Tranh chấp bản quyền truyền hình: AVG gọi - VPF trả lời: Đột phá và bật tường

09:48 Thứ tư 22/02/2012

Như những siêu sao sân cỏ, AVG và VPF đang cố chứng tỏ họ đều là những nghệ sĩ bậc thầy. Bởi vậy, sau cuộc gặp tay bo đầu tiên kể từ khi nổ ra “cuộc chiến” bản quyền truyền hình, AVG lẫn VPF đều tỏ ra, họ đang hội tụ đầy đủ những kỹ năng của ngôi sao sân cỏ.

70 tỷ/3 mùa,VPF gật đầu

Chỉ 24 giờ sau khi Chủ tịch HĐQT AVG Phạm Nhật Vũ bật tín hiệu, nếu VPF chấp nhận chi 70 tỷ/3 mùa mua bản quyền truyền hình, VPF lập tức có câu trả lời. Trong cuộc gặp trực tiếp giữa VPF và AVG, VPF đã nêu quan điểm được “mua” lại toàn bộ bản quyền truyền hình của 3 giải đấu do VPF quản lý (giải VĐQG, hạng Nhất Quốc gia và Cúp Quốc gia).

VPF nhấn mạnh, họ muốn ưu tiên cho VTV có bản quyền để phát rộng rãi trên kênh quảng bá, đồng thời tăng nguồn thu cho các CLB. VPF cam kết đảm bảo tăng nguồn thu từ bản quyền truyền hình lên 70 tỷ đồng trong 3 mùa (2012-2014).

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng và Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải chủ trì cuộc họp giữa VFF và VPF.Ảnh: Quang Thắng

Cú “phản công” của VPF đã gây sốc, ít nhất là đối với những tín hiệu “bật đèn xanh” trước đó từ AVG. Bởi vậy, AVG tuyên bố, họ ghi nhận ý kiến của VPF liên quan đến việc phát triển nguồn thu, tăng thời lượng phát sóng các giải đấu. Đặc biệt, Chủ tịch HĐQT AVG Phạm Nhật Vũ cho biết, AVG sẽ xem xét và sớm có câu trả lời đến VPF. Thời hạn tối đa để AVG đưa ra câu trả lời cho VPF là 1 tuần sau cuộc làm việc ngày hôm qua (21-2).

Trước đó, AVG cũng khẳng định, họ đã nỗ lực hết mình để phủ sóng các giải đấu ở mức độ cao nhất, đồng thời toàn bộ lợi nhuận thu được từ bản quyền truyền hình đều được đầu tư lại cho thể thao Việt Nam. Ngoài ra, mặc dù nhận lời cân nhắc xem xét lời đề nghị của VPF, nhưng AVG cũng khẳng định, việc đàm phán và thỏa thuận với VPF chỉ được thỏa thuận trong điều kiện VPF có đủ điều kiện pháp lý và tôn trọng bản hợp đồng đã ký giữa AVG và VFF.

Đảo chiều?

Việc AVG và VPF cùng ngồi vào bàn đàm phán khiến cho cục diện của “trận đấu” tranh chấp bản quyền truyền hình có thể ngã sang hướng khác. Tuy nhiên, trước khi có kết quả thương lượng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng vẫn khuyến cáo VPF phải tôn trọng hợp đồng đã ký giữa VFF và AVG, đặc biệt là sau khi có kết luận của Thanh tra Bộ VH-TT&DL.

Ông Vương Bích Thắng nói: “AVG và VPF đã ngồi lại với nhau để bàn bạc và làm vì bóng đá Việt Nam. Cái gì tốt cho bóng đá Việt Nam thì Tổng cục hoàn toàn ủng hộ. Dẫu vậy, việc bàn bạc và thỏa thuận thế nào, đó phải là sự thương lượng giữa VFF-AVG với VPF”.

Theo Phó Chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Đức Kiên, VPF muốn hợp tác với AVG, nhưng trường hợp không tìm được tiếng nói chung, VPF sẽ tìm cách tổ chức đại hội bất thường VFF để bảo vệ quan điểm về hợp đồng bản quyền truyền hình.

Ông Kiên nói: “Tôi không mong muốn điều ấy thành sự thật. VPF có thiện chí hợp tác với AVG, nhưng chúng tôi cũng bảo lưu những nguyên tắc làm việc. Nếu vì bóng đá Việt Nam, AVG phải chứng minh vì bóng đá Việt Nam như thế nào. Kinh doanh là kinh doanh, từ thiện là từ thiện. Đối với bóng đá Việt Nam, có thể có nhiều người cùng góp sức, nhưng trực tiếp thì phải là những Chủ tịch các CLB. Nếu không có sự hợp tác thì bóng đá Việt Nam không thể phát triển”.

Cũng theo ông Kiên, con số 70 tỷ đồng mà VPF đặt ra trong trường hợp sở hữu bản quyền 3 hệ thống giải do VPF tổ chức chỉ là tối thiểu. “Con số thì mọi người có thể yên tâm là ấn tượng hơn nhiều”, ông Kiên nói. Ngoài ra, VPF cũng tiết lộ, giữa VPF và VTV có biên bản ghi nhớ về hợp tác, chỉ chờ phê duyệt là tiến tới ký hợp đồng chính thức, đặc biệt là chỉ dừng lại ở 3 giải đấu do VPF quản lý, điều hành.

Ngọc Linh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục