Từ sự "thống trị" của bầu Hiển: Cái sảy nảy cái ung

15:26 Thứ ba 29/05/2012

Với việc 2 CLB HN.T&T và SHB.ĐN đang chia nhau 2 vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng V-League 2012, trong khi CLB Hà Nội không có đối thủ ở giải hạng Nhất 2012 và gần như sẽ cầm chắc một vé lên chơi ở V-League 2013, có thể nói bầu Hiển đang là ông bầu quyền lực nhất của bóng đá VN hiện nay ở cấp độ CLB.

Hiện tại, tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” vốn đã bị xem như cái gai của V-League, và đa số các đội bóng khi được hỏi đều không cho rằng nên tiếp tục để hiện tượng này tồn tại, bởi như thế sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và nguy cơ khó lường. Bản thân cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch, cũng đã không dưới một lần nhắc nhở lãnh đạo VFF trong những cuộc họp do VFF tổ chức mà có cả sự tham dự của đại diện Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch cũng như Tổng cục TDTT.

Rất lấy làm khó hiểu khi trong cả 2 bản Quy chế bóng đá chuyên nghiệp gần nhất (bản năm 2010 và năm 2012) đều có quy định rõ ràng về việc không cho phép một nhà tài trợ được tài trợ cho nhiều CLB ở cùng một giải đấu có lên xuống hạng, nhưng tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” vẫn ung dung tồn tại suốt từ mùa giải 2009 tới nay.

HN.T&T (phải) và SHB.ĐN sẽ lại giữ vai trò chủ đạo trong cuộc đua đến chức vô địch V-League mùa này? Ảnh: VSI

Cụ thể, khoản 1 Điều 67 (Nhà tài trợ) của Quy chế bóng đá chuyên nghiệp năm 2010 quy định: “Nhà tài trợ không được tài trợ cho nhiều CLB, ĐB trong cùng một giải có lên xuống hạng”. Tỉ mỉ hơn, khoản 1 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp năm 2012 mới được ban hành ngày 25/4/2012 còn ghi rõ: “Nhà tài trợ không được tài trợ cho 02 (hai) câu lạc bộ, đội bóng trong cùng một giải có lên xuống hạng”.

Và không chỉ là “một ông chủ 2 đội bóng”, nếu sắp tới CLB Hà Nội được bầu Hiển bật đèn xanh để lên chơi ở V-League 2013 thì khi ấy trong tay bầu Hiển sẽ có tới 3 đội bóng ở giải VĐQG. Thậm chí, không loại trừ khả năng sau khi CLB Hà Nội thăng hạng chuyên nghiệp rồi thì bầu Hiển sẽ tiếp tục đầu tư để Trẻ SHB.ĐN tìm vé thăng hạng V-League ở các mùa bóng tiếp theo, và khi ấy kịch bản “một ông chủ 4 đội bóng” sẽ không còn là câu chuyện chỉ để nói cho vui.

Rõ ràng nếu VFF mạnh tay và quyết liệt ngay từ đầu thì chắc chắn sẽ không có tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” và sắp tới sẽ là “một ông chủ 3 đội bóng”. Đấy là hậu quả trông thấy của việc “thả gà ra đuổi”, và khi con gà phát triển tới mức đủ lông đủ cánh thì người thả gà không còn hoặc chưa đủ khả năng bắt nó trở lại để đưa vào khuôn khổ, dù đã nhận thấy rõ những tác hại do nó gây ra.

Kỳ vọng vào khả năng VFF sẽ giải quyết triệt để vấn đề “2 trong 1” nói trên xem chừng là nhiệm vụ bất khả thi, bởi thực tế tình trạng này từ năm 2009 tới giờ như thế nào thì bất cứ ai nếu có chút quan tâm tới bóng đá VN cũng đều thấy rõ, và bây giờ may ra chỉ còn VPF mới có thể xử lý vấn đề này.

Bầu Kiên cũng đã đề cập tới tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” trong bài phát biểu gây chấn động ở Hội nghị tổng kết mùa giải 2011, nhưng có lẽ do đây là giai đoạn quá độ nên bầu Kiên và các cộng sự trong bộ máy VPF chưa thể động “dao kéo”, dù rằng nếu chiếu theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp cũng như các Quy định Điều lệ của AFC và FIFA thì tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” không hề được phép tồn tại.

Nên nhớ rằng phần lớn các văn bản pháp lý hiện hành của VFF đều được xây dựng dựa trên hành lang pháp lý của AFC và FIFA, và chỉ có một vài điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của VN, nên khi AFC và FIFA không cho phép sự tồn tại của tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” thì chẳng có lý do gì để người ta phải tìm cách bảo vệ và duy trì sự bất cập này.

Trong trường hợp bầu Hiển không muốn tạo thêm sự chú ý cho mình bằng cách chuyển giao suất chơi V-League 2013 cho một đội bóng khác (Hải Phòng chẳng hạn?) thì V-League 2013 sẽ giảm thiểu nguy cơ rối loạn vì tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng”, nhưng từ đây lại nảy ra một vấn đề đau đầu khác, rằng nếu một số ông bầu khác cũng làm như bầu Hiển, tức là nuôi thêm vài CLB ở giải hạng Nhất, đầu tư chăm chút để giành quyền thăng hạng V-League rồi sau đó bán lại suất chơi V-League cho bất cứ ai có nhu cầu thì 2 giải VĐQG và giải hạng Nhất QG sẽ thành hình dạng gì?

Liệu tính công bằng của cuộc chơi có còn được bảo đảm khi một đội bóng nhởn nhơ vừa đá vừa chơi nhưng rốt cuộc cũng vẫn trụ lại V-League nhờ mua suất chơi của CLB khác, còn một số đội bóng khác không có điều kiện thì phải ngậm ngùi xuống hạng và đối mặt với nguy cơ có thể không bao giờ trở lại hạng chuyên nghiệp được nữa, nếu như CLB V-League nào cũng áp dụng hình thức mua suất chơi V-League để trụ hạng?

Cần phải biết rằng để đưa một đội bóng từ hạng Nhất trở lại V-League sau khi bị xuống hạng có thể phải tốn đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng cái giá để mua lại một CLB đang chơi ở V-League thì không đắt đến thế, mà có thể lấy con số 60 hay 80 tỷ đồng mà bầu Thụy từng rao cho ai muốn mua lại SG.XT hồi đầu mùa bóng năm nay làm ví dụ.

Người xưa đã rất có lý khi nói: “Cái sảy nảy cái ung” để chỉ sự việc nhỏ biến thành sự việc lớn do giải quyết không kịp thời, và những gì đang xảy ra với tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” ở V-League chính là một dẫn chứng cụ thể và tiêu biểu.

Hoàng Huy | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục