Bồ Đào Nha liệu có thoát phận “phù dâu”?

14:46 Thứ năm 21/06/2012

“Chưa đủ tuổi”, “phận phù dâu”, “thất bại”... Đó là những gì giới truyền thông mô tả về Bồ Đào Nha, nền bóng đá từng sản sinh ra những tên tuổi lừng lẫy, từ Eusebio, Luis Figo và giờ là Cristiano Ronaldo.

Bồ Đào Nha hi vọng phong độ tốt của Ronaldo sẽ giúp họ thoát khỏi phận “phù dâu” - Ảnh: AFP

Kể từ thất bại ở vòng bán kết World Cup 1966, đội tuyển Bồ Đào Nha liên tiếp gây thất vọng ở các giải bóng đá lớn ở thời điểm rất gần vinh quang, dù nền bóng đá bán đảo “Brazil ở châu Âu” vẫn liên tục sản sinh ra các tài năng. Euro năm 1984, Bồ Đào Nha chịu trận trước một tuyển Pháp hùng mạnh của Michel Platini ở vòng bán kết và ở Euro 1996 đã gục ngã một cách cay đắng trước CH Czech khi cũng chỉ cách trận chung kết một bước.

Đó là thất bại ám ảnh đất nước Bồ Đào Nha, bởi người hâm mộ đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào “thế hệ vàng” đầy tài năng, từng giành huy chương vàng giải vô địch thế giới U-20 năm 1989 và 1991. Tiếp theo đó lại là một trận thua ở vòng bán kết trước Pháp ở Euro 2000.

Năm 2004, Bồ Đào Nha là nước chủ nhà Euro và đội bóng của họ đã vào đến trận chung kết. Nhưng Figo và các đồng đội bất lực trước bức tường Hi Lạp kiên cố. Thêm một lần nuối tiếc ở World Cup 2006 càng tô đậm hình ảnh “rất gần mà lại rất xa” của bóng đá Bồ Đào Nha.

Và giờ ở Euro 2012, đội bóng của HLV Paolo Bento và siêu sao Ronaldo đang trỗi dậy một cách mạnh mẽ. Bị chỉ trích dữ dội do phong độ nghèo nàn trong trận Bồ Đào Nha thua Đức 0-1 và thắng Đan Mạch 3-2, Ronaldo lần đầu tiên thể hiện hình ảnh của chính anh ở Real Madrid khi ghi cả hai bàn, tiễn Hà Lan về nước.

Ở quê nhà, niềm hi vọng đã quay trở lại với các CĐV đội bóng áo màu bã trầu. “Ronaldo đã đáp trả những kẻ chỉ trích” - một tờ báo viết. Trước đó, do làn sóng chỉ trích của báo chí, các cầu thủ Bồ Đào Nha đã từ chối trả lời phỏng vấn. “Thật vô lý khi cứ liên tục lên án việc các cầu thủ chơi cho đội tuyển không tốt bằng câu lạc bộ - AFP dẫn lời huấn luyện viên Bento phàn nàn - Chúng tôi đã lọt vào vòng tứ kết nhờ lối chơi tập thể. Hãy để các cầu thủ được yên”.

Tất nhiên ngoài Bồ Đào Nha, cũng có không ít đội bóng khác mang tiếng “chưa đủ tuổi”. Nếu không có chức vô địch Euro 1988 trên đất Đức, có lẽ Hà Lan mới là “cô phù dâu” tủi phận nhất. Họ chơi bóng đẹp mắt, nhưng luôn gục ngã trước cửa thiên đường mà các trận chung kết World Cup 1974, 1978 và 2010 là minh chứng. Ở Euro 2012, mâu thuẫn nội bộ, phong độ nghèo nàn của các cầu thủ đã khiến “cơn lốc màu da cam” tàn lụi ngay từ vòng đấu bảng.

Tương tự là Thụy Điển và Nga, hai đội bóng phải về nước sớm. Đội bóng Bắc Âu lọt vào chung kết World Cup 1958 ngay trên sân nhà, nhưng giương cờ trắng trước một Brazil hùng mạnh của “vua bóng đá” Pele. Euro 1992, Thụy Điển vào tới bán kết nhưng cũng chỉ có thế. Tại Euro 2012, hàng thủ Thụy Điển thủng lưới quá dễ dàng.

Trong khi đó, Nga chưa từng đem lại cho các CĐV niềm vui nào kể từ danh hiệu vô địch châu Âu năm 1960 của Liên Xô. Euro 2008 Nga gây chấn động khi đánh bại Hà Lan ở vòng tứ kết, nhưng gục ngã trước Tây Ban Nha trong trận đấu sau đó. Tại Euro 2012, Nga đã khởi đầu đầy ấn tượng với chiến thắng 4-1 trước CH Czech. Nhưng cuối cùng đội bóng Đông Âu cũng chia tay ngay khi kết thúc vòng đấu bảng.

Vậy là chỉ còn Bồ Đào Nha tiếp tục chiến đấu để xóa đi cái tiếng “phù dâu”. Với một Ronaldo tràn đầy tự tin, họ hoàn toàn có thể lập kỳ tích. Miễn là Bồ Đào Nha có thể tránh được “bức tường” Hi Lạp trên con đường tiến vào chung kết.

Nguyệt Phương | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục