Lộ trình làm... khổ!

10:42 Thứ bảy 24/08/2013

Một ngày sau khi K. Kiên Giang bóng gió đòi nghỉ chơi nhờ có đội rớt hạng thay mình, VFF có ngay thông báo chính thức mùa giải 2013 không có đội xuống hạng...

Hôm qua, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ ký công văn xác nhận không có đội nào rớt hạng ở hai vòng cuối cùng, sau khi XMXT Sài Gòn nghỉ chơi. Nghĩa là, đội xếp cuối bảng K. Kiên Giang gần như đã tắt cơ hội trụ hạng lại được “cứu”, chỉ một ngày sau khi họ muốn bỏ mặc vì không còn đường thoát.

Khỏi phải nói HLV Lai Hồng Vân và các nhà làm bóng đá Kiên Giang vui mừng đến cỡ nào, dù cái cách trụ hạng ấy theo người trong cuộc cũng chẳng lấy làm hạnh phúc gì.

Nguyên nhân lớn nhất khiến VFF, VPF phải nhún nhường không để đội nào rớt hạng thêm bởi lộ trình của họ đặt ra bắt đầu từ mùa giải 2014 phải đủ 14 đội tham dự V-League. Cũng chính vì cái lộ trình cốt đông mà không cốt tinh nên hồi đầu mùa, Đồng Nai bỗng nhiên có suất chơi V-League sau khi NaviBank SG giải tán, bất chấp điều kiện chuyên nghiệp (chưa có giàn đèn, khán đài không đủ chuẩn,…).

Thường vụ VFF đã ban hành nghị quyết mùa 2014 phải có 14 đội và từ nghị quyết đảm bảo số đông này mà mùa bóng năm nay giờ chót không có đội xuống hạng. Ảnh: XUÂN HUY

Cái lộ trình của VFF đang làm khổ các nhà làm giải vì theo tính toán, mùa giải 2014 bóng đá Việt Nam bắt đầu vào khuôn khổ chuyên nghiệp sau hơn 10 năm thử nghiệm và hai mùa thực nghiệm. Theo đó, vào mùa giải sau, các HLV hành nghề ở V-League phải có bằng A của AFC hoặc bất kỳ bằng cấp huấn luyện tương đương của nước ngoài được AFC công nhận. Điều này sẽ bó buộc các HLV lão làng rất nhiều và ngay trong mùa này, B. Bình Dương cho thấy sự luồn lách khôn khéo khi đăng ký HLV Lê Thụy Hải làm giám đốc kỹ thuật nhưng ai cũng biết là không phải.

Lộ trình ở mùa sau theo Điều 11 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, các câu lạc bộ tham gia V-League và giải hạng nhất phải có Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ hoặc Học viện Bóng đá bao gồm các lứa tuổi từ U-11 đến U-19. Cái sự bắt buộc này đối với rất nhiều CLB sẽ như hái sao trên trời bởi từ lâu lắm rồi, họ còn không có lực lượng kế thừa, nói gì đến các tuyến trẻ. Cứ nhìn vào đội vừa trụ hạng an toàn K. Kiên Giang thì biết họ chỉ toàn lính đánh thuê còn nợ tiền khốn đốn, sao dám mơ đến lập học viện bóng đá hay đào tạo trẻ.

Cũng từ cái lộ tình chuyên nghiệp ở mùa 2014, Điều 36 quy định CLB phải có các đội bóng U-21, U-19, U-17, U-15 tham gia các giải trẻ quốc gia ở cùng độ tuổi... Biện pháp chế tài là nếu không đủ số lượng đội trẻ tham dự giải theo quy định sẽ phải chịu hình thức kỷ luật theo quy định kỷ luật của VFF (CLB sẽ bị phạt 200 triệu đồng/đội không tham dự giải; số tiền này sẽ nộp cho VFF để làm công tác đào tạo trẻ, các đội tuyển trẻ quốc gia).

Không biết đây có phải là sáng kiến tối ưu của VFF nhằm tận thu của CLB để làm kế hoạch đào tạo trẻ hay không, chỉ biết là cái trung tâm đào tạo trẻ VFF ra đời hơn bảy năm rồi không có một cầu thủ trẻ nào sản sinh ra ở đấy. Thế nên cứ mỗi lần phải đi đá các giải U quốc tế, VFF lại nháo nhào xin các đội của nhiều “lò” tư nhân như Viettel, PFV, HA Gia Lai Arsenal,… khoác áo đội tuyển.

Chạy theo số lượng, giảm chất lượng

Với việc không có đội rớt hạng ở V-League, mùa sau sẽ có 14 đội tham gia (11 đội trụ hạng và ba đội hạng nhất là Quảng Nam, An Giang và Than Quảng Ninh). Đáng nói là việc nâng số lượng đội tham gia cho đủ tụ như lộ trình đã khiến VFF, VPF quên đi chất lượng của các đội lên hạng. Nó còn làm giải mất đi tính cạnh tranh như ở hạng nhất có tám đội thì có ba đội lên V-League, trừ đi hai đội không thể lên do vướng một ông chủ hai đội bóng thì xác suất “đậu” là rất cao. Tương tự, sáu đội hạng nhì thì đã năm đội lên hạng nhất. Hài hước nhất trong đó còn có đội Khánh Hòa mới đầu mùa vừa bán đội V-League, bỏ đội hạng nhất (cũng vừa mới thăng hạng) thì bây giờ lại tiếp tục lên không biết để làm gì nữa.

TT
Đăng Huy | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục