướt qua hàng ghế dự bị của Hà Lan để bắt kịp một nụ cười nhếch mép của Huntelaar. Nụ cười ấy đủ nói lên tất cả: sự khinh khi; sự ganh ghét; sự thiếu đoàn kết; sự ích kỷ của những cái tôi vụn vặt và vớ vẩn… Không hiểu, hai hôm sau, nhìn cảnh Rooney ngồi trên khán đài hết mực ủng hộ các đàn em của mình chống lại người Pháp, những cầu thủ Hà Lan có xấu hổ hay không? Có lẽ, họ chẳng nghĩ gì và cũng chẳng thèm xem vì với họ, cái tôi của mình là nhất…

Hà Lan thất bại trước Đức năm 1974 là một Hà Lan gần như đoàn kết nhất. Hồi đó, bóng đá tổng lực được xây dựng trên nền tảng của các cầu thủ từ Ajax và Feyenoord. Nhưng Rensenbrink là người hiếm hoi không thuộc 2 CLB ấy và ông đã hoà nhập tốt, nhờ cả vào sự mở rộng vòng tay của đồng đội. Vậy mà Hà Lan vẫn không thể lên ngôi vô địch để rồi 4 năm sau, dấu hiệu rạn nứt đã nảy sinh khi Cruyff từ chối tham gia World Cup mà mãi sau này mới lý giải bằng một lý do nghe khá nực cười: lo lắng tới tính mạng của gia đình ở Catalan…

3.Trẻ con có một trò chơi khá phổ biến là tập ghép tranh. Từ những mảnh ghép nhỏ, lũ trẻ mày mò ghép thành bức tranh lớn nhiều màu sắc, sinh động và thú vị.


Trẻ con cũng có một trò chơi khá phổ biến khác là trò ghép hình. Từ những miếng vụn vặt, chúng xếp thành các hình khối như nhà cửa, xe cộ… cũng rất linh hoạt và đẹp mắt.

Những bức tranh ghép hay những hình xếp ấy đẹp nhưng nó tồn tại được mà không rời nhau ra vì có những mối nối, có tấm khung bo chặt phía bên ngoài. Chính những mối nối và cái khung bo chặt bên ngoài ấy giữ cho các mảnh ghép được là bức tranh, là hình khối ở bên nhau. Đơn giản, rời nhau ra, chúng chỉ còn là những vật thể vô tri, vô hồn và vô ích.

Bóng đá là trò chơi tập thể, nó rất cần những mối nối, đường bo vô hình, đến từ chính trái tim của mỗi cầu thủ.

Hà Lan và cả Đức, phần nào đó, đối diện nhau đêm nay có thể mang lại một trận cầu hay, một trận cầu đẹp. Nhưng để chinh phục, họ cần những mối nối vô hình ấy cho riêng mình…
Hà Quang Minh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục