Serena Williams và thứ sức mạnh vô song

07:02 Thứ tư 12/06/2013

Vẫn câu hỏi cũ: Làm thế nào để đánh bại Serena Williams?

Vài ngày trước, trước khi xem trận chung kết đơn nữ Roland Garros 2013 giữa Serena Williams và Maria Sharapova, tôi tự hỏi liệu chúng ta sẽ xem một trận đấu hay chỉ chờ một lễ đăng quang. Hóa ra chúng ta đã được thấy cả hai. Sharapova, người đã không thể đánh bại Serena trong gần 10 năm qua, đã chơi thứ tennis của cô ấy và làm điều đó từ đầu cho đến cuối trận đấu. Nhưng cuối cùng Serena vẫn là người kết thúc, đúng như dự đoán, nâng cao chiếc cúp Suzanne Lenglen lần thứ hai trong sự nghiệp, sau 11 năm kể từ danh hiệu Roland Garros 2002, bằng chiến thắng 6-4, 6-4.

Sharapova đã nói cô phải làm một điều gì đó thật khác khi đối đầu với Serena. Những gì xảy ra là Masha cố gắng đưa trái bóng làm sao chỉ cách vạch baseline vài centimet trong từng cú đánh của mình. Chiều sâu là những gì Sharapova tìm kiếm, và dĩ nhiên là cả sự chính xác – thứ có thể giúp cô cạnh tranh với Serena. Để theo đuổi chiến thuật của mình, Masha kiên trì trong cả trận đấu, không bao giờ lùi bước hay từ bỏ khi đánh hỏng. Cô khởi đầu cực nhanh, bẻ game giao bóng của Serena ngay ở game thứ hai. Tiếng thét của Masha dài và to hơn bình thường, và cứ nhấn nhá ở mỗi điểm số: “Come on!”.

Sharapova đã có một trận đấu hay nhưng không đủ để đánh bại Serena

Khi búp bê người Nga dẫn 40-15 ở tỷ số 2-0, đó là hình ảnh Sharapova có thể là mối đe dọa với địch thủ truyền kiếp của mình. Nhưng ở điểm số tiếp theo, Serena đã cho Masha thấy cô sẽ chẳng thể nào có được chiến thắng trong ngày trọng đại này. Serena tung một cú thuận tay với một tiếng thét của riêng mình và tung nắm tay lên không trung như thể nói rằng – “Tôi đã vượt qua giai đoạn chậm chạp rồi đấy,” một thông điệp không thể tinh tế hơn từ Serena. Và cô lấy lại break và không còn để mất game giao bóng một lần nữa.

Serena thắng theo cách cô thường thắng: Bằng những cú giao bóng vô song của mình. Tổng cộng 10 cú ace, trong đó có 2 ở game cuối cùng và chỉ mất có đúng 3 điểm trong set thứ hai khi giao bóng 1. Sharapova không thể sánh bằng ở khía cạnh ấy, cô chỉ giao bóng 1 trong sân có 56% và đối mặt với 15 điểm break. Nhưng Masha đã làm hết sức để ngăn cản điều không thể tránh khỏi ấy. Cô cứu 4 điểm break trong game mở đầu trận đấu và tiếp theo là 5 điểm break ở game đầu tiên set thứ hai. Và khi Masha không thể một lần nữa dẫn trước như thời điểm đầu set đấu, cô sẽ không thể đưa trận đấu theo ý của mình.

Giao bóng luôn luôn là sự khác biệt giữa Serena trong những trận đấu với Sharapova và đó là yếu tố tốc độ. Nếu như Sharapova muốn tung cú đánh nặng và sâu như khi cô đăng quang tại Roland Garros 2012 thì Masha cũng chỉ kết thúc trận đấu với 10 điểm winners và 17 lỗi tự đánh hỏng (unforced errors). Còn Serena thể hiện những sự tiến bộ không ngừng cả về bộ chân (footwork) và sự cân bằng (balance), những kỹ thuật mà Serena dường như trước đây chưa có để có thể vô địch Roland Garros một lần nữa sau năm 2002.

Serena dường như quá mạnh so với phần còn lại

Quan trọng nhất, Serena tránh được sự hoảng loạn như đã từng vấp phải khi gặp Svetlana Kuznetsova ở tứ kết. Serena vẫn có vẻ mong muốn sẽ chiến thắng từng điểm số - khi cô ăn mừng những điểm winners như thể tự la mắng mình sao không thực hiện điều đó từ trước – nhưng cô không để mất đi sự tập trung của mình. Giống như trận tranh huy chương vàng Olympic năm ngoái, Serena không chỉ đánh bại đối thủ mà còn hạ gục cả chính sự sợ hãi của chính mình. Serena mạnh mẽ nhưng luôn trong tầm kiểm soát. Đó là những gì mà chúng ta có thể thấy khi Serena giao bóng để giành chiến thắng.

“Tôi vẫn còn một chút khó chịu khhi nghĩ về trận thua năm ngoái,” Serena nói với tiếng cười khúc khích khi nhắc lại trận thua tay vợt nằm ngoài tốp 100 Virginie Razzano. “Nhưng trên hết tất cả với tôi, là làm thế nào để hồi sinh trở lại. Tôi nghĩ tôi luôn luôn nói về một nhà vô địch không phải vì họ đã thắng bao nhiêu trận, mà là cách họ đứng dậy sau khi vấp ngã, cho dù đó là một chấn thương hay một nỗi đau nào đó.”

Khi Serena nói với cái giọng nghẹn ngào và đôi mắt chực trào nước mắt, đó có lẽ là giây phút thực sự cô trở thành nhà vô địch. Đã có những lúc không thể tệ hơn, với 10 tháng cuối cùng năm 2011 cùng chấn thương chân lãng xẹt vì mảnh cốc vỡ và cục máu đông trong phổi, nhưng giờ Serena đã trở lại vị trí số 1 thế giới cùng Grand Slam thứ 16 trong sự nghiệp.

Khi Serena còn đánh bại cả đối thủ lớn nhất – chính bản thân cô – thì có lẽ làng banh nỉ vẫn chưa tìm được ai sánh được với Serena!

Phong Lan | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục