VĐV tennis làm gì sau khi giải nghệ

09:44 Thứ hai 23/02/2015

Trước khi đi đến quyết định giải nghệ khoảng 1 năm, Li Na đã quyết định gửi tiết kiệm ngân hàng khoảng 16 triệu bảng, số tiền mà cô kiếm được trong sự nghiệp thi đấu đỉnh cao đủ để duy trì cuộc sống sung túc một thời gian dài.

Nghề tay trái

“Tôi có thể lường trước tương lai sau khi giải nghệ, nhưng lại chẳng biết điều gì sẽ đến với mình nữa!”, Jamie Baker bắt đầu tâm sự.

Li Na là tay vợt nữ từng giành được 2 chức vô địch Grand Slam, thường được xưng tụng như VĐV tennis vĩ đại nhất châu Á mọi thời. Còn Jamie Baker là tay vợt nam người Anh, từng đạt thứ hạng 186 trên BXH ATP và thường xuyên góp mặt trong thành phần ĐT tennis vương quốc Anh dự Davis Cup.

Sau khi giã từ sự nghiệp tennis, Jamie Baker đang yên phận với một công việc trong lĩnh vực ngân hàng

Cả hai người này đều phải giải nghệ khi sự nghiệp đang thăng hoa do những chấn thương liên miên. Nhưng khác với Li Na, số tiền Baker kiếm được suốt 9 năm qua khá khiêm tốn: 360 nghìn bảng, kéo theo sự tương phản trong cuộc sống hậu quần vợt của họ.

Không phải thương hiệu thể thao hàng đầu, cũng chẳng có sự hậu thuẫn và đỡ đầu từ nhiều nguồn tài trợ như Li Na, vì vậy Baker rất chật vật tìm kiếm công việc mới, chứ đừng nói là mơ đến công việc có thu nhập tương đương với thù lao thi đấu tennis.

Rốt cục, anh cũng kiếm được một “chân” trong lĩnh vực ngân hàng ở nhà băng Santander nhờ sự tư vấn của bà Rachel Newnham, thành viên thuộc Hiệp hội hỗ trợ VĐV tennis (LTA).

Theo Newnham, “các VĐV tennis gồm nhiều trình độ khác nhau, nhưng chung quy lại họ đến với banh nỉ sớm và bỏ bê việc học hành. Trong tâm trí họ luôn có suy nghĩ đại loại như: Tennis hoặc không gì cả. Ngay cả khi giải nghệ, họ cũng sẽ phấn đấu gắn bó với tennis trên cương vị HLV chẳng hạn”.

Newnham nhận ra sự khác biệt từ Baker. HLV tennis chưa bao giờ là mục tiêu của anh ta, công với gia đình có mối liên hệ mật thiết với lĩnh vực tài chính-kinh doanh, (anh trai Baker là một thương gia), vì vậy bà gợi ý Baker nên chuyển sang con đường khác sáng sủa hơn tennis.

“Tôi dám thay đổi, dám từ giã tennis, vấn đề là khi nào mà thôi!”, Baker nói, “Chẳng việc gì phải xấu hổ cả, hãy lên kế hoạch B nếu bạn đang chật vật với sự nghiệp thể thao, biết đâu bạn lại tìm được con đường mới!”.

Tiếp tục gắn bó với nghiệp banh nỉ

Nhà vô địch giải trẻ US Open năm 2011 - Oliver Golding quyết định giã từ sự nghiệp thi đấu ở tuổi 21 để chuyển sang công tác huấn luyện

Như đề cập, những VĐV tennis thường gắn bó với banh nỉ trên cương vị HLV. Trong một cuộc khảo sát mới đây, có đến 80% người được hỏi đã lựa chọn hướng đi này. Oliver Golding, nhà vô địch giải trẻ US Open năm 2011 là ví dụ. Tháng 12 vừa qua, Golding bất ngờ tuyên bố giải nghệ ở tuổi 21 để làm việc cho công ty chuyên cung cấp các HLV tennis của mẹ anh.

Martin Lee, tay vợt từng giành thứ hạng 29 trên BXH ATP quyết định “tầm sư học đạo” người cha có thâm niên 40 năm làm nghề HLV tennis ở tuổi 37. Với những kinh nghiệm thu thập được, anh cùng người bạn tên Delgado mở một trung tâm đào tạo VĐV tennis chuyên nghiệp có tên Living Tennis.

Sau 3 năm hoạt động, trung tâm đã ra đời thêm 8 cơ sở trên khắp nước Anh (bên cạnh cơ sở chính ở Trung tâm thể thao Quốc gia Bisham), tiếp nhận hàng nghìn trẻ em yêu thích banh nỉ với doanh thu khổng lồ.

Những điều tốt đẹp tennis mang lại

Bà Rachel Newnham khẳng định, mặc dù các VĐV tennis thường hạn chế về bằng cấp giáo dục do phải theo đuổi nghiệp này từ sớm, nhưng những kĩ năng thu nhặt được trong suốt sự nghiệp thừa sức đáp ứng nhu cầu của nhiều ngành nghề khác.

“Người xưa nói: Có những thứ trường học không dạy bạn. Sự cầu tiến, khả năng lãnh đạo, làm việc nhóm, khả năng tập trung cũng như thích nghi với mọi môi trường chính là yêu cầu đó, hết sức cơ bản dành cho người làm việc mà bạn có thể học ở “trường đời”, không cần qua sách vở gì hết”.

Để chứng minh, bà lấy ví dụ về Tara Moore, 22 tuổi, nữ VĐV tennis đang xếp thứ 6 nước Anh. Bắt đầu cầm vợt từ năm 6 tuổi, nhưng có vẻ Tara Moore lại không có duyên với tennis đỉnh cao. Moore hiểu rằng, cô cần phải nghĩ tương lai khác cho mình, ngoài việc cầu mong may mắn đến trong sự nghiệp.

Tara Moore sẵn sàng cho cuộc sống "hậu tennis" với những kĩ năng thu thập được trong suốt sự nghiệp

“Tôi đã bị LTA cắt nguồn tài trợ vào tháng 12 năm ngoái. Nếu bạn nằm ngoài top 100 hay 200, bạn sẽ đối mặt với kết cục như vậy, không kiếm được tiền và nghèo khổ. Điều đó thật khó khăn và đáng sợ làm sao”, trích lời Tara Moore, “Đúng thời điểm ấy, Rachel Newnham đã đến và khuyên tôi nên lạc quan với tương lai. Với những kĩ năng thu nhặt được từ tennis, tôi hoàn toàn tự tin tìm kiếm một công việc khác!”.

Dù thừa nhận rất mệt mỏi trong công tác quản lí cùng cường độ làm việc chóng mặt 12 giờ/ngày, 7 ngày/tuần, Martin Lee lại không hề hối hận về lựa chọn của mình.

“Là VĐV tennis, bạn chỉ nghĩ đến cá nhân, bạn có quyền ích kỉ với số tiền thưởng cho mỗi giải đấu mình tham dự. Là nhà quản lí tennis, điều duy nhất bạn nghĩ đến là tập thể. Bạn phải đảm bảo có đủ tiền để trả cho lượng nhân viên được thuê, phải thường xuyên lên một thời gian biểu, kế hoạch chung cho cả trung tâm. Nhưng điều đó có hề gì khi tôi được sống sung túc trong ít nhất 10 năm nữa, mà lại có thể gắn bó với tennis!”.

Cựu tay vợt Martin Lee hiện đang rất thành công với trung tâm huấn luyện Living tennis do anh sáng lập

Nói về điều này, Jamie Baker cũng tỏ ra khá hào hứng bởi ít nhất, anh có sự ổn định đáng kể và không rơi vào tình trạng bế tắc như những người đồng cảnh ngộ: “Tôi biết phải nói chuyện với ai, phải làm sao để tìm kiếm được càng nhiều khách hàng càng tốt, phải làm việc ra sao với lĩnh vực cổ phiếu!”. Giờ đây, Baker, 28 tuổi đã trở thành hình mẫu lí tưởng cho bất cứ VĐV có nguyện vọng giã từ tennis chuyên nghiệp.

Sự nghiệp thể thao, cụ thể là tennis thường rất ngắn. Gắn bó hay từ bỏ tùy vào hoàn cảnh, lựa chọn của các VĐV. Và dù thế nào đi chăng nữa, họ cũng phải biết ơn những gì mà trái banh nỉ mang lại cho mình, như lời tâm sự của Jamie Baker:

“Tennis đã giúp tôi chuẩn bị cho những gì sắp diễn ra. Thật vui khi được trải nghiệm cuộc sống hiện tại và hy vọng trong 10, 15 năm nữa, cuộc đời tôi sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn”.

Đỗ Anh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục