Câu chuyện bóng đá: Người Trung Đông tác động thế nào đến bóng đá châu Âu?

17:46 Thứ năm 04/07/2013

Mùa giải 2011/12, các CLB châu Âu tăng trưởng phi mã tới 11% với tổng doanh thu lên đến 24,6 tỷ USD. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa có nhiều biến chuyển mà lục địa già chính là trung tâm khủng hoảng, liều thuốc thần kỳ nào có thể giúp môn thể thao vua hấp dẫn đến mức bùng nổ? Câu trả lời nằm ở những ông chủ giàu mỏ có quốc tịch từ Trung Đông, tất nhiên rồi, và những quả bom tiền mà họ mang theo.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi

 

 


Đầu tư theo trọng điểm

Nói là các CLB châu Âu chứ kỳ thực bước phát triển nhảy vọt ấy chỉ có ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, gồm Premier League, La Liga, Serie A, Bundesliga và Ligue 1, trong khi phần còn lại của cả châu lục gần như đứng yên, nếu không muốn nói là thụt lùi trong sự vận động không ngừng của môn thể thao vua. Chỉ 5 giải đấu ấy đã chiếm tổng doanh thu gần một nửa, đạt con số kỷ lục chưa từng thấy là 11,8 tỷ USD, trong khi 45 quốc gia còn lại với hàng chục nghìn CLB lớn nhỏ, chia nhau phần bánh mà những ông lớn kia không thể ăn hết vì đã quá no nê.

Sở dĩ cán cân nghiêng hẳn về một phía như vậy, bất chấp những biện pháp hòng tìm kiếm sự công bằng ở mức tương đối của LĐBĐ châu Âu, là bởi sự lũng đoạn không cách nào khống chế được từ các hoàng thân quốc thích, bộ trưởng rồi thậm chí thủ tướng của các quốc gia Trung Đông. Những cuộc sang tên đổi chủ, những hợp đồng quảng cáo rồi áo đấu của người Trung Đông chỉ tập trung vào 5 giải đấu được chú ý, ngoài ra tuyệt không một giọt dầu “rơi rớt” cho những nền bóng đá thấp hơn.

Real ký hợp đồng tài trợ kỷ lục với Emirates Airline

Cả châu Âu phụ thuộc vào nhóm khách lạ

Từ bao lâu nay, những ông hoàng giữa trần gian ấy không chú tâm nhiều đến chuyện đầu tư vào bóng đá, ngay trên quê nhà chứ đừng nói đến vươn đến tận châu Âu. Bằng chứng là sau thời kỳ thịnh vượng, Trung Đông dần dần và giờ là lép vế hẳn so với các đối thủ chính như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Australia. Thế nhưng cuộc đổ bộ thành công mỹ mãn của hoàng thân Sheikh Mansour vào mảnh đất vùng Eastlands, phía đông thành phố Manchester đã thay đổi tất cả và đặt dấu ấn cho một cuộc đại cách mạng của người Trung Đông và của bóng đá lục địa già.

Báo cáo từ tập đoàn kinh doanh thể thao Deloitte Sports Business cũng như các số liệu từ Forbes cho hay, 3 trong số 4 đội bóng giàu nhất thế giới được sở hữu hoặc tài trợ bởi các nhà đầu tư Trung Đông, ngoài ra đây cũng là các đội đạt doanh thu cao nhất mùa 2011/12. Real Madrid thu về 650,5 triệu USD, nhưng hứa hẹn với sự đầu tư của tập đoàn hàng không UAE Emirates Airline, con số này sẽ còn tăng chóng mặt bắt đầu từ mùa sau. Ở La Liga, Barcelona luôn so kè với Real từng trận đấu và trên mặt trận kinh tế, Gã khổng lồ xứ Catalan cũng theo sát đại kình địch ở vị trí thứ 2. Tổng thu của Blaugrana sở dĩ tăng chóng mặt và đạt ngưỡng 613 triệu USD là nhờ có sự đầu tư của tập đoàn Qatar Foundation. Ngoài ra, ngân sách của 2 đại diện bóng đá Anh là Arsenal và Man City cũng có phần đóng góp quan trọng của các nhà tài trợ đến từ Trung Đông.

Những thông số từ bản báo cáo cũng chỉ ra rằng nền bóng đá châu Âu đang phụ thuộc một cách sâu sắc vào nhóm người ngoại quốc này mà không có cách nào thoát khỏi, thậm chí ngày càng trầm trọng hơn. Thực tế người Trung Đông chỉ tập trung vào 5 giải lớn, song ai chẳng biết đây là 5 chiếc trụ chống cả nền bóng đá của cả một châu lục.

Tương lai màu… đen

Dòng tiền từ “nhóm khách lạ” này đang ngày ngày nâng cấp nền bóng đá châu Âu. Mặc dù vậy, nó cũng kéo theo những nguy cơ tiềm ẩn quá lớn, thậm chí với sự bành trướng ngày càng lớn của người Trung Đông, nó có thể dẫn đến một cuộc đại suy thoái không thể ngăn cản. Hãy thử tưởng tượng những Man City, PSG sẽ ra sao nếu một ngày giới chủ các đội bóng này không còn hứng thú với môn thể thao vua hoặc không thể tiếp tục bơm tiền vì những lý do khác? Malaga chỉ là một ví dụ điển hình, song nó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh, báo hiệu thảm cảnh có thể xảy ra ngay trong tương lai gần. Các ông chủ người Trung Đông rất giàu nhưng không có nghĩa tiền của họ là vô tận. Mặc dù đây là khu vực tương đối ổn định, song cần nhớ rằng nền kinh tế của họ phụ thuộc vào dầu mỏ - lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm và ẩn chứa đầy rủi ro.

Dĩ nhiên giới quan chức bóng đá châu Âu hiểu rõ điều này hơn ai hết. Bởi vậy, một mặt tận dụng nguồn vốn từ đối tác, mặt khác UEFA cũng đang tìm cách ngăn chặn và giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của người Trung Đông. Đạo luật Công bằng tài chính (FFP) mới là bước đi mở màn, trong thời gian tới sẽ còn nhiều hơn nữa những phương án đối phó, khiến bản thân các CLB phải tự tìm cách đi trên đôi chân của mình thay vì lệ thuộc 100% vào giới chủ. Những M.U, Bayern hay Dortmund là mô hình mà các đội bóng châu Âu cần hướng tới thay vì mong chờ một núi tiền từ trên trời rơi xuống theo kiểu mỡ nổi như ở PSG hay Man City, đi bằng đôi chân bao giờ cũng tốt hơn là dựa vào cái lạng gỗ.
Dược Sơn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục