Victoria Azarenka: Xe “Min-khơ” lắp ở Arizona

19:03 Chủ nhật 26/02/2012

Victoria Azarenka cầm vợt tư thế số 4 hay còn gọi là Western như thế giới vẫn nói để thực hiện cú thuận tay - một trong những điểm mạnh của cô, đánh bại Maria Sharapova, đi vào lịch sử với tư cách tay vợt đầu tiên vô địch Grand Slam đến từ Minsk (Belarus), quê hương của những chiếc xe Min-khơ nổi tiếng... ở Việt Nam.

Victoria Azarenka, người làm nên lịch sử cho quần vợt Belarus - Ảnh Getty

Năm 14 tuổi, để nuôi ước mơ trở thành tay vợt chuyên nghiệp, Arazenka đã rời Belarus, đặt chân tới thành phố Scottsdale, tiểu bang Arizona nằm ở phía Tây nước Mỹ.

Ở Mỹ có hai thánh địa của tennis. Một là Florida ở phía Đông Nam, nơi tràn ngập ánh nắng quanh năm, và trên hết là California ở bờ Tây, nơi bao bọc bởi bờ biển Thái Bình Dương đầy nắng và gió.

Trong cuốn tự truyện của Pete Sampras có tựa Bộ não của nhà vô địch, anh viết, một trong những điều quyết định giúp anh trở thành nhà vô địch và giữ kỷ lục 14 lần giành cúp trong hệ thống Grand Slam cho tới khi bị Federer vượt qua, ấy là cha anh đã chuyển công việc và chỗ ở từ Virginia, một tiểu bang ở phía Đông của nước Mỹ, nơi có mùa Đông lạnh giá và không ít tuyết rơi, để tới với California, mảnh đất sản sinh ra rất nhiều những huyền thoại của quần vợt Mỹ và thế giới trong suốt hơn 100 lịch sử.

Khái niệm cầm vợt kiểu miền Đông (Eastern) hay miền Tây (Western) cũng dựa trên vị trí địa lý, và trên hết là một phong trào và qua năm tháng trở thành truyền thống phát triển tennis của nước Mỹ.

Bill Johnston, người được coi là cha đẻ của lối cầm vợt sâu để thực hiện cú thuận tay, đã làm ngạc nhiên nước Mỹ và làng banh nỉ thế giới lúc bấy giờ, cũng là một tay vợt xuất thân từ miền Tây của nước Mỹ. Khám phá của ông tiếp tục khiến cho lối cầm vợt kiểu miền Đông (Mỹ) và Continental (lục địa) của người Anh để thực hiện cú forehand trở nên lỗi thời.

Khoảng nửa thập kỷ ăn tập trên đất Mỹ, Azarenka còn hấp thụ được nhiều những phát minh và những thành tựu phát triển ở một đất nước dù không “đẻ” ra tennis, nhưng lại có nhiều nhà vô địch nhất, sở hữu tới 231 chức vô địch Grand Slam đơn nam và nữ.

Một môn đệ của Chris Evert nơi cuối sân

Nếu có ai đó hỏi 5 tay vợt nữ vĩ đại nhất của thế giới suốt mọi thời đại là ai, câu trả lời chắc chắn sẽ là: Magaret Court (Australia, 24 danh hiệu Grand Slam), Steffi Graf (Đức, 22 danh hiệu), Martina Navratilova (Czech và Mỹ, 18 danh hiệu), Chris Evert (Mỹ, 18 danh hiệu) và Serena Williams (Mỹ, 13 danh hiệu). Trong số này, nếu so sánh về tổng số danh hiệu thì Chris Evert (tay vợt của những năm 1970- 1980) kém hơn so với Graf, nhưng Evert lại được nhớ tới như một trong những người tiên phong của lối đánh cuối sân, mà giờ đây Azarenka cũng là một môn đệ.

Lối đánh ấy không quyến rũ và tạo ra nhiều cảm hứng như lối đánh toàn sân - cũng là một sáng tạo của người Mỹ (đi đầu bởi Tom Stow - một tay vợt xuất thân từ California) cách nay gần 1 thế kỷ. Nhưng kiểu đánh cuối sân lại giúp cho các tay vợt đạt tới thành công ngay cả khi họ không phải là những thiên tài bẩm sinh kiểu như Navratilova, Sampras hay Federer.

Trong năm 2011, chỉ có Kvitova là tay vợt chơi theo lối đánh toàn sân lên ngôi ở Wimbledon, trong khi 3 giải đấu khác thuộc về trường phái cuối sân là Cljisters, Li Na và Sam Stosur.

Và của cú trái

Lịch sử tennis không ghi lại tuyệt đối chính xác ai là tay vợt đầu tiên chơi cú trái hai tay, bởi có tài liệu (như wikipedia) nói rằng đó là Vivian McGrath - một trong những người đầu tiên chơi trái hai tay vào những năm 1940, và cũng có thông tin về Cliff Drysdale - một tay vợt Nam Phi sau này nhập tịch Mỹ - người từng chơi chuyên nghiệp trong những năm đầu 1970. Nhưng tất cả đều thừa nhận, rằng người chơi trái hai tay thành công đầu tiên và tạo ra sự bùng nổ trong thế giới tennis là Chris Evert.

Azarenka kể từ khi xuất hiện trong làng tennis nữ đã được thừa nhận như một trong những người chơi trái hai tay xuất sắc nhất trong thế hệ của cô. Nhờ cú trái ấy mà hạn chế về giao bóng nhiều khi đã không khiến cô phải trả giá, hoặc tạo nên sự khác biệt trong những năm trước đây.

Chỉ thành công khi xa nước Mỹ

Nếu như Azarenka cứ ở lại Scottsdale, Arizona, chưa chắc cô đã trở thành người Belarus đầu tiên vô địch Grand Slam và đứng đầu bảng xếp hạng nữ thế giới.

Có một bí ẩn cho tới nay vẫn chưa được giải mã, là tại sao Azarenka lại trở nên mạnh mẽ đến vậy, thậm chí vượt trội so với Sharapova, trong khi người ta vẫn chưa quên kỷ lục một năm bảy lần rút lui và bỏ cuộc của cô trong năm 2010 vì chấn thương và mệt mỏi. Và thậm chí, nếu nhìn lại cả chặng đường vô địch Australian Open, Azarenka còn cải thiện cả kỹ năng giao bóng.

Chỉ biết rằng, quá trình cải thiện này của Azarenka cũng trùng lặp với quyết định chuyển từ Mỹ sang Monte Carlo để sinh sống và tập luyện. Và cũng từ ấy, Minsk không chỉ nổi tiếng với những chiếc xe gắn máy chạy mọi địa hình mà còn là quê hương của nhà vô địch Grand Slam Australian Open 2012 và là tay vợt nữ thứ 21 trong lịch sử giữ vị trí số một.

Victoria Azarenka

Sinh: 31/6/1989, tại Minsk (Belarus) Bắt đầu chơi tennis: 7 tuổi Chuyên nghiệp: Từ 2003 Cao/nặng: 1m80, 66kg Thành tích: 1 G.S, 10 WTA, 1 ITF Tiền thưởng: Hơn 11 triệu USD

Match Point

Trong tuần này, tâm điểm của giải nữ là Qatar Ladies Open, nơi quy tụ các tay vợt hàng đầu, trong đó có Azarenka. Đương kim vô địch giải là Zvoraneva. Trong khi giải nam là SAP Open tại San Jose (Mỹ) và ABN AMRO World Tennis Tournament mà Raonic và Soderling (chấn thương) phải bảo vệ chức vô địch.

Phạm Tấn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục