Cựu chủ tịch FIFA Joao Havelange: Sự im lặng đổi bằng vàng

00:30 Thứ năm 01/03/2012

Để giành được ghế chủ tịch FIFA vào năm 1974, Joao Havelange đã phải đi khắp thế giới trong kế hoạch vận động. Từ năm 1971 đến năm 1973, ông đã có mặt ở 86 quốc gia khác nhau. Ông hứa rất nhiều, và hầu như lời hứa nào cũng cần có rất nhiều tiền để thực hiện.

Cựu chủ tịch FIFA Joao Havelange

Thế nên, vấn đề quan trọng nhất của Havelange sau khi đắc cử là FIFA phải làm sao có thật nhiều tiền. Mà số tiền Argentina bỏ ra để tổ chức World Cup 1978 - kỳ World Cup đầu tiên mà Havelange thực sự làm chủ - lại lớn đến mức kỷ lục so với trước đó, thậm chí sau đó (nhiều hơn hẳn so với World Cup 1982, dù số đội dự VCK World Cup 1982 đã tăng lên gấp rưỡi). Havelange cảm ơn Argentina còn không hết, nên đâu thể làm hỏng kỳ World Cup ấy bằng việc điều tra trận Argentina - Peru?

Từ đó đến nay, FIFA cũng chỉ có một chủ tịch khác là Sepp Blatter. Mà Blatter lại chính là “cánh tay phải” của Havelange, do Havelange hậu thuẫn để kế tục chiếc ghế của mình “nếu không muốn mọi chuyện trong cách điều hành FIFA bị lôi ra ánh sáng”. Nếu như Blatter hào hứng với chuyện lật lại hồ sơ World Cup 1978 thì đấy mới là chuyện kỳ lạ.

Ngoài ra, còn có một nguyên tắc bất di bất dịch, khiến FIFA bỏ ngoài tai hầu hết những chuyện bê bối trong bóng đá. Nguyên tắc ấy là: FIFA và thế giới bóng đá hoàn toàn độc lập với chính quyền các nước. Đối với FIFA, phán quyết của các phiên tòa hoặc các chính quyền đều vô nghĩa. Thậm chí, không có bất kỳ LĐBĐ nào được phép để cho tòa án hoặc chính quyền thò tay vào chuyện bóng đá. Nơi nào vi phạm, xin mời ra khỏi hàng ngũ FIFA, coi như chỉ tự đóng cửa chơi bóng với nhau.

Một cầu thủ cố ý đá cho đối thủ què chân trên sân cỏ vẫn không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trong khi chỉ cần một câu hăm dọa bên ngoài sân bóng đã đủ khiến cho người ta phải trình diện cảnh sát. Thế nên, cho dù những người trong cuộc thừa nhận rằng họ dàn xếp tỷ số, đấy cũng là điều vô nghĩa, trừ phi đấy là sự thừa nhận trước FIFA.

Chuyện của FIFA chỉ do FIFA điều tra, xét xử, và kết luận. Cách đây không lâu, khi cả thế giới xôn xao về những scandal mua bán phiếu bầu trong giới điều hành chóp bu của FIFA, chuyện xét xử diễn ra thế nào? FIFA lập ra một ủy ban điều tra (mà theo nhiều quan chức thì đấy là những nhân vật do chủ tịch Sepp Blatter chỉ định). Ủy ban ấy triệu tập các nhân vật liên quan để hỏi, sau đó chính họ đưa ra kết luận. Chấm dứt mọi sự tranh cãi hay nghi ngờ!

Cuối cùng, đừng hỏi vì sao FIFA không chịu điều tra, vì chẳng lẽ FIFA điều tra… chính mình. Sự thật là FIFA đã ủng hộ Argentina bằng cách cự tuyệt yêu cầu thi đấu cùng giờ trong loạt trận chót của Brazil!
Bá Ước | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục