Cử tạ Việt Nam cần gì?

09:05 Thứ năm 02/05/2013

Giải vô địch cử tạ thiếu niên toàn quốc năm 2013 diễn ra từ ngày 16/4 đến 21/4 tại thành phố Nha Trang (Khánh Hoà).

Hơn 140 VĐV ở lứa tuổi 13-16 của 18 đơn vị địa phương trong cả nước đã tham gia thi đấu theo quy định phân loại lứa tuổi của Luật Thi đấu của Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF). Nói như vậy để thấy được sự phát triển của cử tạ Việt Nam trong gần 20 năm qua.

Điều kiện tập luyện của những VĐV cử tạ như Thạch Kim Tuấn vẫn chưa được xem là thực sự lý tưởng. Ảnh: B.D

1. 2 năm trước Đại hội TDTT toàn quốc 1995, tôi nhận nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phát triển môn cử tạ ở Việt Nam để chuẩn bị tổ chức thi đấu trong Đại hội toàn quốc. Lúc đó chỉ có TP.HCM và Hà Nội có VĐV cử tạ. Cuộc thi đấu đầu tiên đó chỉ có 27 VĐV…

Năm 1998, Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về đào tạo VĐV thể thao trong đó có cử tạ. Thanh Hoá, Hải Phòng, Trường Đại học TDTT Từ Sơn… là những đơn vị đầu tiên đào tạo VĐV cử tạ theo chương trình này.

18 năm qua, cử tạ Việt Nam đã “vật vã” vượt qua bao “rào cản” về nhận thức, về đầu tư cơ sở vật chất… để tìm kiếm con đường phát triển, để vươn lên trình độ châu lục, thế giới và Olympic.

Bây giờ thì không chỉ TP.HCM, Hà Nội có nhiều VĐV thành tích cao mà đã có những lớp VĐV tài năng trẻ của Hải Phòng, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Hải Dương, những năm gần đây có thêm Yên Bái, Lào Cai, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đắc Lắc, Khánh Hoà, Nghệ An…

Đồng bằng sông Cửu Long với kế hoạch táo bạo của ông Trần Chí Quân (nguyên Giám đốc Sở TDTT Sóc Trăng) ngay từ cuối những năm 90 đã tuyển chọn và xây dựng đội VĐV cử tạ đầu tiên ở Sóc Trăng và từ đó một Trung tâm đào tạo VĐV cử tạ đã được phát triển ở Tiền Giang (Tiền Giang đã giành được 4 HCV trong giải vô địch lần này). Thanh Hoá lần đầu tiên vượt qua Hà Nội về số lượng HCV (11/8 HCV) xếp thứ nhì toàn đoàn sau TP.HCM.

2. Trong 5 ngày thi đấu tôi được gặp lại những HLV, VĐV của những năm 90 của thế kỷ trước: La Quốc Cường, Võ Ngọc Toàn, Huỳnh Hữu Chí (TP.HCM), những nhà vô địch SEA Games, giành huy chương châu lục và thế giới như: Nguyễn Quốc Thanh, Nguyễn Thị Thiết, Hoàng Anh Tuấn… Các VĐV ĐTQG cũ như Lưu Nguyễn, Phan Văn Thiện (TP.HCM 1), Bích Vân (Hải Phòng)…

Họ đều có mặt ở đây với công việc và cương vị mới: nhà tổ chức, trọng tài quốc gia và quốc tế, HLV đào tạo thế hệ VĐV mới.. Thật thú vị và cảm động, mỗi người một hoàn cảnh, họ kể cho tôi nghe những khó khăn cực nhọc của “nghề cử tạ” nhưng tất cả đều thể hiện niềm đam mê, lòng hăng hái và sự phát triển đỉnh cao của cử tạ Việt Nam.

3. Đầu tháng 4/2013, cử tạ Việt Nam đả giành được 3 suất chính thức tham dự Đại hội Olympic trẻ năm 2014 (Nam Kinh - Trung Quốc) tại giải vô địch cử tạ trẻ thế giới 2013 (Tashkent-Uzbekistan). Đây cũng là cuộc thi vòng loại Olympic trẻ với sự góp mặt của 446 lực sĩ từ 52 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chúng ta còn nhớ năm 2010, trong cuộc thi Olympic trẻ lần thứ nhất (Singapore) lực sĩ trẻ Thạch Kim Tuấn (hạng 56kg) đã giành HCV; trước khi giành HCB tại Olympic Bắc Kinh, lực sĩ Hoàng Anh Tuấn cũng đã giành HCV ở giải trẻ thế giới và HCB giải vô địch thế giới… Lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn (thứ 4 Olympic London) cũng đã giành huy chương trong một vài cuộc thi châu lục và thế giới.

Như vậy có thể thấy cử tạ Việt Nam là một trong số rất ít môn thể thao Olympic chỉ sau một khoảng thời gian không dài (chưa đến 20 năm) đã phát triển đúng hướng và đạt đến tầm châu lục, thế giới và Olympic.

4. Tuy nhiên, phía sau những thành tích đó phong trào cử tạ Việt Nam tồn tại quá nhiều “bất ngờ” với những người hâm mộ thể thao. Hiện nay, ngoại trừ Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia I (Hà Nội) và Trung tâm Phú Thọ (TP.HCM) là có đủ dụng cụ tập luyện và nhà tập chuyên dùng, còn tất cả các địa phương đều trong tình trạng “tay không bắt giặc”.

Phòng tập ở dưới gầm SVĐ, là gara ôtô, là nhà trọ đi thuê, là sân ngoài trời… tất cả chỉ có nền đất, nền xi măng trải lót đệm cao su, nóng bức, bụi bặm và môi trường ô nhiễm, không có khung sàn gỗ, không có thiết bị bổ trợ, không có chăm sóc kiểm tra y học; lực sĩ cử tạ chịu tải hàng trăm tấn trọng lượng/ tháng cũng chỉ ăn uống phần lớn ở khoảng 80-90.000đ/ngày, thậm chí có nơi chỉ có 50.000đ/ngày…

Nhiều cấp quản lý dường như vô cảm với cử tạ. Lãnh đạo thể thao-văn hoá của một tỉnh ở miền Trung du chỉ chi 15 triệu cho một HLV và 3 VĐV đi thi đấu ở Nha Trang (chỉ có 15 triệu thôi đi thì đi không đi thì thôi). Cựu vô địch quốc gia, tuyển thủ dự thi Olympic Athens Nguyễn Thị Thiết ứa nước mắt kể cho tôi nghe sự khó khăn thiếu thốn của VĐV nơi chị huấn luyện.

Ở cấp độ quốc gia có nhà lãnh đạo - sau thất bại của cử tạ tại Olympic London - đã rơi vào tâm trạng hoài nghi: Đầu tư nhiều tiền không biết có giành được huy chương không?

5. Từ những tài năng trẻ đến nhà vô địch châu lục thế giới và Olympic là một chặng đường dài với một hệ thống đào tạo huấn luyện chặt chẽ, với sự chăm nom bồi dưỡng khoa học và tỷ mỉ. Thế giới đều làm theo “quy luật” đó mới mong có huy chương Olympic - 10 năm gần đây cử tạ thế giới muốn có thành tích còn cần phải có "công nghệ dùng thuốc" (tôi tạm gọi như vậy) không dùng thuốc không có HCV, nhưng dùng thuốc gì đây?

Dùng doping thì bị cấm, phát hiện ra thì bị tước huy chương và nguy hại hơn là dùng doping thì làm hại cuộc đời các VĐV và vi phạm đạo đức thể thao. Vậy làm thế nào để có thuốc tốt để nâng cao thành tích? Đó là thách thức lớn. Những nhà lãnh đạo và quản lý thể thao phải giải quyết những tồn tại và thách thức trên thì cử tạ Việt Nam và kể các môn thể thao khác mới có thể giành được HCV Olympic.

Nguyễn Hồng Minh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục