Bóng đá Việt Nam: Từ “vùng trũng” tới World Cup cách nào?

08:55 Thứ tư 16/07/2014

World Cup 2014 đã kết thúc với những nụ cười và cả nước mắt. Để có được chiếc cúp vàng một cách xứng đáng, bóng đá Đức đã xây dựng cả một chiến lược và kế hoạch dài hơn chục năm. Chiến lược ấy nhận được sự đồng thuận của đông đảo ngươi dân Đức, của các CLB và đặc biệt là được sự ủng hộ của Thủ tướng Đức - bà Angela Merkel. World Cup cũng là nơi vinh danh các đội bóng ở những quốc gia có dân số chỉ vài triệu người, như Costa Rica, Uruguay.

Một câu hỏi đưa ra có vẻ như rất viển vông: “Bao giờ thì người Việt Nam - đất nước hơn 80 triệu dân và hàng chục triệu fan hâm mộ bóng đá - được khóc, cười trên những khán đài của FIFA World Cup?” và “Chúng ta đang bỏ lỡ điều gì để chưa thể nhấc chân ra khỏi vùng trũng Đông Nam Á và hướng tới World Cup?”.

Bài 1: Lãng phí nguồn tài nguyên cổ động viên

Trong lúc những người hâm mộ bóng đá trên thế giới hòa mình vào cảm xúc ở những sân bóng World Cup 2014 trên đất Brazil thì tại Việt Nam, những người yêu bóng đá đã làm nên những điều khá đặc biệt.

Thừa tình yêu bóng đá...

Trận đấu HN T&T- SLNA trên sân Hàng Đẫy ở trận đấu bù V.League tưởng như bị “nuốt chửng” bởi không khí World Cup. Nhưng không. Những CĐV đội khách đã nhuộm một phần khán đài bằng những lá cờ đỏ rực, rất ấn tượng. Ở góc khán đài ấy, người ta có thể cảm nhận tình yêu bóng đá của người Việt không hề thua bất kỳ quốc gia nào.

Thanh Tùng - một sinh viên sống ở TPHCM - luôn góp sức mình vào hoạt động của Hội CĐV TPHCM. Tùng đã bỏ tiền túi để bay ra Hà Nội cổ vũ cho đội SLNA. Còn chàng sinh viên Trần Văn Trung đáp tàu suốt đêm từ Nghệ An ra Hà Nội để rồi trước trận đấu, Trung nhuộm vàng cơ thể mình bằng phẩm màu, để bày tỏ tình yêu với đội bóng.

Bóng đá Việt vẫn luôn có đông đảo CĐV nhiệt thành. Ảnh: Quang Thắng

Thanh Tùng, Trần Trung chỉ là đại diện cho cả triệu người hâm mộ SLNA hay hàng triệu người vẫn còn yêu quý bóng đá nội: Không tiếc tiền, công sức và tình cảm để ủng hộ bóng đá.

“Tôi thấy bóng đá nội đang lãng phí lực lượng CĐV - Trần Văn Trung nói - Chẳng hạn như SLNA co cả triệu fan trên cả nước, nhưng vẫn là một đội bóng eo hẹp về kinh phí. Thậm chí ngay những quốc gia vừa dự World Cup cũng mơ có được lượng CĐV nhiệt tình và đông đảo như VN. Tôi nghĩ, bóng đá VN chưa biến sức mạnh và tình cảm của các CĐV thành sức mạnh của một nền bóng đá. Đó là điều thực đáng tiếc”.

Một minh chứng rõ ràng nhất cho tình yêu bóng đá của NHM Việt Nam là anh Trần Văn Hoàn - người Hải Phòng. Từ năm 2002 tới nay, World Cup ở đâu là anh Hoàn tới đó cổ vũ, mang theo lá cờ đỏ sao vàng. Vừa rồi, anh Hoàn bỏ ra chừng 500 triệu đồng để sang Brazil, chấp nhận mua vé chợ đen để có mặt trong trận chung kết World Cup giữa Đức và Argentina.

“Nếu tuyển VN lọt vào World Cup, tôi tin chắc sẽ có cả chục ngàn người như tôi, sẵn sàng chi một khoản tiền lớn, bằng cả một gia sản để đi theo, ủng hộ đội. Tôi đã tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Nam Phi và Brazil, nên có thể khẳng định NHM Việt Nam yêu bóng đá hàng đầu thế giới. Nhưng tôi cũng chạnh lòng khi ngồi trên sân bóng huyền thoại Maracana: Khi nào thì VN dự World Cup, khi nào thì chúng tôi không phải vay mượn niềm vui, nỗi buồn từ những đội tuyển khác...” - anh Hoàn chia sẻ.

...nhưng thiếu chiến lược

Đầu tháng 3 năm nay, khi tiễn đội U.19 VN sang Châu Âu tập huấn, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nói: “Chúng tôi kỳ vọng U.19 VN sẽ thi đấu tốt ở giải châu Á để đoạt vé dự World Cup U.20 thế giới 2015. Ngoài ra, với những cầu thủ tốt này, VFF và các nhà tài trợ sẽ đầu tư tối đa trong tham vọng góp mặt ở World Cup 2018”.

Nghĩa là VFF cũng đã nghiêm túc đặt nền móng cho “giấc mơ World Cup” của bóng đá Việt. Nhưng, chiến lược như thế nào thì vẫn chỉ là những bài toán tổng thể.

Để bước lên bục cao nhất của bóng đá thế giới, bóng đá Đức đã kiên trì xây dựng kế hoạch trong hơn 10 năm, từ công tác đào tạo trẻ. Một cuộc cách mạng thực sự khi Đức tập trung vào các học viện cùng sự hợp tác tích cực từ các CLB, điển hình là việc mạnh dạn sử dụng cầu thủ trẻ. Thành quả đầu tiên là chức vô địch U.21 Châu Âu năm 2009. 5 năm sau, những cầu thủ trẻ ấy vững vàng trong đội hình tuyển Đức với các nhân tố như Manuel Neuer, Mesut Oezil, Mats Hummels, Hoewedes, Boateng, Sami Khedira. Đó là chưa kể tới những cầu thủ trẻ hơn và đầy tiềm năng của quá trình đào tạo cầu thủ công nghệ Đức như Schuerrle, Goetze, Kroos, Mueller...

Thật ra bóng đá VN cũng đã có sự đầu tư từ 7-8 năm trước, nhưng đó nỗ lực từ phía một CLB. Thực chất đội U.19 - niềm hy vọng của giấc mơ World Cup là lứa trẻ của HAGL Arsenal mở rộng. Thành công ban đầu của đội bóng này đáng ghi nhận, nhưng không phải là kết quả và chiến lược của một nền bóng đá.

Bóng đá VN không thể so sánh với bóng đá Đức và có vẻ như cho đến lúc này, VFF mới bắt đầu đi tìm một chiến lược dài hơi cho mình bằng việc ký kết chương trình hợp tác toàn diện với bóng đá Nhật diễn ra cách đây không lâu. Mới chỉ là những động thái đầu tiên và con đường từ vũng trũng tới World Cup của bóng đá VN vẫn còn xa vời vợi...
Nhật Thành | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục