Thú vị chuyện “nghe bóng đá” mùa World Cup

01:51 Thứ hai 16/06/2014

Đang ngủ, bỗng giật mình choàng dậy vì nghe 4 phía dội lên tiếng hô “vào”. Dụi mắt xem lại pha quay chậm, thế là cũng đủ để sáng mai “chém gió” với bạn bè.

“Nghe bóng đá”, cụm từ này không lạ nếu nhớ về thời bao cấp khi tivi còn ít, dân nghiện môn túc cầu chủ yếu theo dõi diễn biến trận đấu qua tường thuật của đài phát thanh, nghĩa là “xem” bóng đá bằng tai. Nhưng bài viết này không nói chuyện “nghe bóng đá” theo nghĩa đó.

Kiểu “nghe bóng đá” của fan cuồng

Từ những năm 1980, các trận bóng quan trọng bắt đầu được truyền hình trực tiếp trên tivi và đó là một trong những chương trình truyền hình được mong đợi nhất. Kể cả bận bịu hay đau ốm, ít ai mê bóng đá mà lại bỏ qua các buổi tường thuật trực tiếp, cho dù nó được phát vào giờ giấc trái khoáy đến đâu so với nhịp sinh học của con người.

Đối với những người mê bóng đá, ít ai bỏ qua các buổi tường thuật trực tiếp. Ảnh minh họa.

Những đêm có bóng đá, ở các con ngõ trong xóm, trong phố hay ngõ nhỏ ven đê đầu làng quanh Hà Nội, dân đổ ra các tụ điểm công cộng để bàn tán sôi nổi với quạt nan quạt phành phạch, lạc rang hay khoai sắn luộc thơm phức... cùng ăn cùng bàn trước giờ bóng lăn. Trẻ con thì ríu rít hỏi han người lớn hay chơi các trò ú tim, đập mạng, đá bô, chờ khuya tập trung ở nhà nào có vô tuyến xem bóng đá. Không khí xem bóng đá sôi nổi cứ thế từ kỳ World Cup này qua kỳ Euro khác, với những đêm thức trắng hô “vào, vào” theo bình luận viên, theo những pha bóng tuyệt diệu của Diego Maradona, Claudio Caniza, Paolo Mandini hay Klinsmann… Tóm lại là người ta xem bóng đá với sự cuồng nhiệt tuyệt đối, mắt hau háu không bỏ lỡ một hình ảnh nào trên truyền hình, cho bõ cái thời chỉ được nghe bóng đá qua sóng phát thanh.

Nhưng rồi chuyện “nghe bóng đá” đã trở lại kể từ giữa những năm 1990, khi mà nhà ai cũng có ti vi, và trận bóng nào của World Cup cũng được truyền hình trực tiếp. Triền miên cả tháng trời, mỗi đêm hai ba trận, bắt đầu từ 11 giờ đêm hôm trước đến gần sáng hôm sau. Trừ các phóng viên thể thao, các bình luận viên chuyên nghiệp hay một số người ham mê đặc biệt và không phải làm vào sáng hôm sau, chẳng mấy ai đủ sức xem hết 64 trận. Mặt khác, vì nhà ai cũng có ti vi, nên ai nấy xem ngay tại nhà, vợ con thì chẳng thèm quan tâm đến bóng banh, thế là các ông chồng phải xem một mình. Không có đồng bọn để cùng gào thét, bình phẩm, các quý ông càng chẳng thể theo dõi hết các trận.

Nhưng với những “con nghiện” túc cầu, chuyện bỏ qua diễn biến là không được phép. Bởi vì sáng hôm sau, người ta sẽ hỏi nhau: “Thế có xem hết trận không, nhớ quả sút phạt đấy không, tình huống đấy trọng tài thiên vị quá…”. Ai cũng muốn tỏ ra là mình đã xem, ai cũng muốn phát biểu, bình luận, thế nên mới chuyện chuyển “chế độ” từ xem sang nghe bóng đá.

Bởi sợ ảnh hưởng đến vợ con, nhiều ông ôm gối ra phòng khách, nằm trước cái ti vi rồi gà gật ngủ. Thỉnh thoảng nghe tiếng hô “vào” từ cái ti vi hoặc từ bốn bên hàng xóm mới choàng dậy, vừa dụi mắt vừa ngơ ngác nhìn lên màn hình, chờ xem lại pha quay chậm. Tiếng là xem bóng trực tiếp nhưng chả khác gì nghe tóm tắt kết quả trận đấu.

Lại có kiểu nghe bóng đá khác: Không ngủ, mà chỉ nhắm nghiền mắt lại cho đỡ mỏi, còn tai vẫn dỏng lên nghe tường thuật rất kỹ, và khi bình luận viên hô “vào” thì chồm dậy, mở mắt ra, dù mắt cay xè nhưng vẫn phải “soi” rất kỹ để mai còn tả cho hay, chém gió cho trúng…

“Nghe bóng đá” kiểu cưỡng bức

Không chỉ dân nghiện túc cầu, trong mùa World Cup, ngay cả những người không mê, thậm chí ghét môn thể thao này, cũng nghe bóng đá, nhưng là nghe cưỡng bức.

Hơn 3 giờ sáng ngày 15/6, một quý ông than phiền trên Facebook: “Ghét bóng đá, nhưng vẫn phải nghe. Ôi ai ngủ hộ tôi đây!”. Cái cau có của anh chàng nhận được sự đồng cảm của rất nhiều người. Quả thật, những tiếng hô, tiếng reo, tiếng quát mắng, văng tục mỗi khi có một pha bóng gây mừng vui, hồi hộp hay thất vọng hấp dẫn bao nhiêu đối với dân mê bóng thì lại như tra tấn bấy nhiêu đối với các “anti-fan” của môn thể thao này.

Thử tưởng tượng các bà vợ, vốn đã phải chấp nhận “mất chồng tạm thời” suốt một tháng WC, chịu cảnh “phòng the” lạnh lẽo bởi các ông đã dâng hiến hết “tinh thần” cho các trận bóng đêm, nay đến giấc ngủ của mình và các con cũng bị xé nát bởi những tiếng hò hét từ ti vi và từ “thực địa”, để rồi hôm sau mắt đỏ ngầu, mặt bơ phờ như chính họ cũng thức đêm xem World Cup, không cáu mới lạ.

Thử tưởng tượng các ông già bà cả, những người làm việc mệt mỏi vào ban ngày nhưng lại khó ngủ vào ban đêm, phải “dỗ” mãi giấc ngủ mới đến, thế mà vừa mon men đặt một chân vào bến mộng đã bị đá phốc trở ra bởi những âm thanh dữ dội kia. Rồi thì họ cố lấy bông bịt tai, hay vùi đầu vào gối mà vẫn nghe rõ mồn một, nằm mãi mà giấc ngủ không chịu trở lại. Không cáu mới lạ.

Nhưng dù là phấn khích, sung sướng hay cáu kỉnh, bực bội…, nó đều là sự góp phần vào “kho” cảm xúc đa dạng, đầy sắc màu của mỗi mùa World Cup. Bởi nếu tẻ nhạt, bằng phẳng, đơn điệu thì đã không phải là bóng đá.

Nhị Độ | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục