Lăng Kính: Bay như bướm & Chích như ong

10:53 Thứ tư 04/07/2012

“Dập dềnh như bướm, chích như ong. Tay không thể đấm thứ gì mắt không trông” - trước trận quyết chiến nổi tiếng với George Foreman ở châu Phi năm 1974, Muhammad Ali huyền thoại đã mô tả chiến thuật thi đấu của mình bằng một chuỗi câu có vần, mà sau này trở thành một trong những phát biểu nổi tiếng nhất của lịch sử quyền Anh.

1. Có vẻ như Muhammad Ali đã tìm được truyền nhân, nhưng không phải trong lĩnh vực quyền Anh. Thứ chiến thuật biến ảo “dập dềnh như bướm, chích như ong”, lấy nhu chế cương ấy đang được người Tây Ban Nha sử dụng thành công cho bóng đá.

Họ dập dềnh như bướm. Sự biến ảo trong phương thức di chuyển và hoán đổi vị trí của đội hình Tây Ban Nha để phục vụ cho những đường chuyền “ma” khiến đối phương loạn trí. Tay không thể đấm thứ gì mắt không nhìn thấy. đối thủ của Ali đã thế, các đối thủ của La Roja hay Barcelona cũng thế. Bóng cứ di chuyển liên tục, mọi chỗ trên sân, không có điểm tụ để phá.

Họ chích như ong. Rất nhanh và đau nhói. Không dốc sức cho những pha tăng tốc dài, không xử lý rườm rà, bóng bất thần đi ở đâu đến, xuyên qua cái lỗ hổng bất ngờ xuất hiện, rồi được đưa vào lưới (bởi một cầu thủ cũng bất ngờ chạy ở đâu đến).

Điểm chính yếu nhất trong lối chơi “bay như bướm, chích như ong” ấy là người chơi không tiêu tốn nhiều sức lực. Muhammad Ali trở thành huyền thoại trong một môn thể thao đòi hỏi sức bền bậc nhất, là vì thế.

2. Trong số báo trước, chúng tôi đã phân tích rằng những di sản về triết lý và chiến thuật mà Brazil của Pele hay Đức của Beckenbauer để lại cho bóng đá thế giới trên diện rộng là cực lớn, nên chưa thể đem thành tích của Tây Ban Nha để so sánh về độ vĩ đại.

Nhưng có một điều chắc chắn là nếu Tiqui-taca không thể trở thành một “di sản” chung cho bóng đá thế giới như sơ đồ 4-2-4 của Brazil hay vị trí libero của Đức một thời, thì nó cũng sẽ trở thành di sản của riêng nền bóng đá này.

Lối chơi tiêu tốn ít thể lực này sẽ cho phép các tuyển thủ La Roja thế hệ này chơi bóng đỉnh cao thêm nhiều năm nữa. Đó là một yếu tố hết sức quan trọng cho việc truyền bá di sản: những nhà vô địch sẽ có mặt để dẫn dắt và định hướng các thế hệ đàn em, tạo ra tính kế thừa.

Người Đức có thể lo ngại về tốc độ phi thường ở một Philipp Lahm khi 30 tuổi, người Bồ Đào Nha có thể sợ sức tranh chấp của một Meireles 31 tuổi, người Hà Lan có quyền lo ngại cho sức bền của Van der Vaart 31 tuổi. Nhưng người ta sẽ phải tự hỏi Xavi 34 tuổi sẽ khác bao nhiêu so với Xavi 32 tuổi, Alonso 32 tuổi liệu có kém hơn Alonso 30 tuổi? Đặc biệt là trong lối chơi chạy rất ít, chuyền rất nhiều, tăng tốc trong phạm vi ngắn kia?

3. Thủ thành huyền thoại Oliver Kahn nói đùa rằng có lẽ nên cấm Tây Ban Nha dự World Cup 2014. Đó xem ra không hẳn là một câu nói đùa.

Không thể nói trước điều gì. World Cup 2014 có thể sẽ là sân chơi của một nhà vua khác. Nhưng Tây Ban Nha đang tạo ra cảm giác bất an cho mọi đối thủ. Bởi thế hệ này của họ, với cái cách đá bóng hợp lý quá đỗi ấy, gần như không thể bị đánh bại, và đáng sợ nhất là họ còn có thể chơi như thế nhiều năm nữa.

Nếu may mắn hơn và thành công trong đào tạo, có thể chuyện sẽ còn dài nữa, dài hơn cả tuổi nghề của thế hệ Fabregas…

Đức Hoàng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục