Quyền sư Trần Hữu Hoàng: Hắc hổ - Thiết quyền đạo và chiến dịch thanh trừng lính sư đoàn "Mãnh Hổ"

09:05 Thứ tư 03/10/2012

Đầu thế kỷ 20, trong đoàn người đi khẩn hoang ở vùng Đông Nam Bộ có một nhân vật đặc biệt – võ sư danh tiếng Trần Văn Đầy (An Thái, Bình Định) tha phương vào Nam phát triển dòng võ Tây Sơn tại Hóc Môn – Bà Điểm.

Ngoài tài bốc thuốc chữa bệnh, võ sư Đầy còn tinh thông thập bát binh khí, quyền cước, khí công, nội công, Nho giáo Đông phương... Ông đã truyền bá tuyệt kỹ Hắc Hổ quyền cho trai tráng ở 18 thôn vườn trầu chống lại bọn cường hào ác bá, đặc biệt là sau khi phong trào “Nam Kỳ khởi nghĩa” nổ ra ngày 23/11/1940.

ANH HÙNG TƯƠNG NGỘ, KHAI SINH HẮC HỔ - THIẾT QUYỀN ĐẠO

Võ sư Đầy là cao thủ dòng võ Bình Định – An Thái. Người Bình Định có câu “Roi Thuận Truyền – quyền An Thái”. Quyền pháp An Thái uy vũ, đẹp mắt, tuy hoa mỹ nhưng thực dụng, tính sát thương cao qua chiêu thức biến ảo, chuyên tấn công vào yếu huyệt, nhất là miếng bắt giò của võ sĩ An Thái luôn khiến đối phương phải quy phục. Quyền sư Trần Văn Đầy nổi tiếng với biệt danh “Hắc Hổ”.

Lúc bấy giờ, ở miệt Châu Đốc, An Giang có quyền sư Huỳnh Thuận Tường (người Tàu Minh Hương), vốn là cao thủ Thiếu Lâm Bắc phái - Sơn Đông, với sở trường tuyệt chiêu Thiết Trảo công, biệt danh “Thanh Long”.

Trong một trận “đả lôi đài” thách đấu với thiếu tá kiêm võ sư Kawaguchi - ngũ đẳng karate và judo, võ sư Tường do thiếu kiềm chế đã lỡ tung cú đá gót “Long vĩ cước” (rồng vẫy đuôi) trúng vào huyệt thái dương khiến đối thủ tử thương. Vì thế, ông đã bị chính quyền quân đội Nhật Bản tầm nã, nửa đêm ông phải băng rừng vượt suối mai danh ẩn tích nơi vùng Thất Sơn – Bảy Núi.

Nghe danh và ngưỡng mộ dòng võ An Thái với tên tuổi vị cao nhân Hắc Hổ đã lâu, vì thế cao thủ Thanh Long đã lặn lội hàng trăm cây số tìm đến 18 thôn vườn trầu ngỏ lời xin được so tài với võ sư Đầy. Trận thư hùng “long tranh hổ đấu” giữa 2 bậc võ lâm kỳ tài diễn ra trong rừng cau thẳng tắp, với giao ước lạ đời: Trong lúc giao tranh, kẻ nào va vào cây cau coi như bại trận. Cuộc chiến vì danh dự giữa “Thanh Long” và “Hắc Hổ” quả xứng danh kỳ phùng địch thủ.

Liên tiếp trong 3 ngày hai đêm, mỗi ngày giao tranh 6 hiệp đấu (cả quyền cước, binh khí và nội công) bất phân thắng bại, dấu chân hai cao thủ đã giẫm nát cả một quả đồi, dây trầu xác xơ, đá tan gạch nát. Về quyền và trường côn, võ sư Đầy tỏ ra lấn lướt, tuy nhiên cước pháp và đoản đao thì cao thủ Sơn Đông lại chiếm phần hơn.

Lạ một điều, trong suốt ba ngày hai đêm giao đấu quyết liệt vậy mà cả hai cao thủ không một lần chạm thân người vào các hàng cau dày đặc, quả là những bậc kỳ tài trong thiên hạ! “Anh hùng trọng anh hùng”, biết khó hạ được nhau bởi bản lĩnh võ công tương đồng, giữa hai cao thủ nảy nở một tình bạn.

Đến cuối thập niên 1950, Thanh Long từ núi Cấm (Châu Đốc) quảy gánh hành lý xuôi về 18 thôn vườn trầu tá túc tại nhà Hắc Hổ, mục đích nhằm có người để luận bàn, nghiên cứu võ học, từ đó chế tác thêm chiêu thức võ công mới.

Sau nhiều tháng ngày ròng rã nghiên cứu, đến năm 1953, võ sư Thuận Tường đã kết hợp thành công thủ pháp Hắc Hổ quyền với cước pháp Thiết Trảo công lập ra môn phái Hắc Hổ - Thiết Quyền đạo. Đây là môn công phu được giao thoa giữa thủ pháp An Thái với cước pháp, bộ pháp võ thuật tỉnh Sơn Đông. Chiêu thức đòn thế ảo diệu khôn lường, phòng thủ uyển chuyển linh động như hổ rình mồi trong đêm, khi chuyển sang tấn công thì cước pháp uy lực dũng mãnh, cuồn cuộn tựa giao long đạp mây quẫy đuôi trên biển.

TRUYỀN NHÂN “HẮC HỔ”

Trần Văn Chánh – con trai võ sư Trần Văn Đầy, từ nhỏ đã thụ đắc công phu Hắc Hổ - Thiết Quyền đạo. Sau đó, ông chân truyền các tuyệt kỹ võ lâm cho cùng lúc 5 người con trai của mình. Trong đó, trưởng nam Trần Hữu Hoàng mới 15 tuổi đã là phụ tá đắc lực của cha trong việc dạy võ.

Quả là “con nhà tông”, Trần Hữu Hoàng tuy ngoại hình nhỏ con nhưng rất lỳ đòn, kỹ thuật điêu luyện, chiêu thức biến ảo, dứt điểm chớp nhoáng vì thế trong các cuộc tỷ thí, luôn hạ gục những sư huynh cao to hơn mình. Cả bốn em trai là Trần Văn Xuân, Trần Hữu Hiệp, Trần Thuận Hòa và Trần Thanh Quang sau này đều đạt đẳng cấp võ sư, được giang hồ làng võ Hóc Môn – Bà Điểm tôn vinh biệt danh “Ngũ hổ 18 thôn vườn trầu”.

Năm 1960, tình hình biến loạn, thế sự đảo điên, võ sư Chánh quyết định vào chiến khu theo Cách mạng hoạt động chống Mỹ. Ông đã trao lại chức chưởng môn Hắc Hổ - Thiết Quyền đạo cho người con trai trưởng, lúc này Trần Hữu Hoàng vừa tròn 20 tuổi.

Giữa thập niên 1960, Trần Hữu Hoàng lên Sài Gòn mở võ đường tại Gò Vấp, thu hút hàng ngàn thanh thiếu niên đến tập luyện. Năm 1968, ông được Tổng cuộc Quyền thuật (chế độ cũ) chính thức cấp bằng võ sư.

Trần Hữu Hoàng đã biến võ đường Hắc Hổ thành một trong những “lò” nổi tiếng đào tạo võ sĩ đánh đài cùng với các võ đường Long Hổ Hội, Mai Thái Hòa, Kim Kê... Từ đó, ông được biết đến với hỗn danh Hoàng “Hắc Hổ”.

DẰN MẶT LÍNH ĐẠI HÀN THUỘC SƯ “MÃNH HỔ”

Cũng trong năm 1971, Hoàng “Hắc Hổ” được một số tờ báo mời cộng tác viết bài về lĩnh vực y học (châm cứu, điểm và giải huyệt) và võ thuật. Thời gian này, ông còn xách máy ảnh đi... thực hiện nhiều phóng sự với bút danh Nhật Thế Phong – Phó Chủ nhiệm nhật báo Dân Lập, một trong những tờ báo đối lập với chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ, bảo vệ quyền lợi người dân thấp cổ bé miệng.

Trong một lần ra miền Trung thực hiện loạt phóng sự về võ thuật Tây Sơn, quyền sư Trần Hữu Hoàng bàng hoàng chứng kiến cảnh hàng chục lính biệt kích thuộc sư đoàn Mãnh Hổ của quân đội viễn chinh Đại Hàn (đóng căn cứ từ tỉnh Phú Yên đến Bình Định) cưỡng hiếp phụ nữ, dùng vũ lực đánh người, đụng xe vào dân rồi bỏ chạy, vô cớ xả súng bắn giết người hàng loạt vì nghi là “Việt Cộng”!

Khí giận bốc lên ngút trời xanh, không chỉ đăng hàng loạt tin, bài, ảnh về tội ác tày trời của đám lính Đại Hàn trên nhật báo Dân Lập, quyền sư Trần Hữu Hoàng với tư cách Phó Chủ nhiệm báo Dân Lập và chưởng môn phái Hắc Hổ - Thiết Quyền đạo, đã quyết liệt kêu gọi bộ chỉ huy quân đội Đại Hàn phải xin lỗi nhân dân Việt Nam.

Ông tuyên bố: “Môn sinh Hắc Hổ sẵn sàng thách đấu với bất cứ võ sĩ nào thuộc quân đội Đại Hàn, nhất là binh sĩ thuộc sư đoàn Mãnh Hổ đang tham chiến tại Việt Nam!”. Từ lời hiệu triệu đó đã bùng phát làn sóng với hàng ngàn người đồng loạt xuống đường hô khẩu hiệu, giăng biểu ngữ mang nội dung đả đảo binh lính Đại Hàn khắp đường phố Sài Gòn – Chợ Lớn.

Về sự kiện này, hàng chục tờ báo như Điện Tín, Thời Đại Mới, Trắng Đen, Công Luận, Tiếng Dội, Tia Sáng... đăng tải quan điểm của ký giả Nhật Thế Phong kèm lời thách thức của võ đường Hắc Hổ: “Văn phòng võ đường Hắc Hổ những ngày qua đã phổ biến một văn thư nhờ báo chí lên tiếng về sự thao túng, bạo ngược quá đáng của quân lính Đại Hàn tại Việt Nam như bắt dân trái phép, đụng xe bỏ chạy, chọc ghẹo với đàn bà con gái.

Giám đốc chưởng môn võ đường Hắc Hổ cùng với trên 3.000 môn sinh thuộc hệ thống võ đường cực lực phản đối hành vi thiếu tinh thần thượng võ của binh lính Đại Hàn gây ra. Nếu binh lính Đại Hàn còn tiếp tục ngoan cố có những hành vi vũ phu, khiếm nhã với phụ nữ Việt Nam, lực lượng võ sinh Hắc Hổ sẵn sàng ra tay trừng trị!”

Hưởng ứng “tối hậu thư” này, hàng trăm sinh viên Trường Đại học Vạn Hạnh cùng hàng ngàn môn sinh võ đường Hắc Hổ đã kéo đến bao vây Bộ Tư lệnh Đại Hàn (đường Trần Hưng Đạo, gần nhà hàng Soái Kình Lâm, Q.5) tấn công lính gác và nổi lửa đốt xe jeep của quân đội Đại Hàn, dấy lên làn sóng chống “lính củ sâm” sục sôi khắp Sài Gòn – Chợ Lớn.

Trên nhật báo Tiếng Vang số ra ngày 24/9/1971, ký giả Phạm Nguyễn đưa tin: “Cuối cùng, đại diện quân đội Nam Hàn đã gặp đại diện sinh viên Đại học Vạn Hạnh và chưởng môn võ đường Hắc Hổ Trần Hữu Hoàng nhận trách nhiệm, xin lỗi nhân dân Việt Nam, đồng thời yêu cầu ngừng tấn công binh lính và đốt xe quân sự của họ. Đổi lại, họ đồng ý dán biểu tượng phản chiến trên xe các đơn vị thuộc quân đội Đại Hàn.”

(Còn tiếp)

Du Yên | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục