Miura: Khi lối chơi phục vụ kết quả

08:52 Thứ năm 02/04/2015

(TinTheThao.com.vn) - Trong bối cảnh dư luận Việt Nam ít nhiều chia rẽ về quan điểm, chiến tích của thầy trò Miura cũng không được tung hô quá rầm rộ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc lọt vào Vòng chung kết u23 châu Á là một thành công đáng nhớ. Dấu ấn của HLV người Nhật là khá đậm nét. Miura không hoa mỹ, Miura không ồn ào, ông chỉ chăm chút công việc của mình với một thứ tư duy hiện đại, tất cả phục vụ cho kết quả sau cùng.

Tinh thần mạnh mẽ, toan tính và gặt hái

Miura không hoàn hảo, chẳng có HLV nào luôn đúng và khiến các trận đấu luôn diễn ra như dự kiến của mình cả. Cái khiến ông được một lượng lớn người hâm mộ tin tưởng, đó là vì ông khiêm tốn nhưng tự tin, linh hoạt và cương quyết. Trong ba trận đấu, chúng ta có ba nhiệm vụ và ông đã sử dụng ba cách tiếp cận tối ưu phục vụ từng nhiệm vụ một.

HLV Miura đã làm thay đổi tư duy của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Internet

Khi thay người nhưng chưa hiệu quả, ông không ngần ngại thay chính cầu thủ vừa vào sân để luôn đảm bảo các cầu thủ trên sân ở trạng thái tốt nhất, có ích nhất cho tập thể. Trái tim nóng và cái đầu lạnh, hừng hực khí thế nhưng chơi khá “tỉnh”, tuân thủ chiến lược, đó là thứ chúng ta nhìn thấy ở tuyển U23 lần này.

Muốn U23 ban bật như U19 ư, khống chế xử lý bóng chuẩn chỉnh ư? Hãy cho ông Miura 8 năm, một hệ thống hỗ trợ đồ sộ, và đưa tất cả cầu thủ về độ tuổi 11, 12. Còn nếu đó là chuyện viển vông, thì đừng mơ mộng quá. Nếu ai đã theo dõi những đội tuyển ông Miura dẫn dắt, ta thấy họ được dạy để phản ứng, ra quyết định thật nhanh, gọn với trái bóng.

Họ không tập trung vào việc giữ bóng bao lâu, mà là làm gì cho hợp lý. Cách tấn công thiên về ít chạm, không quá bắt mắt nhưng đề cao độ sắc bén. Thậm chí khi buộc phải phòng thủ đến mức tiêu cực, Miura vẫn “giấu trong tay áo” những miếng đánh bài bản từ các tình huống cố định với ý đồ rất rõ ràng.

Hãy nhìn ra thế giới. Nhật Bản nếu đá với Đức, Braxin thì có cầm bóng, giữ nhịp, phản công nguy hiểm nổi không? Các đội bóng hạng trung ở La Liga đa phần có nền tảng thể chất thua sút so với hai gã khổng lồ, nhất là Real, nhưng khi gặp Real họ có phối hợp nhỏ, kiểm soát bóng (“hợp” với thể hình) được không? Rất hiếm. Nhưng có ai chê trách họ không?

Không. Thậm chí, nếu phòng ngự số đông hiệu quả, phản công kiểu đơn giản với các đường chuyền rộng sân, họ còn có thể tạo nên địa chấn và được cả thế giới khen ngợi. Bóng đá là vậy. Bóng ngắn của chúng ta là gì so với Nhật Bản? Man City ở Premier League luôn làm đối phương phải chạy theo bóng nhưng khi gặp Barca thì thế nào, kết cục ra sao? Mỗi người tự có câu trả lời.

Tất nhiên, chúng ta yêu cái đẹp, hướng đến cái đẹp, nhưng cần dung hòa giữa đẹp và hiệu quả. Nếu chúng ta là Barca, chúng ta là Bayern, chúng ta hầu như có thể đẹp mọi lúc mọi nơi, khái niệm “phòng ngự phản công” đã khá xa lạ chứ đừng nói là “cố thủ”. Nhưng chúng ta không phải họ, dù ai nói gì thì sự thật này cũng sẽ không thay đổi.

Hay cứ nghĩ một cách lạc quan, rằng với những gì đang có, bóng đá Việt Nam có thể nhảy vọt, vươn lên sánh vai với các cường quốc châu Á bằng tố chất kỹ thuật, bằng “đan lát”, thì quãng thời gian dành cho Miura vẫn là quá ngắn để hiện thực hóa viễn cảnh ấy. Chưa kể, biết đâu sở trường của ông cũng chẳng phải vậy.

Đá như Bayern trước Barca năm 2013, Real trước Bayern 2014, hay như Atletico Madrid hiện tại thì đã sao? Họ vẫn thành công vang dội. Đẳng cấp là khá xa để so sánh, nhưng tóm lại, nếu có một triết lý, nên tập trung theo đuổi, phát triển nó để hoàn thiện thay vì thi thoảng thích đá kiểu này, thích đá kiểu kia.

Đâu có dễ gì để đội tuyển của ta trở nên mạnh mẽ, cơ bắp, gan lì như thế? Đâu dễ gì để họ đoàn kết, bổ trợ nhau, chơi bóng đầy ý chí và lý trí như vậy? Và đã bao lâu rồi chúng ta mới biết dùng sự khoa học để chinh phục chỉ tiêu? Nếu ai đó còn đồng thời muốn hai chục cầu thủ tập trung tứ xứ ấy phải ban bật nhuần nhuyễn, phải chạm bóng tinh tế, uyển chuyển đều tăm tắp thì…

Công Phượng rất khác biệt, nhưng nếu em chỉ được học vài tháng ở Học viện JMG (như thời gian Miura có ở U23 Việt Nam) chứ không phải 7, 8 năm, liệu nhãn quan, kỹ năng của em có rèn luyện được như bây giờ? Đỡ bóng có chuẩn, rê bóng có đẹp, có ăn ý với đồng đội ở HAGL như chúng ta đã chứng kiến? Graechen và đồng sự sẽ làm được gì với thời gian đó? Còn cả thể lực, sức mạnh, độ quái, độ gọn gàng, liệu có được như “Công Phượng phiên bản U23”?

Những Tuấn Anh, Văn Toàn, các em cũng rất hay, nhưng những người khác lại có những cái hay khác mà các em chưa có. Đây là chuyện rất bình thường, và sự công tâm, công bằng của Miura là rất đáng quý, có giá trị trong trường hợp này.

Sự rành mạch và và kiên định của Miura

HLV của chúng ta rất kiêng kỵ việc khen riêng một cá nhân nào đó dù có chơi xuất sắc, nhưng không nên nghĩ rằng ông “không thích” Công Phượng hay các cầu thủ HAGL nói chung. Ông đang cầm cả một đội tuyển, và ông muốn toàn đội luôn duy trì sự thoải mái, hòa đồng, bình đẳng, áp lực nếu có Miura luôn nhận về mình, luôn tránh dồn nó lên cầu thủ.

Sự công tâm, công bằng thể hiện rõ qua cách làm việc của HLV Miura. Ảnh: Internet

Ít khen quá đà một ai, ít để báo chí, truyền thông có cơ hội đào sâu về một người cố định, Miura đã rất kiên tâm với tinh thần “bóng đá là tập thể”, một quan điểm có gì đó “rất Đức”.

Về vấn đề dư luận, nhiều chiều ý kiến là không tránh được, để Việt Nam biến thành một đội bóng không bị ai chê cả thì là chuyện khó hơn lên trời. Đến Barca, Real còn nhiều trận làm fan tức mắt, HLV bị nghi ngờ năng lực, sảy chân trước các đội thực lực không bằng, thì tại sao Việt Nam không được quyền “thiếu hoàn hảo”?

Thì cũng có điểm kém thật, có điểm yếu thật, cần cải thiện hơn nữa thật, nhưng nó quá đỗi tự nhiên, quá đỗi dễ hiểu. Riêng với Vòng loại U23 châu Á năm nay, Miura còn bị “soi” rất kỹ chỉ vì ông đang gây chú ý với những gì đã thể hiện. Sức ép đến với ông một phần từ chính sự bài bản, dám nói dám làm của ông.

Mọi năm, có ai nhớ gì, ấn tượng gì nhiều khi Việt Nam tham gia Vòng loại này? Có ai nghĩ về suất dự vòng chung kết? Nhưng Miura sẵn sàng đề ra và nhận lấy trách nhiệm nặng nề ấy. Trước tiên ông dám nghĩ tới nó đã, kế tiếp là vạch ra kế hoạch, yêu cầu, cách đi từng bước để thực hiện.

Cuối cùng, bằng sự chuẩn bị chu đáo, sự đồng lòng, và chút ít may mắn (nếu ai nghĩ thế), U23 Việt Nam đã đem về một trong hai tấm vé dành cho Đông Nam Á, cùng với đội mạnh nhất khu vực là Thái Lan. Vị thế đó, dù chỉ ở lứa U23, cũng đã lâu nay chúng ta không tìm thấy được.

Ra đến tầm châu lục ở một giải đấu chính thức, kỳ vọng về thành tích chắc sẽ không lớn, song thành quả này chẳng vô nghĩa chút nào. Thứ nhất, nó là tiền đề, minh chứng cho việc nếu xử lý mục tiêu đúng cách ta có thể vượt xa hơn những gì quen thuộc. Thứ hai, một con ếch khi đã ra khỏi miệng giếng, chắc chắn sẽ khác một con ếch ở mãi trong cái giếng đó, cho dù tạm thời nó sẽ… vẫn chỉ là con ếch.

Vẫn có những nghi ngại về tương lai lâu dài của Miura, về nền tảng bền vững, bước đường xa mà ông sẽ chuẩn bị cho bóng đá Việt Nam dưới thời cầm quân của mình. Nhưng dù thế nào, chí ít, thứ thể lực dồi dào kia, thứ tư tưởng hiệu dụng kia, niềm tin sắt đá kia đã cho các cầu thủ Việt có được những bài học, trải nghiệm bổ ích không thể bàn cãi.

SEA Games sẽ là thử thách tiếp theo, không nói ra nhưng ai cũng thầm mong ước một lần được thấy tuyển U23 Việt Nam “có vàng” ở giải đấu này. Đó sẽ là cột mốc quan trọng nữa để Miura khẳng định trước tất cả cách làm bóng đá của ông.

Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục