Cuộc chiến bản quyền truyền hình Bóng đá Việt Nam: Cái lí là cái lí nào? (Kì I)

19:49 Thứ hai 20/02/2012

Sau khi có kết luận của Thanh tra Bộ VH-TT và DL, cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình của bóng đá Việt Nam vẫn chưa kết thúc. Bởi chỉ 1 ngày sau khi kết luận của Thanh tra được công bố, VPF đã ngay lập tức gửi đơn khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ VH-TT và DL cũng như Tổng thanh tra Chính phủ. Chỉ có điều ở khía cạnh nào đó lá đơn vội vã này của VPF đúng là một hành động kiểu Chí Phèo đúng như PCT VFF ông Nguyễn Hùng Dũng nhận định…

Trong lá đơn của mình (công văn số 60/CV/VPF/2012), VPF đề nghị làm rõ 3 vấn đề. Thứ nhất là quyền của LĐBĐ Việt Nam đối với các Giải bóng đá do LĐBĐ Việt Nam tổ chức và thẩm quyền kí HĐ của LĐBĐ Việt Nam. VPF tiếp tục bảo lưu quan điểm các CLB là đồng sở hữu bản quyền truyền hình. Cụ thể VPF trích khoản 2, Điều 53 Luật Thể dục, thể thao: “LĐ thể thao quốc gia, CLB thể thao chuyên nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác tổ chức giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp là chủ sở hữu giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp do mình tổ chức”. Thực tế, đây chính là điều khoản đã được Thanh tra Bộ VH-TT và DL cũng như Bộ Tư pháp sử dụng để khẳng định VFF sở hữu toàn bộ thương quyền.

Ở đây, VPF đã cố tình không hiểu luận điểm “sở hữu giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp do mình tổ chức”. Giải VĐQG do LĐBĐ Việt Nam tổ chức đương nhiên nó thuộc sở hữu của VFF (cần nhớ rằng các CLB là người tham gia chứ không phải tổ chức). Các CLB thể thao hay các cá nhân sẽ chỉ là sở hữu khi họ đứng ra tổ chức giải. Ví dụ như Navibank SG đứng ra tổ chức Navibank 2011 vừa qua thì đó là thuộc sở hữu của Navibank SG. Nếu hiểu theo cách của VPF thì khoản 2, 53 Luật Thể dục, thể thao sẽ có nghĩa là các cầu thủ (tức là các cá nhân) cũng sở hữu thương quyền của giải đấu!? Ở luận điểm các CLB cũng là đồng sở hữu VPF còn sử dụng khoản 1, điều 74 Điều lệ (sửa đổi bổ sung) LĐBĐ Việt Nam làm lí lẽ bảo vệ. Nhưng người viết không đi sâu vào phân tích điều này đơn giản bởi Luật là văn bản có tính chất pháp lý hơn cả (chỉ sau Hiến pháp).

Tương tự như thế các bằng chứng mà VPF đưa ra để cho rằng VFF không được tự mình quyết định thương quyền đều rất thiếu thuyết phục. Nếu đọc kĩ 2 điều khoản mà VPF trích từ Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sẽ thấy chẳng có dòng nào, chữ nào khẳng định VFF chia sẻ thương quyền với các CLB (chỉ là chia sẻ lợi nhuận). Như vậy, cũng đồng nghĩa việc VPF viện dẫn Khoản 1 và 2, Điều 169 của Bộ Luật dân sự quy định quyền sở hữu để nói rằng LĐBĐ VN không được tự quyền là không có cơ sở pháp luật.


Vấn đề thứ hai mà VPF đưa ra là quyền sở hữu thương quyền của các ĐTQG. Sau khi thất bại trong chiêu bài “Luật đấu thầu”, lần này bầu Kiên và các cộng sự dùng chiêu mới là Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước để cho rằng việc VFF bán thương quyền ĐTQG không thông qua đấu giá là sai. Tuy nhiên, điều đáng nói là ngay ở Điều 1 của Luật quản lý sử dụng tài sản Nhà nước về phạm vi điều chỉnh của điều này đã có thể thấy thương quyền ĐTQG không thuộc phạm vi Luật này điều chỉnh: “Luật này quy định chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị), bao gồm trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất; quyền sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác do pháp luật quy định.”. Bởi cho đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định thương quyền ĐTQG là tài sản nhà nước (thuộc nhóm tài sản khác được bôi đen).

Hơn nữa, theo thông lệ của FIFA, ĐTQG là phải gắn liền với LĐBĐ chứ không phải Chính phủ. Thế mới có chuyện khi LĐBĐ bị Chính phủ can thiệp, FIFA lập tức cấm mọi hoạt động của các ĐTQG nước đó. Tức là có LĐBĐ thì có ĐTQG, còn nếu không ĐTQG chỉ là ĐTQG “chui”.

Bên cạnh đó, nên nhớ rằng, thương quyền ĐTQG với 1 đội tuyển như ĐT Việt Nam cũng không mang nhiều giá trị. Bởi đối với các giải đấu chính thức như Sea Games, AFF Cup, AFC Cup, Olympic rồi World Cup thì quyền bản quyền truyền hình không thuộc về VFF, mà nó thuộc về các tổ chức đứng ra tổ chức. Nên thương quyền ĐTQG ở đây chỉ có giá trị ở các trận đấu giao hữu hay các giải giao hữu VFF đứng ra tổ chức. Hãy thử nhẩm tính một năm ĐT Việt Nam đá được mấy trận kiểu này, và các trận đấu kiểu này rõ ràng chẳng phải món hàng hot!

Điểm thứ 3 mà VPF “đánh” là việc LĐBĐ Việt Nam có chủ trương ký thương quyền bóng đá các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và thương quyền của các ĐTQG với thời hạn 20 năm mà không công khai đến Đài truyền hình quốc gia VN và các đài truyền hình khác. Trong vấn đề này VPF muốn sử dụng “tình” hơn là “lý” để thuyết phục các cấp có thẩm quyền xem xét lại hợp đồng giữa VFF và AVG, vì ở đây họ không còn đưa ra bất cứ một điều khoản pháp luật nào quy định. Tiếc rằng ngay cả ở luận điểm này cả tình và lý VPF cũng đều đuối. Chỉ cần google, bạn có thể thấy việc AVG muốn kí hợp đòng độc quyền với các LĐ thể thao quốc gia trong 20 năm (trong đó có LĐBĐ VN) có đầy rẫy trên phương tiện thông tin đại chúng từ khi chúng mới là ý tưởng.

Như vậy, thật khó mà nó VTV hay bất kì đài nào khác không biết về vấn đề này. Có chăng do đây không phải miếng ngon nên chẳng nhà đài nào tham gia cạnh tranh hoặc có thể do tầm nhìn chiến lược kinh doanh của các đơn vị này kém hơn AVG nên đã không nhảy vào cuộc chơi. Tóm lại là nếu chiếu theo quan điểm kinh doanh thì đây hoàn toàn là lỗi của VTC, VTV...khi họ không cạnh tranh được với đối thủ mà thôi. Chẳng có lỗi của AVG hay VFF ở đây. Cần phải nhấn mạnh rằng trong 1 bài viết trước đây người viết đã viết thì trước khi AVG xuất hiện, VFF chỉ thu được số điền bản quyền truyền hình hết sức bèo bọt, tượng trưng từ VTV, VTC (900 triệu đồng/mùa). Nên việc VFF kí hợp đồng với một đối tác trả cao hơn nhiều lần cũng chẳng có gì khó hiểu.

Một cú “phản đòn” của VPF. Tiếc rằng nó quá thiếu cơ sở pháp lý. Nên xem ra khó có thể xoay chuyển tình hình, mà ngược lại chỉ làm rối ren thêm nền bóng đá mà thôi. Khi dư luận ủng hộ thành lập VPF, đơn giản họ tin vào cái lí của VPF. Nhưng ở thời điểm này cái cơ sở pháp lý không thuộc về tổ chức này. Chúng ta sống và làm việc dựa trên Hiến pháp và pháp luật. Còn VPF cứ chạy theo quan điểm của riêng mình thì thật ra đúng là chẳng khác nào một chàng Chí!

Kì II: Nghệ thuật của bầu Kiên
Đức Phan | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục