Lăng kính: Số phận nhà vô địch

13:36 Thứ bảy 02/06/2012

Một danh hiệu khẳng định sức mạnh vượt trên tất cả chỉ ở một thời điểm nhất định. Chính thức, ngay từ khi rời khỏi bục nhận huy chương, nhà tân vô địch đã trở thành quá khứ.

1. Nếu đứng trước câu hỏi “Đội tuyển nào mạnh nhất tại EURO 2012?”, chắc chắn không ít người sẽ nhanh chóng trả lời “Tây Ban Nha”. Đơn giản, nhìn vào những gì TBN có, và so sánh với các đội tuyển khác, câu trả lời đó là hoàn toàn hợp lý. Và một điều khác nữa đủ để người ta phải tin, là TBN đang là ĐKVĐ châu Âu và thế giới. Họ vào trận lần này không khác gì tư thế của Pháp khi tham dự World Cup cách đây 10 năm.
Nếu phải trả lời câu hỏi “Đội nào sẽ vô địch EURO 2012?”, có lẽ ít người dám khẳng định là Tây Ban Nha dù có thể chính họ cho rằng đây là đội bóng mạnh nhất. Câu trả lời ấy rất cảm tính. Mà trong bóng đá, nhiều khi cảm tính quyết định hơn lý tính rất nhiều. Dường như, có một số phận dành riêng cho nhà vô địch. Đó là không thể bảo vệ thứ mình có được 4 năm về trước.

2. Thật ra, con người ta rất dễ bị tự đánh lừa về khái niệm vô địch. Chiếc cúp đoạt được sau một giải đấu gồm 6 hay 7 trận cầu mà nhà vô địch phải đi qua, thật ra chỉ là một danh hiệu khẳng định sức mạnh vượt trên tất cả chỉ ở một thời điểm nhất định. Chính thức, ngay từ khi rời khỏi bục nhận huy chương, nhà tân vô địch đã trở thành quá khứ. Đơn giản, trước mắt họ là muôn vàn thách thức mới, là một cuộc chinh phục mới để lại được lên ngôi lần nữa. Và trong chặng đường đó, trong một ngày đẹp trời, họ có thể thua bất kỳ ai.
Tây Ban Nha sẽ không là ngoại lệ. Họ cũng từng thua, như trước Mỹ, BĐN trong những trận giao hữu. Lúc đó, vị thế nhà vô địch có còn hay không? Chỉ là một dấu chấm tạm thời giữa chặng đường chinh phục mới. Nhưng dấu chấm tạm thời ấy cũng đủ chứng minh, nhà vô địch không còn tư thế vô địch.

3. Ai cũng muốn kỳ tích xảy ra và Tây Ban Nha, nếu bảo vệ thành công ngôi vô địch, sẽ lập được một kỳ tích. Nhưng số phận dường như không muốn kỳ tích ấy xảy ra và đã có một số hiện tượng bộc lộ rõ sự chống lại TBN của số phận suốt thời gian qua.

Đầu tiên là việc Villa - “số 7” thượng thặng của nhà vô địch - gãy chân. Kế tiếp là sự ì ạch đánh mất chính mình của Torres suốt cả một mùa bóng dài. Và cuối cùng chính là chấn thương của Puyol. Tất cả dồn lại như một cái điềm báo cho sự đi xuống của TBN, chấm dứt một chu kỳ thành công.

ĐT Pháp hồi World Cup 2002 cũng đã có những dấu hiệu như thế. Cú gãy chân của Pires, chấn thương của Zidane… xảy ra trước giải đấu. Đến EURO 2004, Cisse là người mang lại cho đội bóng áo lam nỗi âu lo mơ hồ sau khi anh bị gãy chân trong trận giao hữu gặp Trung Quốc. Những liên tưởng từ TBN hiện tại đến Pháp quá khứ phải chăng là linh cảm đúng, hay chỉ là nỗi lo sợ mang tính mê tín đơn thuần?

Những chuỗi sự kiện tương đồng dễ cho người ta nghĩ đến kết quả như nhau. Và cũng ở bảng C này, Italia lại bước vào giải bằng cơn sóng tiêu cực dữ dội trong lòng mình. Lại là số phận của một nhà vô địch mới chăng, như hồi World Cup 2006? Nhưng mong Italia sẽ lại vô địch sau một scandal, có lẽ chẳng mấy ai, trừ phi đó là một tifosi thực thụ.

Hà Quang Minh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục