Bóng ném Việt Nam: Miệt mài tìm chỗ đứng

14:46 Chủ nhật 19/07/2015

Là môn thể thao được đánh giá là phù hợp với tố chất người Việt Nam nhưng đến lúc này, bóng ném vẫn đang mải miết tìm chỗ đứng với hy vọng về một giải vô địch quốc gia có nhiều hơn 5 đội tham gia.

Chằn chặn 5 đoàn dự giải quốc gia

Ở Giải vô địch bóng ném trẻ toàn quốc vừa kết thúc tại Hà Nội vào ngày 18-7, chỉ có 5 đơn vị cử đội tham dự là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Yên Bái, Hà Giang, Bình Định. Trong số này, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là những địa phương đi đầu trong việc phát triển môn thể thao này kể từ năm 1994. Đến năm 1995, ở Đại hội TDTT toàn quốc, lần đầu tiên bóng ném có tên trong chương trình thi đấu.

Lúc đó, lực lượng của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được bổ sung cho 2 đơn vị khác và tính cả Đại học TDTT trung ương 1, đại hội chỉ có 5 đoàn tham dự môn bóng ném. Với cách chia quân để tham dự Đại hội TDTT mang tính hình thức như vậy nên không khó hiểu khi năm 1996, Giải vô địch bóng ném quốc gia không được tổ chức vì không đủ đội bóng tham gia. Đến năm 1997, để dễ bề quy tụ các đội, nhà tổ chức không mở giải dưới hình thức Giải vô địch quốc gia, thay vào đó là Giải các CLB nhằm thu hút nhiều đội hơn bởi với cách này thì một địa phương có thể cử nhiều đội tham dự.

Cũng trong năm đó, Bình Định bắt đầu phát triển bóng ném. Đến 2004 thì thêm Hà Giang gây dựng phong trào, trong đó có chuyến tầm sư học đạo ở Hà Nội trong 2 năm để đến giờ, bóng ném Hà Giang phát triển khá ổn định. Năm 2006, đến lượt Yên Bái phát triển bóng ném nhưng giới hạn ở "mảng" nữ. Hai năm sau, do kinh phí quá khó khăn, thể thao Yên Bái không đầu tư cho bóng ném nữa. Sau nhiều lần thuyết phục của Tổng cục TDTT, cuối cùng Yên Bái cũng phát triển trở lại bóng ném vào năm 2010, nhưng chỉ với đội nam.

Lúc này, Yên Bái vẫn là địa phương cuối cùng phát triển môn bóng ném ở Việt Nam. Vì thế, cả Giải vô địch quốc gia lẫn giải trẻ quốc gia kể từ năm 2010 đến nay, nhiều nhất cũng chỉ có 5 đoàn tham gia. "Quân số" ít là thế, nguồn tuyển chọn VĐV cho đội tuyển quốc gia hạn hẹp là thế nhưng đội tuyển quốc gia nam, nữ vẫn nằm trong nhóm đầu Đông Nam Á và ở nhóm giữa khu vực Châu Á. Riêng tại Giải vô địch Đông Nam Á trong 3 năm gần đây, đội nữ Việt Nam liên tục đoạt ngôi hậu.

Còn trong lịch sử SEA Games kể từ năm 1989, ở cả 2 lần mà bóng ném có tên trong chương trình thi đấu, đội nam, nữ Việt Nam giành HCV ở SEA Games 2003; đội nam, nữ giành HCB năm 2007. Riêng tại Giải vô địch bóng ném bãi biển Châu Á, đội tuyển nữ Việt Nam giành tới 3 HCĐ. Không kể, bóng ném là môn thi đấu chính thức của Olympic từ 1936 đến nay. Còn tại Olympic 2022, bóng ném bãi biển cũng nhiều khả năng góp mặt.

Bao giờ chấm dứt nghịch lý?

Với vị thế vững chắc trong hệ thống thi đấu của Olympic, ASIAD, lại là môn phù hợp với sức vóc của người Việt chứ không như bóng chuyền, bóng rổ, nhẽ ra bóng ném phải có vị thế tốt hơn trong làng thể thao Việt Nam hiện nay. Vị thế ấy không chỉ là được coi trọng đầu tư hơn từ cấp trung ương, mà còn phải được các địa phương, ngành chú trọng phát triển. Ấy thế mà hiện nay, cả nước vỏn vẹn có 5 địa phương phát triển môn này.

Gắn bó với bóng ném Việt Nam từ những ngày đầu, Trưởng bộ môn bóng ném Tổng cục TDTT, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Đào Đức Kiên lý giải: "Có nhiều nguyên nhân khiến bóng ném Việt Nam chưa được coi trọng đúng mức. Trong đó, đáng kể là xu hướng đầu tư thể thao thành tích cao của nhiều địa phương, ngành thường tập trung vào các môn, nội dung cá nhân thay vì môn đồng đội.

Như vậy thì kinh phí đầu tư ít hơn mà hiệu quả có thể đến tức thì. Còn bóng ném đòi hỏi thời gian đầu tư lâu hơn, thành công đến khó hơn và kinh phí để duy trì một đội bóng cũng nhiều hơn". Người trong nghề tính rằng, để duy trì một đội bóng ném có từ 18 đến 20 người thì phải tốn hơn 1 tỷ đồng/năm. Mà đó chỉ là mức chi tiêu tằn tiện, còn để duy trì cả tuyến 1 lẫn tuyến 2 nam, nữ thì cần có khoảng 6 tỷ đồng/năm. Với những địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mức đầu tư này đã là lớn, các tỉnh khác có e dè hoặc chỉ chọn đầu tư một nội dung cũng là điều dễ hiểu.

Đó là chưa nói đến chuyện cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu cũng có quy chuẩn, đòi hỏi phải đầu tư. Việc chọn HLV giỏi ở một số địa phương không phải là chuyện dễ. Đã vậy, bóng ném cũng không có tên trong chương trình thi đấu của Hội khỏe Phù Đổng. Đây là thiệt thòi lớn cho môn thể thao đồng đội, khiến việc tuyển chọn, phát hiện tài năng càng thêm khó khăn. Không kể chương trình thi đấu của các SEA Games lại không thường xuyên có bóng ném.

Dù vậy, gần đây đã có những tín hiệu tích cực như các giải bóng ném phong trào của học sinh, sinh viên do Liên đoàn Bóng ném Việt Nam tổ chức, thu hút hàng chục đội. Những SEA Games tới, ở Malaysia (năm 2017) và có thể là ở Việt Nam vào năm 2021, nhiều khả năng có bóng ném trong chương trình thi đấu, Đại hội thể thao bãi biển Châu Á 2016 ở Việt Nam đã chắc chắn có môn này. Từng ấy lý do để những người có trách nhiệm tin rằng bóng ném sẽ được các địa phương quan tâm, phát triển nhiều hơn. Tất nhiên, đi kèm đó là những chiến dịch truyền thông mạnh mẽ để cách nhìn nhận về môn thể thao này tích cực hơn.

Thùy An | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục