Từ bầu Kiên đến bầu Hùng

16:34 Thứ tư 30/09/2015

Bốn năm trước, bầu Kiên đi dự tổng kết “lậu”, lên cướp diễn đàn và đặt ra hàng loạt câu hỏi chất vấn ban tổ chức. Vừa qua, ông bầu Trần Mạnh Hùng (Hải Phòng) đi họp đường hoàng đứng lên chất vấn ban tổ chức.

Ông Trần Mạnh Hùng chỉ ra những bất hợp lý và bất cập trong điều hành của VPF và VFF. Ảnh: Internet.

Bầu Kiên 4 năm trước không “đơn độc” như bầu Hùng. Ông nói mình đi dự tổng kết “lậu” nhưng thực sự đấy là sự chuẩn bị trước và được ủng hộ của truyền thông. Ông phát biểu dài hơn 15 phút và được phát lại toàn bộ trên nhiều phương tiện thông tin. Ông còn có tài hùng biện khiến nhiều ông bầu, nhiều CLB đứng về phía mình.

Kết quả là sau đó thì tiếp nối Hội thảo các ông bầu làm bóng đá (do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức) rồi Hội thảo VFF với lãnh đạo các CLB… lúc nào cũng có mặt bầu Kiên. Hoàn toàn có thể nói hồi đấy bầu Kiên đã phát động một cuộc cải cách trong bóng đá và đòi lại quyền tự chủ của các CLB qua việc “góp vốn” tổ chức, thuê Tổng giám đốc, thuê trưởng BTC để điều hành cho cuộc chơi của mình thay vì lập đội bóng ra để đá phục vụ cho VFF và để VFF tổ chức ra sao thì ra.

Cuộc cải cách có bài bản của bầu Kiên được đa phần ủng hộ và khiến VFF phải nhún nhường bởi sự thắng thế của các ông bầu – những nhân vật chủ đạo trong việc hình thành và phát triển các CLB. Miếng bánh mà bầu Kiên đưa ra và được nhiều CLB ủng hộ là cả một đề án mang tiền về cho đội bóng hòng thoát khỏi chuyện ngửa tay xin tiền nhà nước mà nhiều đội bóng vẫn làm; là bản quyền truyền hình lấy lại từ AVG rồi “bán” cho các nhà đài; là phần trăm lợi nhuận từ công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VPF mà đội nào cũng góp vốn vào… Quan trọng nhất là thời điểm đấy bầu Kiên được nhiều cấp ủng hộ và bên trong VFF cũng có một nhân vật quan trọng buộc phải ủng hộ là Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính Lê Hùng Dũng (thời điểm nhiệm kỳ VI).

Bản đề án mà bầu Kiên nói ông chỉ viết có 2 ngày thực chất không khác gì với bản đề án mà ở VFF trước đó nhiều năm có người đã từng viết nhưng không được chấp thuận bởi làm như thế thì VFF mất phần lợi nhuận lớn từ các giải bóng đá. Đến giờ nhiều người vẫn thắc mắc liệu sản phẩm trong 2 ngày của bầu Kiên có phải là được nhận từ cán bộ VFF ngày nào đã nghiên cứu và chấp bút cả năm trời hay không. Tuy nhiên dẫu sao thì đó cũng là bản đề án đi đúng hướng với các nước làm bóng đá chuyên nghiệp tiên tiến mà điển hình là Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan.

Chỉ có điều là khi bầu Kiên rơi vào vòng lao lý (từ vụ án kinh tế ngoài bóng đá) thì không còn ai “chủ xị” VPF nữa. Chức năng hoạt động và phần chủ thể của VPF dần bị biến dạng và ở đấy vai trò của các ông bầu mất dần dù phần vốn góp vào qua cổ phần thì vẫn còn. Miếng bánh truyền hình giờ chỉ là đại khái và phần thu cho các CLB giờ cũng giảm rõ rệt như hồi VFF điều hành giải.

Đến mùa 2015 thì lại có một ông bầu lên diễn đàn là bầu Trần Mạnh Hùng của CLB Hải Phòng. Ông Hùng được xem là bầu Kiên thứ 2 bởi sự thẳng thắn dám đi vào phần thiếu và yếu của ban tổ chức. Thậm chí ông còn lên tiếng với tư cách cổ đông thấy công ty (VPF) hoạt động phí phạm trong việc dùng người, thuê Phó Tổng giám đốc lẫn việc mất chủ quyền…

Nhưng sự “sôi nổi” của bầu Hùng chỉ là tự phát chứ không phải là một trong những bước “làm ăn” trên danh nghĩa vì bóng đá như bầu Kiên. Bầu Hùng khá đơn độc và phát biểu của ông cũng không hẳn được truyền thông ủng hộ. Nó chỉ là cuộc lên tiếng đơn lẻ của người dám nói dám làm và vì thế không ai tin rằng nó sẽ làm thay đổi bộ mặt của VPF vốn được xem là do các ông bầu, các CLB lập nên.

Đơn giản vì VPF đang nghiêng rất nhiều sang VFF về phần hồn và đơn giản vì VFF muốn trả các giải đấu về trong tay Liên đoàn quản chứ không để các ông bầu làm tất như ý tưởng của bầu Kiên.

Huy Hoàng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục