Đội Tuyển Đức: Đã sẵn sàng giáp mặt tử thần

15:18 Thứ bảy 02/06/2012

Những mảnh ghép Bayern đã lại khớp với toàn cỗ máy, và đội tuyển Đức khép lại cữ tập dượt trước EURO bằng một chiến thắng nhẹ nhàng trước Israel. Hệ thống mà họ xây dựng trong cả nửa thập kỷ vẫn vận hành trơn tru, và chỉ một thất bại trước Thụy Sĩ lẫn những lời cảnh báo về tình trạng suy thoái bản lĩnh của bóng đá Đức chưa thể khiến nó rơi vào trạng thái quá hoang mang.

Hai bàn thắng của đội tuyển Đức, trong một thế trận tấn công khủng khiếp mà họ áp đặt được lên đối thủ yếu Israel, cho thấy tinh hoa của cuộc cách mạng mà bóng đá Đức trải qua nửa thập kỷ: Bàn đầu tiên là một miếng đánh thẳng vào trung lộ với tốc độ cao, nhân sự tham gia tấn công là 5 người, chỉ cần 11 cú chạm bóng (mỗi cầu thủ tham gia tấn công chơi không quá hai chạm), trước khi Mario Gomez sút tung lưới Israel; bàn thứ hai là một khoảnh khắc bùng nổ của tiền đạo Andre Schuerrle, một cú tạc đạn từ khoảng cách chừng hơn 20 mét. Đội tuyển Đức chứng tỏ rằng họ có thể giải quyết đối phương từ một miếng đánh bài bản có tính toán, cũng như một khoảnh khắc bùng nổ cá nhân.

Đức đã sẵn sàng - Ảnh Getty

Cú sút khủng khiếp nâng tỉ số lên 2-0 cũng là bàn thứ 7 của Schuerrle cho đội tuyển Đức trong 14 trận anh khoác áo Mannschaft, một bằng chứng cho thấy rằng hệ thống hiện tại giúp các tân binh hòa nhập nhanh đến thế nào vào lối chơi. Đó là cơ sở cho chúng ta tin rằng HLV Joachim Loew sẽ tận dụng được tối đa những cầu thủ mà ông đem đến EURO lần này. Lối chơi của Đức những năm qua được phát triển dựa trên nền tảng tư duy tổ chức và mang tính bệ phóng cho những con người mà họ có. Ở một bảng đấu khó khăn như bảng B (Đức sẽ phải đối mặt với Hà Lan, BĐN và Đan Mạch), thì tiềm năng của những cầu thủ mới có thể được đánh thức và tạo ra một sức bật mới cho đội tuyển Đức.

Người Đức không sợ Tử thần

Tất cả những đội tuyển ở bảng tử thần đều gặp trục trặc trong các loạt giao hữu cuối cùng trước khi EURO khởi tranh. Chúng ta đã nhìn thấy Hà Lan thua ngược Bulgaria, BĐN bị cầm hòa không bàn thắng bởi Macedonia, đội tuyển đang xếp thứ 98 trên BXH FIFA, và Đan Mạch, một đội rất khó chịu của châu Âu, bị Brazil dễ dàng giải mã. Họ đều đã đưa ra đội hình mạnh nhất để rà soát lại trước khi đến Ba Lan và Ukraina. Đội tuyển Đức thì sử dụng đội hình B và thảm bại trước Thụy Sĩ, và dù đánh bại Israel một cách dễ dàng, nhưng việc phung phí quá nhiều cơ hội ở trận này cũng là một khiếm khuyết mà họ cần phải lưu ý, chưa kể những nghi ngại về sự suy thoái bản lĩnh truyền thống của người Đức, sau thất bại ở trận chung kết Champions League của Bayern, đội đóng góp 8 cầu thủ cho Mannschaft (7 người có thể đá chính).

Nhưng dẫu sao, đội Đức vẫn có thể được xem là đội chuẩn bị tốt nhất ở bảng B. Lối chơi của họ đã được phát triển và duy trì một cách liên tục trong nửa thập kỷ, trong khi các đội tuyển khác vẫn còn đang phải hoang mang lựa chọn. Hà Lan, sau khi nhận phải rất nhiều chỉ trích vì lối đá man rợ ở World Cup 2010, vẫn lừng khừng giữa việc tìm lại bản sắc tấn công và lối chơi thiên về sự thận trọng, và sự lưỡng lự ấy được biểu lộ rất rõ ràng qua trận thua ngược Bulgaria. BĐN từ lâu đã không định hình nổi lối chơi, tấn công không ra tấn công, mà thiên về phòng thủ cũng chưa hẳn. Đan Mạch có nền tảng lối chơi khá tốt, nhưng nhân sự liên tục biến động và không có nhiều cầu thủ tạo đột biến tốt, họ khó có thể gây bất ngờ trước một đội bóng sở hữu tính hệ thống sâu sắc như đội tuyển Đức.

Chính vì thế, người Đức có thể tự tin rằng họ đã chuẩn bị tốt để “giáp mặt tử thần”. Vòng bảng có lẽ không phải vấn đề quá khó khăn với họ, nhưng đến vòng knock-out, đội Đức sẽ phải đối diện với một băn khoăn còn đáng lưu tâm hơn cả “Tử thần”: Tính chất không thể sửa sai và các trận đấu thường được giải quyết theo kiểu dựa trên tình huống mà không cần sự vượt trội về lối chơi sẽ lại đòi hỏi bản lĩnh và ý chí nhiều hơn một lối chơi được phát triển sâu sắc. Mà sự suy thoái về ý chí đặc trưng của dân tộc Đức, trong cơn khát danh hiệu quốc tế đã kéo dài 16 năm, lại đang khiến họ buộc phải tự nghi ngờ về cuộc cách mạng tấn công trong nửa thập kỷ qua.

5,25 Bảng B ở EURO 2012 là bảng đấu có thứ hạng trung bình trên BXH FIFA cao nhất trong lịch sử các bảng đấu ở những giải đấu quốc tế, kể từ khi hệ thống tính điểm này được ra mắt vào năm 1993

7 Andre Schuerrle đã ghi 7 bàn trong 14 lần ra sân cho đội tuyển Đức, trong khi một cựu binh của tuyển Đức là Lukas Podolski chỉ ghi được 2 bàn trong 14 trận gần đây của anh cho Mannschaft
Ban Cầm | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục