Lật đổ hay chỉ là nhất thời

11:18 Thứ bảy 18/10/2014

(TinTheThao.com.vn) - Lần đầu tiên sau 9 năm 4 cái tên Roger Federer, Rafael Nadal, Novak Djokovic hoặc Andy Murray không góp mặt ở chung kết US Open. Cũng là lần đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ qua có hơn 1 chức vô địch Grand Slam thuộc về các tay vợt ngoài “Big 4”. Làng quần vợt năm 2014 đang dần khép lại với không ít những bất ngờ.

Stan Wawrinka – Một bước lên tiên

Không phải là một tay vợt hạng “xoàng” nhưng dưới cái bóng quá lớn của huyền thoại, đồng hương Federer, Wawrinka từ ngày xuất hiện trong làng quần vợt cho tới hết năm 2013 luôn được người ta gọi với cum từ thân quen “tay vợt số 2 Thụy Sỹ”.

Thế nhưng như một cơ duyên, khi Federer trải qua một mùa giải đầy thất bát, quần vợt Thụy Sỹ dường như chẳng còn có lấy nổi một tay vợt đủ sức cạnh tranh với Rafael Nadal, Novak Djokovic thì đột nhiên Wawrinka “hồi xuân” ở tuổi 28.

Stan Wawrinka, người khai màn cho những bất ngờ của làng quần vợt năm 2014.

Tiết trời nắng nóng lịch sử có lúc lên đến 45 độ C ở Melbourne dường như chỉ càng làm cho quyết tâm của Wawrinka lớn hơn. Với tư cách hạt giống số 8, anh đưa giới mộ điệu quần vợt đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Chỉ trong vòng 6 ngày, tay vợt cao 1m83 lần lượt đánh bại 3 đối thủ trong top 10 gồm Novak Djokovic (tứ kết), Tomas Berdych (bán kết) và Rafael Nadal (chung kết). Tận hưởng hương vị chiến thắng đầu tiên ở một giải đấu lớn, Wawrinka chỉ biết thốt lên: “Melbourne là nơi thay đổi cuộc đời tôi”.

Quả vậy, đăng quang tại miền đất đầy nắng gió Melbourne, Wawrinka chính thức trở thành tay vợt thứ 2 ngoài “Big 4” vô địch Grand Slam, kể từ thời của Juan Martin del Potro lên ngôi US Open 2009. Rõ ràng, việc vươn lên sánh ngang hành del Potro trong danh sách những đối thủ có khả năng thách thức bộ tứ Rafael Nadal, Roger Federer, Novak Djokovic và Andy Murray chứng tỏ bước trưởng thành vượt bậc về tâm lý lẫn kỹ chiến thuật của “Stan thép”.

Marin Cilic đi vào lịch sử ở Flushing Meadows

Dồn ép Kei Nishikori bằng một cú trái cực nặng, có điểm kết thúc trận và chính thức lên ngôi. Có lẽ chính Cilic cũng không tin nổi kỳ tích mình mình vừa làm được: trở thành tân vương của một giải Grand Slam.

Có quá nhiều điều để nói về Cilic, chàng trai cao 1m98, từng vô địch giải trẻ Roland Garros và là niềm tự hào của cao nguyên Medjugorje, Bosnia (Cilic là tay vợt gốc Bosnia). Thật ra, tên tuổi Cilic đã nổi lên từ cách đây 7 năm, khi anh đánh bại Nikolay Davydenko (lúc đó đang đứng số 4 thế giới) tại vòng 2 giải Trung Quốc mở rộng.

Marin Cilic – từ một tay vợt tầm trung trở thành “ngựa ô” tại US Open.

Năm 2008 khi tròn 20 tuổi, Cilic lận lưng danh hiệu ATP đầu tiên tại New Haven và lần lượt có những bước “công phá” ấn tượng trên BXH thế giới. Cụ thể từ top 50, Cilic chen chân vào 20 cái tên hàng đầu của làng banh nỉ năm 2009, rồi chỉ mất đúng 1 năm nữa để góp mặt trong top 10. Thế nhưng tài năng nở sớm bao nhiêu thì sự nghiệp của ngôi sao người Croatia càng lận đận bấy nhiêu.

Tâm lý không ổn định, cùng với những chấn thương liên miên khiến Cilic chẳng thể vươn đến tầm của những ngôi sao lớn như người ta vẫn dự đoán. Kể từ sau khi giành quyền vào bán kết Australian Open 2010, Cilic chẳng thể tái lập lại thành tích đó ở bất cứ Grand Slam nào khác cho đến US Open 2014. Thậm chí nhiều lúc tên tuổi của anh còn bị xếp sau cả “gã khổng lồ” đồng hương Ivo Karlovic, người cao đến 2m11 và lối chơi chẳng có gì đặc biệt ngoài những cú giao bóng “trời giáng”.

Sự nghiệp Cilic càng bị đẩy xuống vũng bùn của sự tuyệt vọng sau khi anh bị ITF treo vợt 4 tháng do dính doping. Chỉ kịp tham dự 1 giải đấu duy nhất khi trở lại vào cuối năm 2013, tưởng chừng như Cilic khó mà đứng dậy nổi với hình ảnh một ngôi sao “nhúng chàm”. Dù vậy, lần lượt các chức vô địch tại PBZ Zagreb Indoors và Delray Beach International Tennis Championships đã giúp tay vợt sinh năm 1988 đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ trước khi đến US Open với tư cách hạt giống số 14.

Chẳng được đánh giá cao so với một Roger Federer đang hồi xuân, hay một Novak Djokovic ngự trị ngôi số 1 làng banh nỉ. Thế nhưng những gì mà Cilic làm được khiến người ta không khỏi nể phục. anh hạ cả Tomas Berdych, Roger Federer lẫn Kei Nishikori tại Arthur Ashe để đoạt ngôi vương cực kỳ xứng đáng. Nếu ví chức vô địch Australian Open của Wawrinka là một món “khai vị” đặc biệt của mùa giải 2014, thì nói không ngoa danh hiệu US Open khép lại mùa giải của Cilic chẳng khác nào một thứ thức uống “tráng miệng” thượng hạng làm mát lòng những cổ động viên trung lập – vốn luôn mong bất ngờ xảy ra ở mọi giải đấu.

Sự trở lại của những ông “Vua”

Khi Federer bước sang tuổi 33, Andy Murray không còn giữ được phong độ từng có sau quyết định chia tay HLV Ivan Lendl rồi bắt đầu hợp tác với Amelie Mauresmo, thì cuộc chơi đỉnh cao của làng quần vợt chẳng khác gì cuộc đua “song mã” giữa 2 cái tên đang ở độ chín sự nghiệp là Nadal và Djokovic.

Cùng vấp phải không ít những nghi ngờ, nhưng bản lĩnh đã giúp Nadal và Djokovic lên tiếng đúng lúc tại Grand Slam.

Với Nadal, 9 danh hiệu Roland Garros trong vòng 10 năm là thước đo chính xác nhất để kiểm chứng rằng anh là “Vua” của mọi vị “Vua” trên sân đất nện. Nadal có thể khởi đầu chậm, chơi không tốt ở các giải khởi động nhưng khi trở lại với mặt sân bui đỏ quen thuộc tại Philippe Chatrier, tay vợt Tây Ban Nha chứng tỏ anh luôn là kẻ “bất khả chiến bại”.

Vượt qua 2 cái “khó”, đầu tiên là việc bị BTC Roland Garros phân biệt khi không được xếp đánh ở sân trung tâm, kế đến là đối đầu với một Djokovic có phong độ cực cao ở chung kết, Nadal lần thứ 9 nâng cao chiếc cúp bạc danh giá cho nhà vô địch. Khoảng khắc ngược dòng hạ Djokovic 3-1 ở trận chung kết, những giọt nước mắt đã rơi trên khuôn mặt lấm lem của nhà vô địch. Đút túi 14 Grand Slam và vươn lên sánh ngang Pete Sampras, Nadal tiến thêm một bước dài nữa trên con đường san bằng kỷ lục 17 danh hiệu của Federer.

Về phần Djokovic, đả bại Roger Federer trong một trận đấu kéo dài 5 set để bước lên đỉnh vinh quang ở Wimbledon là phần thưởng không thể tuyệt vời hơn cho những nỗ lực của tay vợt 27 tuổi. All England Club xưa nay vốn là “miền đất phúc” với Federer (từng 6 lần vô địch), song riêng trong năm 2014 đó là “sàn diễn” của Nole.

Giành Grand Slam đầu tiên kể từ Australian Open 2013, Djokovic đồng thời đoạt luôn ngôi số 1 từ tay Nadal. 7 Grand Slam, con số có thể quá khiêm tốn so với Nadal hay Federer, song nó là sự ghi nhận kịp thời cho nghị lực phi thường của Djokovic, nhất là khi anh phải đối mặt với vô số áp lực sau 5 giải đấu liên tiếp trắng tay.

Lật đổ hay chỉ là nhất thời?

Có quá nhiều những nhận định sau khi mùa giải 2014 khép lại, trong đó lớn nhất vẫn là việc liệu “Big 4” đã tới lúc tan rã và cán cân quyền lực của quần vợt thế giới bắt đầu thay đổi. Dù vậy, công bằng mà nói thì Wawrinka cùng Cilic sau 2 danh hiệu Grand Slam đầu tay rất khó để vươn tới hàng sao sáng như Federer, Nadal hay Djokovic.

Dù chỉ giành được 2 Grand Slam trong cả mùa giải, song vẫn còn quá sớm nếu kết luận sự thống trị của “Big 4” đã đến hồi kết.

Cụ thể, Wawrinka sau chức vô địch Australian Open và Monte Carlo vẫn chưa thể giành thêm danh hiệu nào khác, thậm chí là không lọt tới bất cứ trận chung kết lớn nào cho dù anh vẫn tràn đầy khao khát và nhiệt huyết. Với Cilic, thật ngạc nhiên là trước US Open anh chưa từng vào đến trận bán kết Masters 1.000 nào. Toàn bộ 11 danh hiệu mà tay vợt Croatia giành được chỉ đều ở cấp độ 250 – thứ mà những nhà chuyên môn không bao giờ dùng để nói về một tay vợt lớn. Với danh hiệu Grand Slam, Cilic đã khiến người hâm mộ phải nhìn anh bằng một ánh mắt khác, song việc có giữ được màn trình diễn đỉnh cao trong 2 tuần tại Mỹ hay không với anh vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Nhìn xa hơn, những ngôi sao như Juan Martin del Potro từng vô địch US Open 2009, David Ferrer, Tomas Berdych, Robin Soderling từng vào chung kết Grand Slam cũng chưa thể tái lập được những thành tích họ từng làm được. Thậm chí Soderling đã nghỉ thi đấu vài năm nay vì giải nghệ, còn del Potro vẫn đang trầy trật vật lộn với thời quan nghỉ do chấn thương. Thế nên việc 2/4 danh hiệu Grand Slam thuộc về các tay vợt ngoài “Big 4” có chăng chỉ là một bất ngờ của làng quần vợt. Còn việc kết luận “Big 4” đã hết thời hay tan rã có lẽ vẫn còn quá sớm.

Nam Anh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục