Bình luận: Thấy lãi mà lo

11:00 Thứ tư 18/09/2013

VPF vừa công bố báo cáo tài chính với những con số đầy lạc quan. Khác hẳn bức tranh ảm đạm của V-League 2013, khi nhiều đội bóng bị giải thể, phải bỏ cuộc giữa chừng hoặc lâm vào cảnh nợ nần... VPF vẫn đạt lợi nhuận trên 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều người thấy lãi mà vẫn phải lo khi nhìn vào thực trạng của nền bóng đá.

So với khoản lợi nhuận thu được sau mùa bóng 2012, số tiền VPF tích lũy được ở mùa bóng 2013 chỉ còn 1/10, nhưng trong bối cảnh V-League khủng hoảng thì con số trên 3 tỷ đồng dôi dư cũng khiến nhiều người ngạc nhiên. Theo báo cáo tài chính vừa được công bố, tổng các nguồn thu từ tài trợ, bán bản quyền, quảng cáo... trong năm 2013 đạt trên 89 tỷ đồng, trong khi VPF chỉ phải bỏ ra trên 85 tỷ đồng để tổ chức giải, hỗ trợ các đội bóng và làm nghĩa vụ với VFF.

VPF đang mất điểm trầm trọng khi bị chính các ông bầu chỉ trích bởi cách làm.

Lẽ thường, VPF làm ăn có lãi các CLB phải mừng, nhưng nhìn vào thực tế ở V-League thì chưa hẳn đã đúng. Chẳng cần nói đâu xa, chỉ cần nhìn tình cảnh cầu thủ K. Kiên Giang kéo nhau đi đòi nợ, khiến lãnh đạo CLB phải “lẩn như chạch” mới thấy được nghịch lý khi các đội bóng đang phải đối mặt với những khoản nợ chồng chất sau mỗi mùa giải. Thực ra, con số trên 3 tỷ đồng tiền lãi cũng chỉ bằng tiền thưởng của riêng bầu Hiển, bầu Trường thưởng thêm cho thành công của Hà Nội T&T và XM Ninh Bình, còn nếu chia đều cho các đội bóng thì cũng chỉ bằng 1/3 số tiền đóng góp cho khoản lệ phí tham dự giải.

Có lẽ vì vậy nên không nhiều người vội mừng trước báo cáo triển vọng tài chính của VPF trong mùa bóng 2014 với những con số đầy lạc quan như đạt doanh thu ở mức kỷ lục, lên tới 120 tỷ đồng, trong đó lãi ròng gần 35 tỷ đồng chưa tính các khoản đóng góp cho VFF và “gói cứu trợ” cho các đội bóng tham dự giải. Với mục đích “phi lợi nhuận” trên nguyên tắc số tiền kiếm được từ hoạt động bóng đá sẽ phải được đầu tư lại cho bóng đá, trong đó đối tượng chủ yếu cần được hỗ trợ chính là các CLB bóng đá. Không ít ông bầu còn đặt vấn đề, không hiểu VPF kinh doanh kiểu gì mà các CLB ngày một nghèo đi trong khi các ông chủ vẫn phải móc tiền túi ra nuôi đội bóng còn lợi nhuận thu được lại dồn hết về túi VPF.

Nói tới chuyện kiếm tiền của VPF, hẳn nhiều người sẽ phải nhớ ngay tới cuộc chiến bản quyền truyền hình ở VLeague. Mặc dù giành được phần thắng cùng cam kết sẽ thu về 50 tỷ đồng ngay ở mùa bóng đầu tiên và tăng lũy tiến ở những năm kế tiếp, nhưng kế hoạch “làm giàu” từ việc khai thác bản quyền truyền hình của VPF đang có nguy cơ trở thành “bánh vẽ”. Thậm chí, nhiều người còn thấy lo khi nhìn vào thực tế, nguồn thu từ bản quyền truyền hình mà VPF cam kết đã giảm đi trông thấy khi Hội đồng bảo trợ bóng đá Chuyên nghiệp chỉ còn trên danh nghĩa và trong số 10 Mạnh Thường Quân thì đã có 8 doanh nghiệp lặng lẽ rút lui ở mùa bóng 2013.

Thực ra thì cho đến giờ, sau 2 mùa bóng đứng ra tổ chức, điều hành V-League, VPF đang mất điểm trầm trọng khi bị chính các ông bầu chỉ trích bởi cách làm và cả những phương án kinh doanh theo kiểu “phi lợi nhuận”. Vậy nên, cũng đừng quá kỳ vọng vào những con số dự báo lạc quan, bởi điều các đội bóng đang cần chính là thực chất.
Đan Phượng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục