V-League không có tiền từ truyền hình?

01:30 Thứ bảy 27/12/2014

Chiếm đến 60% doanh thu, bản quyền truyền hình luôn là nguồn thu chính của bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới. Quan trọng hơn, nguồn thu này ngày càng tăng do có thêm hoạt động trên môi trường internet cũng như tính chất giải trí cao của bóng đá.

Nếu khai thác tốt, bản quyền truyền hình các trận đấu sẽ là nguồn thu rất lớn.

Để biết tiền bản quyền truyền hình đối với bóng đá Việt Nam quan trọng như thế nào, chúng ta quay về thời điểm cuối năm 2012, Công ty VPF (đơn vị quản lý điều hành các giải đấu) công bố lãi đến 60 tỷ đồng nhờ trước đó giành chiến thắng trong “cuộc chiến bản quyền” với AVG. Nhưng đến cuối năm 2013, tiền lãi của VPF chỉ còn 3,4 tỷ đồng. Lý do, sau khi bầu Kiên không còn làm việc tại VPF và Hội đồng bảo trợ tài chính do ông này dựng lên cũng không tồn tại thì gần như không có tiền từ bản quyền truyền hình. Dự kiến ngày mai 27-12, VPF sẽ công bố báo cáo tài chính năm 2014 nhưng chắc chắn là tiền từ bản quyền cũng chẳng đáng là bao, chính vì thế mà VPF đã cho biết sẽ giảm nhiều khoản thưởng của mùa bóng 2015.

Dù chưa được kiểm chứng nhưng ngay từ khi giành được quyền sở hữu bản quyền truyền hình, một ông bầu trước đây từng tuyên bố riêng khoản này sẽ có tối thiểu 100 tỷ đồng/năm và các CLB sẽ nhận ít nhất 5 tỷ đồng từ truyền hình. Theo tính toán lúc đó, những CLB hàng đầu, có số trận đấu được truyền hình trực tiếp nhiều trên đài quốc gia, sẽ có doanh thu bình quân ít nhất 20 tỷ đồng/năm từ truyền hình và tiền thưởng thắng trận. Một đội vô địch V-League khi đó có thể kiếm được 25 tỷ đồng từ nhà tổ chức, chưa kể khoản thu do chính CLB tự kinh doanh. Với phép tính đó, các đội bóng “sống khỏe” với bóng đá chuyên nghiệp.

Nó không chạy đi đâu cả, chỉ có điều không ai lấy. Theo thỏa thuận khung giữa VPF và các đài truyền hình (đặc biệt là VTV và truyền hình trả tiền) thì các đài sẽ không phải trả tiền nhưng phải dành sóng quảng cáo trước, trong và sau trận đấu cho VPF bán lấy tiền. Trên thực tế, các đài truyền hình chẳng mất gì bởi các khung giờ phát bóng đá (từ 16 giờ đến 18 giờ) rất kén quảng cáo, lại ít chương trình. Với những đài truyền hình trả tiền, họ thậm chí còn được hưởng lợi từ phát triển thuê bao ở những địa phương có đội dự V-League.

Trên lý thuyết, với thời lượng quảng cáo lên đến gần 40 phút/trận, nguồn thu từ truyền hình có thể lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi mùa giải. Vấn đề là để có khoản tiền đó, VPF phải kinh doanh được quảng cáo. Thế nhưng, trong 2 mùa giải liên tiếp gần đây, con số này gần như bằng 0. Sóng quảng cáo chủ yếu là để phục vụ cho các nhà tài trợ của giải chứ không phải là phần thu tách biệt.

Tuy nhiên, do chất lượng thi đấu hiện nay, tỷ suất người xem bóng đá trên truyền hình khá ít ỏi, không được xếp hạng theo dõi nên có muốn bán quảng cáo cũng chẳng được. Như vậy, để có nguồn thu truyền hình dù là đến từ quảng cáo hay “tiền tươi thóc thật” của các nhà đài thì điều kiện tiên quyết là phải có người xem. Mà muốn được như vậy, ngoài việc VPF phải quảng bá, kinh doanh tốt hơn thì các CLB phải nỗ lực thi đấu đẹp mắt, hấp dẫn hơn.

* Đại diện một CLB lớn tại V-League cho biết, không quan tâm nhiều đến nguồn thu từ bản quyền truyền hình. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, mùa trước CLB của ông được truyền hình đến 90% số trận đấu và điều này sẽ giúp cho công tác quảng bá thương hiệu của nhà tài trợ CLB đạt hiệu quả.
Khang Việt | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục