Bóng đá Việt: Yêu nhưng không kỳ vọng

14:38 Thứ bảy 02/02/2013

Ba trận giao hữu ít ỏi đã qua, đội tuyển quốc gia Việt nam phiên bản mới đã có được những kết quả tích cực về mặt tỷ số. Tuy nhiên, nếu có điều gì đó mà những người vẫn ủng hộ đội tuyển cho tới lúc này cảm thấy hài lòng, đó có lẽ là “ngọn lửa tinh thần”- thứ đã mất tích trong năm 2012 tệ hại vừa qua. Nói cho cùng, trong vòng luẩn quẩn chắc chắn là còn dài vô thời hạn của những định kiến và định hướng như bây giờ, kỳ vọng vào một sự lột xác hoàn toàn là phi thực tế, song, ánh sáng mới không phải là không có.

Tiếc nuối nhân tài

Những cầu thủ chơi hết mình và luôn cống hiến vô tư cho màu cờ sắc áo không bao giờ có lỗi khi chúng ta thất bại. Nhìn rộng ra, dù trong đợt tập trung nào, việc một cầu thủ được triệu tập để đại diện cho Tổ quốc một phần vì họ có thực lực so với các cầu thủ trong nước khác, một phần đó là cái nhìn chủ quan, sự chọn lựa chủ động thuộc về các lãnh đạo, huấn luyện viên. Thành tích không như ý ở một số giải đấu đã qua là kết quả của một “dây truyền sản xuất” nghiệp dư gắn mắc chuyên nghiệp, của cả một nền bóng đá, một tổng quan xã hội, chứ chẳng phải của riêng một cá nhân nào.

Sự cố gắng và hết mình nên được ghi nhận từ người hâm mộ. Ảnh: Internet.

Đã qua lâu rồi thế hệ Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Văn Sỹ Hùng, Việt Thắng… tố chất của những con người ấy là không phải nghi ngờ, chỉ là thiếu một môi trường phát triển bóng đá hiện đại, những chế độ tối ưu để hoàn thiện họ. Những thiếu thốn được khỏa lấp dần, sự thích ứng với thời đại cũng tăng lên, và lứa cầu thủ Văn Quyến, Quốc Vượng, Minh Phương, Tài Em, Quốc Anh là một “thế hệ vàng” thực sự, xuất sắc về chuyên môn, có những cái hay, cái khéo của người Việt, có thêm sự tự tin, độ tinh quái của môi trường hội nhập, lứa cầu thủ mà rất ít người có thể quên.

Phải có một cái thở dài khi nghĩ về giai đoạn ấy, không có chức vô địch, nhưng cảm giác rằng chúng ta đã bước chân lên một tầm mới, rằng thành công sẽ đến không sớm thì muộn với sự tài năng của các cầu thủ. Nhưng, trong một xã hội mà con người luôn đứng giữa khó khăn và lợi ích, đồng tiền có thể xoay chuyển bất cứ lĩnh vực nào, vụ bán độ đó đã chìm đi, nhưng hậu quả nó để lại cho bóng đá không ngắn như người ta tưởng. Mất những người giỏi nhất, những cầu thủ “hàng hai” lại lên ngôi, mà Công Vinh là ví dụ điển hình. Sau sự chuyển giao giữa bóng đá và bóng đá công nghiệp, sau ước vọng chuyên nghiệp hóa của VFF, những thương vụ bom tấn đậm chất “sính ngoại” nổ ra đì đùng, các cầu thủ tập trung hơn vào việc làm giá. Sự quy hoạch vùng miền, gốc gác không còn, kéo theo lửa chiến đấu cũng giảm so với nhiều năm trước, đặc biệt thời gian dài núp bóng các ngoại binh đã làm thui chột đáng kể khả năng của cầu thủ Việt.

Chẳng có chiến lược đáng kể nào để tạo dựng những thế hệ kế tiếp xuất sắc hơn, người ta cứ dửng dưng và đẩy mạnh lăng xê V-League như một giải đấu tuyệt vời, rồi mỗi khi triệu tập đội tuyển lại theo thói quen nhảy vào nhặt, lựa. Ngoài Thái Lan đã yếu đi, hầu như tất cả các đội bóng trong khu vực đều tiến bộ, với những cách làm tuy khác nhau nhưng đều tập trung vào chất lượng, có kế hoạch rõ ràng. AFF Cup 2012 chính là bức tranh chân thực nhất về sự thụt lùi của chúng ta, khi những ngôi sao tiền tỷ quá vô hại trước đấu trường thực tế.

Chấp nhận và tiến lên

Người hâm mộ dĩ nhiên chẳng thể làm được gì, dù chức vô địch năm 2008 không thể làm họ no nê, khi mà nhìn sang, bất cứ đối thủ mạnh nào ở Đông Nam Á cũng vượt hẳn chúng ta về danh hiệu. Điều phải chấp nhận dưới góc độ một người dõi theo và ủng hộ, đó là bộ máy liên đoàn, cung cách xây dựng tuyển lựa các lứa cầu thủ sẽ vẫn như thế, đều đều và rất Việt Nam. “Niềm tự hào” V-League đang trở nên ê chề bởi sự thương mại hóa, nó lúc này giống như một cái chợ, nơi mà mẫu mã, giá cả, vv… đã che khuất sự thực chất của bóng đá, đồng thời giải do ta lập ra lại chẳng có mấy đất cho ta thi thố, trui rèn, bởi các ngôi sao sáng nhất chủ yếu là đến từ ngoài biên giới.

Nhập tịch với đầy đủ lý do, thua vài trận thì gạch bỏ, mời huấn luyện viên nội cũng với nhiều kiểu giải thích, rồi lúc thất bại lại vội vã trảm tướng, xử binh. Không chuẩn bị nguyên vật liệu nhưng cứ thích xây nhà cao đẹp, không có bất cứ dấu hiệu trách nhiệm nào khi bất cập xảy ra, đổ lỗi và xí xóa theo kiểu thấy lửa là dập, chẳng bao giờ chúng ta tìm thấy nguồn phát lửa để làm lại đúng nghĩa. Trong cõi hỗn mang tạp loạn vẫn còn tiếp diễn của “bóng đá chuyên nghiệp”, đáng quý nhất là những con người làm nghề, cả huấn luyện viên và cầu thủ, những người tự hào và tâm huyết với vai trò lên tuyển. Có thể chuyên môn vẫn còn hạn chế, nhưng họ đang là những con người tốt nhất mà chúng ta có, khi mà lối đào tạo cũ kỹ vẫn sẽ chẳng tạo ra một “ca đột biến” nào.

Những cầu thủ Việt Kiều cũng như nội địa trong tay ông Hoàng Văn Phúc đã chơi bóng với cái đầu và trái tim xứng đáng. Xét về độ sáng, họ chẳng thể so với thế hệ Văn Quyến, nhưng ít ra họ đều có khát khao mạnh mẽ, có chí hướng vươn lên, có trình độ được nghiêm túc rèn luyện. Vẫn cứ là tạm thời, vẫn chỉ là một diện mạo mới được dựng xây theo kiểu vá lại áo cũ, không làm từ gốc, nhưng đội tuyển Việt Nam hiện tại vẫn đáng để ủng hộ hơn, yêu mến hơn. Hãy chúc họ thành công ở mức độ phù hợp với khả năng của mình, còn nếu nói về lâu dài, vẫn còn mông lung lắm.
Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục