Bóng đá & những cuộc chiến (Kỳ 2): Phi đội Arsenal gieo nỗi kinh hoàng cho phi công Đức

07:23 Chủ nhật 28/04/2013

8 cầu thủ từng khoác áo Arsenal đã hy sinh trong Thế chiến II. Họ là những chiến sĩ của Không quân Hoàng gia Anh. Trước khi bị bắn hạ trên bầu trời, họ vẫn không quên nắm chặt ngực áo, nơi có một khẩu pháo thần công đang hướng nòng về hướng mặt trời lặn…

Bóng đá gắn liền với cuộc sống, kể cả những cuộc chiến với nhiều mất mát của nhân loại. Nhìn lại lịch sử của bóng đá thế giới, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu những câu chuyện khó quên của giới túc cầu giáo với những cuộc chiến tranh đã qua.

The Gunners - Mãi mãi một tình yêu

Bill Dean - một trong những tài năng trẻ nhiều triển vọng của Arsenal trong những năm trước chiến tranh viết trong một lá thư gửi cho người bạn thân: “Vâng, tôi đã hoàn thành tâm nguyện của cuộc đời, tôi đã chơi cho Arsenal”. Dean qua đời trong một trận chiến tại vùng biển phía Nam nước Anh tháng 3/1942.

Cuộc chiến tranh bùng nổ trên phạm vi toàn thế giới lần thứ hai cùng guồng quay nghiệt ngã của nó đã kéo theo muôn vàn hệ lụy. Hàng triệu người đã ngã xuống, chất chứa đau thương cho những người ở lại. Ted Drake – tiền đạo xuất sắc của Arsenal thập niên 40 thế kỷ trước rớm nước mắt trong một cuộc trả lời phỏng vấn Telegraph vào năm 1993, 2 năm trước ngày ông qua đời ở tuổi 82: “Trước khi tham gia vào trận đánh ngày 23/12/1943, tôi đã gặp Bobby Daniel. Cậu ấy nổi tiếng đùa dai, tôi đã tức ói máu vì Bobby nói rằng khi chiến tranh kết thúc sẽ quay về hẹn hò với bạn gái của tôi. Nhưng chẳng bao giờ chúng tôi gặp lại Bobby nữa…”.

Ted Drake là một trong những người may mắn sống sót qua trăm miền bom đạn. Ánh mắt nặng trĩu của ông chất chứa một niềm thương đau vô hạn. Nhưng trong ánh mắt ấy không hể thể hiện sự nuối tiếc. Trong giai đoạn làm HLV Chelsea (1952-1961), Drake từng nhiều lần thừa nhận trái tim ông vẫn luôn hướng về Highbury (SVĐ cũ của Arsenal), nơi ông và hơn 20 đồng đội khác đã xung phong nhập ngũ vào năm 1939. Hòa bình lập lại, Drake không thể tiếp gắn bó với sự nghiệp quần đùi áo số vì chấn thương cột sống, song ông vẫn thường xuyên cùng những đồng đội may mắn khác góp sức tu sửa Highbury, SVĐ bị tàn phá nặng nề khi được sử dụng làm trung tâm tuần tra Air Raid.

Năm 1886, một nhóm công nhân của Royal Arsenal, nhà máy sản xuất đạn dược lớn tại Woolwich đã thành lập ra một đội bóng đá lấy tên là Dial Square. Những sáng lập viên chính là David Danskin, Jack Humble, Fred Beardsley và Morris Bates. Ngày 24/12/1886, Dial Square được đổi tên là Royal Arsenal. Vào năm 1888, Arsenal khi đó vẫn với cái tên là Royal Arsenal đã chọn cho mình crest (huy hiệu, logo) đầu tiên, dựa vào chiếc crest của vùng Woolwich. Chiếc crest này gồm 3 cột tượng trưng cho những khẩu pháo thần công. Ý nghĩa của những khẩu pháo bắt nguồn từ lịch sử quân sự của vùng ngoại ô Woolwich. Thế chiến I bùng nổ, Danskin, Beardsley và Bates trở thành quân nhân và chắc hẳn họ cũng luôn cảm thấy tự hào khi thế hệ hậu bối của mình đã tiếp nối truyền thống của CLB, góp sức chiến đấu với niềm tin mang lại hòa bình cho nhân loại. Đầu mùa giải 1925/26, The Gunners đã đổi crest thành hình khẩu pháo nhỏ hơn, chỉ về phía Tây (sau này nòng pháo được thiết kế lại quay sang hướng Đông) với dòng chữ khắc "The Gunners" bên cạnh, tình yêu của những người lính dành cho Arsenal luôn dấy lên cùng niềm tự hào cùng tinh thần bất khuất của cha anh họ…

Nhiều cầu thủ Arsenal đã hy sinh trong thế chiến thứ 2

Không quân Hoàng gia - Pháo thủ làm tiên phong

Ted Drake, Jack Crayston, Eddie Hapgood, Leslie Jones, Bernard Joy, Alf Kirchen, Laurie Scott, Bobby Daniel và George Swindin là những chàng “Pháo thủ” đã tham gia vào lực lượng Không quân Hoàng gia Anh. Tại đây, họ được gặp lại HLV trưởng của mình là Tom Whittaker, trên cương vị chỉ huy trưởng lực lượng không kích mặt trận Bắc Phi. Nhưng hầu hết các cầu thủ Arsenal đều không có được cơ hội tiếp tục làm việc với người thầy ở CLB khi các mặt trận ở Ấn Độ, Italia và Đức cũng đang rất cần sự xuất hiện của máy bay chiến đấu. Và phi đội của các Pháo thủ nhận lệnh lên đường.

Trong số những binh sĩ được lệnh đưa máy bay đến Ấn Độ, Trung sĩ Bobby Daniel là một trong những người xuất sắc nhất. Ông hoàn thành 3 tháng huấn luyện với danh hiệu học viên ưu tú. Cùng người đồng đội Jack Crayston nhận lệnh bay sang đất nước châu Á, Daniel đã giành chiến thắng trong rất nhiều trận đánh được phong tặng rất nhiều huân huy chương và danh hiệu trong vòng 1 năm sải cánh trên bầu trời.

Những ngày cuối tháng 12/1943, quân Anh lâm vào tình thế khó khăn khi lương thực và đạn dược dần vơi cạn trong khi đội tiếp ứng vẫn chưa kịp lên đường. Máy bay của Daniel và Crayston bị phục kích, hỏng mất một bên động cơ. Bản thân Daniel dính một phát đạn khá nặng vào đùi trái và trên máy bay chỉ còn lại một chiếc dù duy nhất còn lành lặn. Crayston ngồi vào vị trí phi cơ trưởng, cố gắng đưa máy bay đến vùng an toàn. Bất ngờ Daniel từ đằng sau ốp dù vào lưng người đồng đội rồi xô Crayston khỏi buồng lái. “Cậu ấy mỉm cười nhìn tôi và chỉ tay vào ngực áo lót mặc trong người. Một hình khẩu pháo hướng về phía Tây…”, Eddie Hapgood viết trong cuốn hồi ký được công bố năm 1995, 3 năm sau ngày ông mất tại quê nhà Lancashire.

8 cầu thủ Arsenal đã hy sinh trong chiến tranh thế giới lần thứ 2. Họ đã ngã xuống cùng lời căn dặn những người đồng đội: Chúng ta luôn là những Pháo thủ bất khuất, không bao giờ gục ngã, không bao giờ chùn bước. Trở lại thời bình, Jack Crayston đã tới Arsenal làm HLV (1956-1958). Ông vẫn không ngừng nhắc đến người đồng đội đã đẩy mình khỏi máy bay và nở nụ cười cùng hình ảnh khẩu thần công đang hướng về quê hương…

Những cầu thủ Arsenal hy sinh trong thế chiến II

Bobby Daniel: Hy sinh trong một trận chiến chống lại không quân Đức vào ngày 23/12/1943

Sidney Pugh

Harry Cook

Leslie Lack

Bill Dean: Hy sinh trong một trận chiến phối hợp cùng Hải quân Hoàng gia Anh tháng 3/1942.

Hugh Glass: Hy sinh trong một trận chiến đấu trên vùng biển nước Anh năm 1943.

Cyril Tooze: Hy sinh trong một trận đánh tại mặt trận Italia tháng 2/1944.

Herbie Roberts: Qua đời vì bệnh nặng khi phục vụ quân đội tháng 6/1944.

Không quân Đức điên cuồng oanh tạc London

Từ tháng 9 /1940 – 5/1941, không quân Đức thực hiện 127 cuộc tấn công ban đêm quy mô lớn vào nước Anh. Trong số này 71 cuộc tấn công hướng vào London. Trước sự tàn phá của máy bay Đức, 60% cơ sở hạ tầng tại thủ đô nước Anh bị phá huỷ, 600.000 dân thường thiệt mạng và 87.000 người bị thương.
Quốc Hưng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục