Vòng loại Euro 2016: Châu Âu biến động

19:32 Thứ bảy 21/02/2015

Nửa chặng đường Vòng loại Euro 2016 đang bộc lộ điều bất ngờ khi ngoài Anh (bảng E) và Italia (H), các “đại gia” khác của bóng đá châu Âu đều vắng bóng trên ngôi đầu 7 bảng đấu còn lại, tạm nhường chỗ cho Áo, Israel, CH Séc, Slovakia, Ba Lan, Rumani và Đan Mạch. Các “đại gia” sa sút có phải vì họ “lãn công” trong bối cảnh vòng chung kết tăng từ 16 đội thành 24 đội?

Tăng suất, kém hay?

Thời Michel Platini còn thi đấu, châu Âu với 32 quốc gia thường có 9-10 suất ở vòng chung kết (VCK) World Cup, nhưng chỉ có 7 suất ở vòng chung kết EURO (không tính nước đăng cai). Khi World Cup mở rộng cho 24 đội từ Espana 1982, châu Âu thường có 13-14 đại diện, trong lúc đến EURO 1996 ở Anh, châu Âu mới có 16 đội. Nhưng từ khi mở rộng số đội dự vòng chung kết EURO, cuộc đua tranh ở vòng loại trở nên kém hấp dẫn.

Giờ đây, khi vòng chung kết quy tụ đến 24 đội, tức là chiếm đến phân nửa số đội tham gia vòng loại, trách sao những đại gia không “lề mề”, tự lơi chân một chút. Thể thức thi đấu cũng cho thấy sự “dễ dãi” bởi trong bảng có 6 đội thì 2 đội nhất, nhì bảng nghiễm nhiên đoạt vé, đội đứng thứ 3 có suất tranh play-off, thì việc gì vội vàng.

Thêm nữa, nhất bảng cũng chẳng được lợi gì trong lễ bốc thăm, khi Pháp và Đan Mạch đứng đầu vòng loại ở EURO 2012, nhưng bị liệt vào nhóm hạt giống thứ 4- nhóm bèo nhất.

* Giờ đây, khi vòng chung kết quy tụ đến 24 đội, tức là chiếm đến phân nửa số đội tham gia vòng loại, trách sao những đại gia không “lề mề”, tự lơi chân một chút.

Làn gió Đông Âu

Không thể phủ nhận là nhóm “nổi loạn” CH Séc, Israel, Slovakia, Ba Lan, Rumani, Áo và Đan Mạch có ít nhiều tiến bộ so với vòng loại ở các giải lớn gần đây nhưng xét cho cùng, hầu hết “đại gia” đều có những trục trặc nhất định, với một điểm chung là sự mệt mỏi khi phải vắt kiệt sức ở VCK World Cup 2014 tiếp sau một mùa bóng kéo dài.

Với thành tích toàn thắng sau 4 trận ở bảng A (trong đó có 3 chiến thắng 2-1 trước Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Iceland), CH Séc phần nào tìm lại hình ảnh lẫy lừng trong quá khứ. Nếu cầm hòa trên sân Iceland vào tháng 6, CH Séc cùng Hà Lan đua tay đôi. Và có lẽ khi đến Amsterdam lượt cuối, họ thừa điểm để cùng Hà Lan sang Pháp. Iceland nhiều khả năng chạm vị trí thứ 3 hơn Thổ Nhĩ Kỳ.

CH Séc trong chiến thắng đầy ấn tượng trước Hà Lan. Ảnh Internet

Dù chưa đụng Bỉ và Xứ Wales, việc Israel toàn thắng 3 trận, trong đó thắng Bosnia 3-0, tạm đứng đầu bảng B, có thể xem là một kỳ tích. Giới chuyên môn không lo lắng cho Bỉ khi 3 đội xếp trên họ là Israel (9 điểm), Xứ Gan (8 điểm), Síp (6 điểm). Tháng 3, khi đón Síp và chơi trên sân Israel, Bỉ dư sức giành ngôi đầu. Chiếc vé còn lại có thể thuộc về Xứ Gan.

Israel (phải) trong trận đấu đáng nhớ trước Bosnia-Herzegovina. Ảnh Internet

Slovakia gây ấn tượng ở bảng C, nhất là khi thắng Tây Ban Nha 2-1, trận thua đầu tiên của La Roja sau 36 trận vòng loại. Dù tạm nhì bảng với 9 điểm, ngang Ucraina, kém Slovakia 3 điểm, Tây Ban Nha vẫn dư sức đến Pháp. Ucraina có thể xếp thứ 3 nhờ sự hỗ trợ của “bị gạo” Macedonia, Belarus và Luxembourg.

Ba Lan gây bất ngờ ở bảng D khi có 10 điểm sau trận thắng Đức. Cùng có 7 điểm như Đức là Scotland và CH Ailen. Nhưng khi cơn khủng hoảng chấn thương vụt qua, Đức dư sức trở lại là chính họ. Nhiều khả năng Ba Lan cùng Đức đặt vé đi Paris, nhường vị trí thứ 3 lại cho “anh em” Scotland và CH Ailen.

Đại bàng trắng Ba Lan tung cánh ở bảng D. Ảnh Internet

Rumani đang chiếm lĩnh bảng F với 10 điểm sau 4 trận, trên Bắc Ailen (9 điểm), Hungary (7 điểm). Vé đi Pháp chắc thuộc về Rumani khi họ còn 2 trận chưa đá với “kho điểm” Faroes. Bắc Ailen lợi thế hơn Hungary khi từng thắng trên sân đối thủ. Hy Lạp nên giương cờ trắng sớm khi đứng chót bảng với chỉ 1 điểm khi thua 3 trận sân nhà trước Rumani, Bắc Ailen và cả Faroes.

Tạm dẫn đầu bảng G cho phép Áo mơ chuyện được góp mặt tại VCK Euro lần đầu tiên mà không cần là chủ nhà. Áo có những tiến bộ đáng kể dù HLV Marcel Koller cho rằng “thắng Nga 1-0 là quan trọng, nhưng còn xa mới mang tính quyết định”. Giờ đây, Nga phải chạy đua quyết liệt với Thụy Điển để giành ngôi nhì bảng, dù nếu thất bại họ có thể đè Montenegro tìm suất play-off.

Chiến thắng trước Nga được xem là một bước tiến quan trọng của Áo (phải). Ảnh Internet

Ngôi đầu bảng E khó thoát khỏi tay Anh, 12 điểm, khi nhóm bám sau (Slovenia, Thụy Sĩ và Litva) mới có 6 điểm. Ngôi nhì bảng có lẽ vẫn thuộc về Thụy Sĩ.

Đan Mạch đang dẫn đầu bảng I với 7 điểm (4 trận), trên Bồ Đào Nha (6 điểm, 3 trận) và cùng là ứng viên 2 suất vé chính thức. Sau khi bị trừ 3 điểm vì sự cố sân nhà với Albania, Serbia vẫn thừa năng lực giành suất play-off trước Albania và Armenia.

Croatia và Italia cùng thống trị bảng H với 10 điểm. Na Uy có thể lấy vé chính thức dành cho đội hạng 3 có thành tích tốt nhất, bởi Bulgaria đang sa sút tệ hại, còn Malta và Azerbaijan chỉ là kho cung cấp bàn thắng.

Ngân Vân, Nhật Tân | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục