Nhà hát kịch hay sân bóng đá

09:26 Chủ nhật 31/03/2013

Nhà hát kịch dành cho nghệ thuật kịch, còn sân cỏ đá dành cho bóng đá, thể thao - Cái điều đơn giản ấy trẻ lớp 1 chắc cũng biết rồi. Vậy mà tôi lại đặt ra câu hỏi ấy thì chắc chắn rằng vẫn có nhiều người không phân biệt được hai khái niệm đơn giản này. Tất nhiên, tôi không có ý định đề cập tới các bé mẫu giáo chưa có nhiều nhận thức, cũng không có ý định đề cập tới các sự kiện âm nhạc đôi khi vẫn được tổ chức ở một sân vận động nào đó.

1. Kịch hay bóng đá?

Kịch là một môn nghệ thuật sân khấu và các hành động kịch chỉ được biểu diễn ở trên sân khấu. Trên thế giới có rất nhiều loại kịch, dùng để diễn tả đặc trưng về tư tưởng, văn hóa của các nền văn minh khác nhau nhưng nói chung, sự đặc trưng của hành động kịch đó là mang nặng tính chất “diễn”. Diễn chỉ dành cho các nghệ sỹ chứ không phải cầu thủ, mọi hành động của họ đều nhằm mục đích diễn tả các nội dung đã có sẵn và phục vụ các mục đích nghệ thuật cụ thể đã được qui hoạch trong kịch bản. Còn bóng đá là một môn thể thao mà mọi hành động trong bóng đá đều là các hành động thực. Thể thao tôn trọng sự cao thượng, và yếu tố cốt lõi làm nên giá trị của thể thao là tính trung thực. Nếu một ai đó mang nghệ thuật kịch để “diễn” trên sân cỏ ắt hẳn là một hành động đáng lên án.

Như vậy cùng một hành động, nếu xảy ra trên sân khấu kịch chắc hẳn sẽ nhận được những lời khen thưởng, tung hô. Còn nếu xảy ra trên sân cỏ chắc hẳn nó sẽ cần nhận được sự đả kích và phê phán.


2. Những đạo diễn tài ba

Thói đời đôi khi người cầm bút vẫn hay ảo tưởng về chất “thiên tài” của mình. Oái oăm thay tôi thấy sự ảo tưởng này lại thường hay xuất hiện ở những tay viết báo có tài năng tỉ lệ nghịch với độ ảo tưởng.

Bình thường khi làm báo, trừ khi nhằm mục đích mị dân, thì người viết thường tôn trọng sự thật. Điểm tối quan trọng trong một bài báo là truyền tải thông tin về sự việc đúng với tính chất của nó. Thế nhưng với những tay viết báo mang nặng trong đầu sự ảo tưởng về tài năng xuất chúng của mình thì vẫn cắn chặt trong đầu cái ý niệm rằng mình có tài đạo diễn. Những cái ý nghĩ ấy bình thường nó lẩn quất, mơ hồ. Nhưng cũng có những lúc nó bùng phát đến nỗi nhiều tay viết đang ngồi đưa tin thể thao cũng bị “tẩu hỏa nhập ma” mà nghĩ rằng mình đang biên kịch?! Vậy cho nên các hành động trên sân cỏ lại được diễn tả qua các ngôn ngữ “kịch” hết sức cao thâm.

Ai cũng biết rằng khi một cầu thủ chơi bóng, nếu anh ta có lòng tự trọng và niềm kiêu hãnh thì không bao giờ tự dưng lăn đùng ra sân cả. Đến thằng cháu tôi mới lên 2 tuổi còn lẫm chẫm tập đi, khi vấp ngã vẫn cố đứng dậy mà đi tiếp. Vậy nên chẳng có lí do gì khiến một cầu thủ tự dưng lăn đùng ra sân, trừ khi anh ta muốn ăn vạ. Nhưng khi cái sự ăn vạ trơ trẽn ấy được người ta vội vã viết bài thanh minh, giấu nhẹm cái bản chất tồi tệ ra để diễn tả với cụm từ nghệ thuật “một pha ngã rất đẹp” thì chắc hẳn rằng những tay viết này lại lên cơn “ảo tưởng” mụ mị về tài năng biên kịch thiên tài của mình mất rồi. Và khi người ta đắm chìm trong “nghệ thuật” mà bay bổng tới mức ca ngợi sự gian trá trở thành hành động “anh dũng chiến thắng trong thế hơn người?!” thì hình ảnh của một bầy “con nghiện” đang giả vờ phê thuốc chưa chắc đã lột tả được hết bản chất phường chèo của chúng.

3. Nhà hát kịch rẻ tiền

Ở bài viết này tôi không có mong muốn đả kích sự ăn vạ vì đôi khi người ta phải chấp nhận nó là một phần của thể thao. Nói là đôi khi vì thi thoảng chúng ta vẫn thấy nó diễn ra ở chỗ này chỗ khác, kể cả đối với những đội bóng xứng đáng được tôn trọng, tất nhiên là trừ các đội bóng cố tình diễn đi diễn lại nhiều lần hành động đáng xấu hổ này để giành chiến thắng. Mong muốn của tôi rất đơn giản: giúp một loại người “phân biệt” được rõ nhà hát kịch và sân bóng đá là khác nhau. Trừ những đứa trẻ con chưa biết đọc, còn lại ai biết chữ mà vẫn còn cho rằng hai khái niệm trên là một thì cần xem lại khả năng nhận thức của mình.

Ăn vạ thì nói là ăn vạ, cớ gì phải ép cho cái mặt sân cỏ trở thành cái sân khấu kịch? Một hành động ‘diễn” chỉ được cho là ĐẸP chỉ khi nó nhằm mục đích nghệ thuật và xảy ra trên sân khấu mà thôi. Còn đây là sân cỏ, là nơi thi đấu thể thao, là nơi sự cao thượng và trung thực phải được tôn thờ. Vậy nên cái hành động lăn đùng ăn vạ không thể gọi là “đẹp” mà thay vào đó phải là sự đả kích và phê phán mạnh mẽ. Một nhà đạo diễn có thể khen những pha ngã dập mặt và lăn lộn như thật là đẹp, nhưng những người cầm bút viết báo thì thật không nên, vì sớm hay muộn thì bản chất và giá trị thật cũng sẽ bị lột trần ra hết.

Tôi không dám chắc người ta muốn ép thể thao trở thành nghệ thuật kịch là vì mục đích gì?! Chỉ biết rằng khi những ai đó liên tục cố tình mang các hành động ăn vạ đáng xấu hổ ra mà nghĩ rằng sân cỏ là sân khấu để diễn thì mọi người đều hiểu: chúng coi nơi ấy chỉ đáng là “nhà hát của những màn kịch rẻ tiền” mà thôi.

Hãy chia sẻ vì sự trong sạch của nền báo chí thể thao nước nhà!
Apollo | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục