BLV Quang Huy: Bình luận viên phải gãi đúng chỗ ngứa

22:30 Thứ sáu 27/06/2014

World Cup là thời điểm bận rộn nhất của BLV Quang Huy, anh vừa tham gia bình luận các trận đấu ban đêm, vừa phải hoàn thành công việc ở Đài truyền hình kỹ thuật số VTC. Phải rất vất vả để người viết có thể gặp được anh trong quỹ thời gian nghỉ ngơi ít ỏi để nghe anh trải lòng về nghề, trong bối cảnh người hâm mộ đang phản ứng gay gắt với các BLV.

Không bón thúc, thời vụ

* Đây đã là kỳ World Cup thứ 5 anh tham gia bình luận và khán giả nhớ đến anh với rất nhiều những trận đấu thăng hoa, sôi nổi, chẳng hạn khi anh và BLV Anh Ngọc cùng bình luận trận chung kết năm 2006. Sau 5 kỳ World Cup, lần này cuộc đua tài của các đội bóng ở Brazil tạo cảm xúc với anh như thế nào, có giống như lần đầu tiên bình luận hay không?

Lần đầu tiên tôi bình luận World Cup là ở France ’98. Bản thân tôi rất chịu khó tích lũy, tích lũy ở đây theo nghĩa rộng, vừa là tích lũy kiến thức và vừa là tích lũy đam mê. Nói theo kiểu võ công thì võ công thâm hậu hơn, và cảm xúc dành cho khán giả đầy đủ hơn.

BLV Quang Huy đã có 19 năm gắn bó với nghề bình luận bóng đá

* Sau gần 20 năm theo nghề bình luận, anh có còn háo hức trước mỗi trận đấu?

Tôi vẫn còn nguyên sự háo hức, thậm chí là sự hồi hộp trước giờ bình luận. Những ngày không có sự hồi hộp thì y như rằng sẽ làm không làm tốt lắm, dù đã chuẩn bị kỹ càng. Từ đầu World Cup đến giờ tôi luôn cảm thấy hồi hộp trước mỗi trận đấu, giống như là có men để thăng hoa hơn.

* Yếu tố nào khiến anh luôn chinh phục được khán giả?

Công việc BLV đòi hỏi sự tích lũy lâu dài và tự nhiên. BLV không nên tích lũy theo kiểu bón thúc hay thời vụ, bởi những gì tích lũy được cũng nhanh chóng qua đi, anh có thể có một trận thành công nhưng không phải là thành công lâu dài.

* Thế hệ của anh ưu thế hơn và kém ưu thế hơn các BLV trẻ hiện nay ở mặt nào?

Thời chúng tôi có lợi thế là sự tích lũy kiến thức đến từ từ qua báo giấy và Đài tiếng nói nên nhớ rất lâu. Hiện nay các BLV rất giỏi ngoại ngữ và khai thác thông tin dễ dàng qua internet nhưng nhược điểm là thông tin khó ăn sâu vào đầu. Họ đa số không trải qua quá trình tích lũy tự nhiên và do vậy chưa biết cách làm khán giả yêu quý mình.

BLV trẻ muốn phá cách

* Anh đánh giá thế nào về phong cách của các BLV trẻ hiện nay?

Họ đang tìm cách bứt phá. Nhưng phá cách không phải lúc nào cũng tốt, giống như trong bóng đá vẫn phải đá đúng đấu pháp, sau đó mới là sự thăng hoa. Trước khi bứt phá, BLV phải tạo ra sự gần gũi, phải làm sao để khi nói chuyện với khán giả cũng tự nhiên giống như nói chuyện với nhau ngoài đời, như thế mới dễ đi vào lòng người.

"BLV phải cảm nhận được khán giả cần gì"

* Theo anh, có hay không một “thảm họa bình luận viên” như những gì người hâm mộ "xôn xao" trong thời gian vừa qua?

Theo tôi thì không có “thảm họa” bởi vẫn có những BLV vẫn đang làm tốt công việc, những người làm chưa tốt thì vẫn còn trẻ, còn thời gian để phấn đấu và tiến bộ. Người hâm mộ cũng nên có cái nhìn bao dung và thông cảm với các BLV.

* Lại có ý kiến cho rằng BLV nên nói ít đi, không nên tràn lan như bây giờ. Anh nghĩ thế nào về nhận định này?

Tôi không nghĩ BLV nên nói ít đi, thay vào đó, anh phải cảm nhận được khán giả cần gì, phải “gãi đúng chỗ ngứa”. Chẳng hạn tường thuật một trận đấu của đội tuyển Anh thì không cần nói nhiều, chỉ nên nói những điều trọng tâm mà khán giả chưa biết. Hay như bình luận trận đấu của đội tuyển Việt Nam gặp Thái Lan, Việt Nam đang dẫn nhưng bị ép ngược lại thì BLV nên nói rất ít, thậm chí ngay cả đọc tên cầu thủ cũng hạn chế. Khán giả khi ấy cần sự im lặng để sống trong cảm xúc hồi hộp.

Nhưng nếu tường thuật trận đấu của một đội tuyển châu Phi, hay CONCACAF mà rất lâu mới xuất hiện ở World Cup thì khi bóng đến chân cầu thủ nào, cần phải giới thiệu cho khán giả biết thông tin về cầu thủ đó. Điều này đặc biệt nên làm ở trận ra quân của những đội bóng ít nổi tiếng.

Quá trình tích lũy tự nhiên sẽ mang đến sự tinh tế để cảm nhận được nhịp đập của khán giả. Cá nhân tôi trước mỗi trận đấu thường chuẩn bị không nhiều, chỉ khoảng một giờ đồng hồ lấy thông tin cập nhật. Còn lại là nền tảng đã tích lũy từ bé.

Sẵn sàng “đá tiền vệ trụ”

* Anh đã từng chia sẻ quan điểm rất thú vị về nghề của mình, rằng BLV chỉ là cái mắc áo, không phải một cái áo đẹp. Khi khởi nghiệp hay khi đã nổi tiếng và nhận được nhiều lời khen, có khi nào anh nghĩ mình sẽ trở thành một cái áo đẹp hay chưa?

Tôi chưa bao giờ có suy nghĩ như thế. Với tôi, BLV luôn chỉ là cái mắc áo. Hình ảnh cái mắc áo còn mang một ý nghĩa khác, rằng chiếc áo đẹp thì luôn cần có mắc để treo lên, nếu vứt lăn lóc thì chẳng ai nhìn thấy và chỉ một thời gian là hỏng.

BLV Quang Huy cho rằng không có “thảm họa bình luận viên”

* Công việc bình luận World Cup lần này của anh có khác gì so với các kỳ World Cup trước?

Hiện nay tôi cộng tác với VTV bình luận các trận World Cup theo kiểu bình luận đôi. Việc này mang đến những trải nghiệm mới đòi hỏi BLV phải biết cách điều tiết để cho một sự kết hợp hài hòa. Có những trận đấu tôi xác định là mũi chủ công, nhưng khi cần cũng sẵn sàng lui về đá tiền vệ trụ để “người đá cặp” dâng lên.

* Có vẻ sự kết hợp ấy vẫn chưa được nhuyễn như khi anh kết hợp với các BLV kỳ cựu?

Đó là do khách quan. Tôi, anh Quang Tùng và Anh Ngọc có lợi thế là cùng một thế hệ, lại quen biết nhau từ lâu nên biết rõ tâm lý, phong cách của nhau. Lợi thế ấy giúp chúng tôi có thể cùng công và cùng thủ theo kiểu bóng đá tổng lực. Các BLV trẻ hiện nay tôi quen biết chưa lâu, hơn nữa tuổi tác cũng chênh lệch nhiều nên đương nhiên sẽ khó kết hợp hơn.

* Anh có lời khuyên nào cho thế hệ các BLV trẻ?

Các BLV trẻ nên tìm cách để trang bị kiến thức tự nhiên nhiều hơn, không nên quá phụ thuộc vào internet. Các BLV nên coi mỗi trận đấu là cơ hội để tích lũy đam mê. Hãy tự nhủ, cứ yêu và làm tốt công việc của mình và những điều tốt đẹp sẽ đến.

* Cảm ơn anh về cuộc trao đổi này.

Nguyễn Đỉnh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục