Tình yêu và sự giận dữ...

07:49 Thứ ba 03/06/2014

Bóng đá ở Sao Paulo là thế này đây: khi dân giàu có thể mua vé với giá 180 real (1,7 triệu đồng VN) hí hửng vào sân xem bóng đá thì những người nghèo đứng co ro ở góc đường tụ tập “xem cọp” truyền hình trực tiếp.

“Sân đẹp quá bố ơi!”, cô bé Juliana (11 tuổi) nói và nắm chặt tay ông Pedro Cesar, một cựu doanh nhân ngành công nghệ, khi hai cha con vào sân vận động Corinthians Arena ở phía đông thành phố xem trận đấu giữa hai CLB Corinthians và Botafogo sáng 2-6 (giờ VN).

Nỗi lo từ sân khai mạc World Cup

Trận đấu được tổ chức cũng nhằm kiểm tra sân trước khi diễn ra trận khai mạc World Cup giữa Brazil và Croatia ngày 12-6. Dù vậy, sân này đã không kịp hoàn thiện 100% để phục vụ cho cuộc kiểm tra. Theo quan sát của PV Tuổi Trẻ, một vài khu vực khán đài trống hoác vì còn phải lắp đặt hoàn chỉnh, hệ thống đường truyền Internet rất chập chờn và ngay cả bộ mặt của sân - phần khán đài phía sau cầu môn hướng ra đường ray tàu điện - vẫn phô bày những khung thép chứ chưa kịp che chắn chỉnh trang cho mỹ quan hơn.

Những CĐV có tiền mua vé vào sân Corinthians xem đá bóng hào hứng... Ảnh: TR.N.

Đáng nói nhất là những lối đi dành cho CĐV vào sân được rào chắn, phân cách rất “thiếu kinh nghiệm” như lời anh Thiago (thành viên CLB người hâm mộ Corinthians) khiến anh và nhóm bạn phải bực tức la ó cảnh sát. “Họ không linh động giải tỏa dòng người như thế này thì chúng tôi vào sân chậm mất!” - Thiago nói. Chúng tôi thông cảm với anh, bởi chỉ có 37.000 khán giả đến sân trong đợt kiểm tra cuối cùng mà còn ùn tắc thì khi World Cup diễn ra, sân Corinthians đón 68.000 khán giả sẽ còn “mệt mỏi” hơn
rất nhiều!

Chỉ 48% dân Brazil ủng hộ

Một cuộc thăm dò đăng trên báo chí địa phương mới nhất cho thấy chỉ còn 48% người Brazil ủng hộ giải đấu, trong khi năm 2008 con số này là 78%!

Việc sân Corinthians quy hoạch kém, thi công chậm trễ tiến độ, chi phí đội lên cao và hai vụ tai nạn trong quá trình xây dựng làm ba công nhân thiệt mạng đã khiến CĐV nổi giận và xem là “vết nhơ của thành phố” như lời ta thán rầu rĩ của bác tài xế xe buýt Silva.

Ông Silva nói với nhóm du khách quốc tế ở đại lộ Paulista khu trung tâm thành phố rằng ông không ủng hộ việc đình công hay biểu tình trong mùa World Cup “vì cần giữ thể diện quốc gia”, nhưng có một sự thật không thể chối cãi là một bộ phận đông đảo người dân Brazil đã quá ngán ngẩm và bất bình với sự thờ ơ của chính phủ đối với dân nghèo cũng như nạn tham nhũng, hoang phí.

“Ở Sao Paulo, hố ngăn cách giàu nghèo giữa các tầng lớp dân chúng rất khủng khiếp và có rất nhiều vấn nạn ở đây. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy điều đó khi theo dõi World Cup. Nhưng thật ra vấn nạn đã có từ lâu mà chính phủ không thể giải quyết được chứ không phải mọi “tội lỗi” đều từ World Cup” - cựu doanh nhân Pedro thừa nhận.

Du khách đến đây có thể đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi vừa mới choáng ngợp trước vẻ xa hoa của đại lộ Berrini - tức trung tâm tài chính mới - thì đã tặc lưỡi khi tận mắt nhìn thấy những khu nhà lụp xụp, ổ chuột gần sân Corinthians quá tồi tàn.

Và những CĐV nghèo tụ tập xem truyền hình trực tiếp ở góc đường Ảnh: TR.N.

Tình yêu bóng đá của người Sao Paulo nói riêng và Brazil nói chung chắc chắn sẽ hâm nóng mảnh đất này trong mùa World Cup. “Chúng tôi dù giàu hay nghèo vẫn cổ vũ cho đội tuyển nhà vô địch” - ông Benício làm nghề chở hàng cho một sạp tạp phẩm nói khi đứng xem bóng đá qua truyền hình ở cửa hiệu điện tử góc đường Ramos và Xavier Toledo. Đám đông người già, thanh niên đứng xung quanh ông Benício đều là những người mê bóng đá nhưng không bao giờ dám mơ đến việc đến sân vận động. Họ sẵn sàng đứng gần hai giờ giữa trời chiều lạnh giá để dán mắt vào trận đấu.

Chúng tôi chợt nhớ tên gọi thành phố Sao Paulo có nghĩa là “Thánh Paul”. “Thánh Paul” đang nghĩ gì khi World Cup khiến các con chiên của người chia hai nửa yêu thương và giận dữ? Có lẽ, chỉ có chiến thắng của tuyển Brazil tại World Cup mới mang lại sự hàn gắn phần nào.

Khoảng cách giàu nghèo

Một chiếc vé vào sân Corinthians hôm 2-6 được bán chính thức giá 180 real nhưng tay phe vé chợ đen mà PV Tuổi Trẻ thử hỏi mua đã hét lên 300 real (2,8 triệu đồng). Còn với những chiếc vé World Cup đắt đỏ hàng trăm USD thì càng xa vời đối với đại bộ phận người dân. “Tôi sẽ xem World Cup qua truyền hình ở đây hoặc các quán nhậu mà thôi” - ông Benício bảo.
Trung Nghĩa | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục