Câu chuyện Davis Cup: Gánh nặng “kim tiền”!

14:33 Chủ nhật 16/09/2012

Davis Cup thường được xem là sân chơi… “cổ lỗ sĩ” đối với các tay vợt chuyên nghiệp của ATP Tour nhằm ám chỉ sự bảo thủ của Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF) trong việc tạo những sức hút mới mẻ cho giải đồng đội nam thế giới. Rất nhiều tay vợt chuyên nghiệp thường xuyên trốn tránh nghĩa vụ “lên tuyển” ở Davis Cup vì xung đột về lịch thi đấu, buồn tẻ và đương nhiên, vì một lý do tế nhị khác nhưng lại rất quan trọng - “kim tiền”.

Trong khi các giải đấu của ATP Tour liên tục tăng giá trị tiền thưởng qua từng năm, ITF vẫn rất thụ động trong việc đổi mới. Khi ITF “án binh bất động”, các Liên đoàn quần vợt quốc gia cũng… “im ru” mỗi khi chuyện tế nhị về tài chính được nhắc đến. Dù vậy, hiếm có tay vợt nào dám “nói thẳng, nói thật” - kể cả Roger Federer. Thông thường thì lý do các tay vợt đưa ra khi từ chối nghĩa vụ “lên tuyển” ở Davis Cup là do phải “tập trung cho sự nghiệp thi đấu cá nhân”. Tất nhiên, ai cũng ngầm hiểu những lý do này là vì những danh hiệu, danh dự một phần, một phần khác lại là… tiếp tục “cải thiện thu nhập”. Mọi chuyện sẽ vẫn bình lặng cho đến khi Kevin Anderson - tay vợt số 1 Nam Phi - biện minh lý do không tham gia trận play-off trong đội hình đội tuyển quê nhà chống lại tuyển Canada của Milos Raonic giàu tiềm năng là vì… tài chính!

Kevin Anderson.

Trong một phát biểu hôm giữa tuần, Anderson (hạng 37 ATP) đã “nói thẳng, nói thật”: “Hồi năm 2011, tôi tham gia Davis Cup vì hứa hẹn về tài chính rất hấp dẫn, tôi có thể trang trải các chi phí trong suốt tuần lễ tham dự Davis Cup và cũng có cơ hội bù đắp phí tổn trong việc điều chỉnh lại lịch thi đấu cho phù hợp. Tuy nhiên, ở trận đấu play-off với tuyển Canada, LĐQV Nam Phi (TSA) không thể hỗ trợ cần thiết trong việc tôi phải hy sinh lịch thi đấu của bản thân mình cũng như với khả năng gia tăng chấn thương. Tôi từng bị chấn thương khi tham gia Davis Cup, chuyện đó mới xảy ra ngay mùa trước, tôi đã không nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ hay bảo hiểm từ bất kỳ ai. Tôi phải tự lo cho bản thân. Tôi từng nói với TSA ở Wimbledon rằng cần có sự đền bù cần thiết để giải quyết các vấn đề hiện tại. Tôi sẽ thi đấu với tuyển Canada nếu TSA có câu trả lời thật thích đáng”.

Và việc Anderson không hiện diện trong đội hình tuyển Nam Phi… có thể hiểu rằng TSA đã không đáp ứng yêu cầu của tay vợt này. Anderson nói tiếp: “Tuy nhiên, họ đã không đáp ứng nhu cầu của tôi. Sau những thành công mà tôi đã trải qua tính cho đến thời điểm này, tôi đủ khả năng để thuê một HLV trọn thời gian và một nhà vật lý trị liệu. Để trả tiền cho những người này, một tay vợt cần có ít nhất khoảng 250 ngàn USD/năm. Tôi đã tự lo cho sự nghiệp của mình, bản thân tôi rất khó tìm kiếm các nguồn tài trợ vì là một người Nam Phi sống trên đất Mỹ, vì thế, tôi chủ yếu trông cậy vào nguồn thu nhập là tiền thưởng đấu giải. Như mọi người đã biết, đây là nguồn thu nhập rất bấp bênh, không hề có bất kỳ bảo đảm nào vì phong độ của các tay vợt rất thất thường khi bạn không phải là một người thật sự xuất sắc”. Ai sẽ nói thật như Anderson?

Tuy vậy, HLV trưởng đội tuyển Davis Cup Nam Phi John-Laffnie de Jager lại nhìn nhận sự việc theo một chiều hướng khác: “Tôi cảm thấy rất thất vọng vì Kevin đã không thành thật với tôi (!?). Ban đầu cậu ấy nói với tôi rằng một chấn thương đầu gối đã ngăn cản việc cậu ấy tham gia trận play-off. Nhưng giờ đây, cậu ấy lại đăng ký tham dự World Team Tennis. Cậu ấy là một tay vợt đẳng cấp thế giới, nhưng rõ ràng, với cậu ấy, việc đại diện cho đất nước thi đấu ở Davis Cup không phải là ưu tiên hàng đầu”.

World Team Tennis (giải đồng đội nam-nữ diễn ra trên đất Mỹ, nơi các tuyển thủ được tuyển chọn vào một CLB và thi đấu suốt cả mùa giải như các giải đấu nhà nghề NBA, NFL…) dù là một giải đấu mang nặng tính giải trí của người Mỹ - không được tính thành tích vào bảng điểm ATP Tour hoặc WTA Tour - nhưng lại có sức hút tài trợ lớn và vì vậy, tiền thưởng của mỗi mùa giải lên đến chừng vài triệu USD, trong khi các tay vợt chỉ thi đấu rất ít nhưng vẫn được “lĩnh ngay một cục tiền”. Đó vốn là thứ “bảo đảm tài chính” quá lớn đối với một tay vợt như Anderson bởi so với các tay vợt thuộc Top 10, thu nhập của Anderson chỉ gần 2 triệu USD tiền thưởng, trong đó có hơn 500 ngàn USD trong mùa này.

Nadal cũng từng chỉ trích Davis Cup

Hiện diện ở Davis Cup rất “chuyên cần”, Rafael Nadal hiểu rõ về vấn đề xung đột lịch đấu. Anh không phải lo gánh nặng “kim tiền” như Kevin Anderson, nhưng có cùng nỗi lo về chấn thương - hoặc quá tải. Hồi năm ngoái, Nadal từng tỏ ra rất giận dữ khi phải “lao đầu” ngay vào Davis Cup sau khi mới “thoát khỏi” trận chung kết US Open với Novak Djokovic. Thậm chí, anh còn ám chỉ đến việc tẩy chay giải đấu nhiều năm tuổi này. Nadal nói: “Chúng tôi không muốn đến đó. Chúng tôi muốn thi đấu, nhưng chỉ thi đấu nếu đây là một cuộc chiến về điều gì đó công bằng”. Nadal thừa nhận một cuộc cách mạng trong lịch thi đấu phải được khởi xướng hoặc là… “chúng ta phải đến một nơi mà chúng ta không hề muốn”.

Đỗ Hoàng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục