Tranh chấp VPF-AVG&VFF: Vì đâu vịt hoá thiên nga?

15:24 Thứ bảy 25/02/2012

Câu chuyện một con vịt xấu xí bỗng chốc trở thành nàng thiên nga xinh đẹp đang được đưa ra để so sánh với chuyện bản quyền truyền hình các giải bóng đá ở Việt Nam thời gian qua.

Nói thiên nga là ở chỗ bỗng chốc số tiền bán bản quyền được nâng lên tới con số hàng chục tỷ đồng, gấp hàng vài chục lần những năm trước đó. Dù đó là một con số chưa có thực nhưng dư luận cũng không quên đặt ra câu hỏi rằng tại sao lại có sự “đột biến” như vậy?

Trước tiên, phải nói ngay rằng số tiền bản quyền truyền hình các giải bóng đá trong nước tăng lên không phải vì chất lượng các giải đấu được nâng lên, thậm chí là dậm chân tại chỗ hoặc đi xuống. Cứ thử nhìn vào những bất cập của giải vô địch quốc gia ở 6 vòng đấu đầu tiên vừa qua thì sẽ thấy. Đó được xem là một trong những điều tất yếu khi đơn vị tổ chức giải đấu là VPF đang mải mê với cuộc chiến giành lại bản quyền truyền hình.

Kịch bản “cuộc chiến” này ngày càng hấp dẫn và được bồi đắp thêm nhiều tình tiết gay cấn bởi không biết bao nhiêu tuyên bố bạo miệng của các ông bầu đang nắm quyền điều hành VPF. Trong khi bản quyền truyền hình các giải đấu đã được VFF ký với AVG trước đó có giá trị là 6 tỷ đồng/năm và mỗi năm tăng 10% thì nay, các ông bầu của VPF đã khẳng định sẽ bán được bản quyền với giá 76 tỷ đồng/3 năm.

Giá bản quyền truyền hình các giải bóng đá trong nước tăng một cách chóng mặt

Đến nay, phía đối tác của VPF là VTV chưa hề có một xác nhận chắc chắn về bản ghi nhớ mà VPF đã công bố, tuy nhiên VTV cũng đưa ra điều kiện là tất cả các CLB phải đặt (và trả tiền) quảng cáo với VTV thì đơn vị này mới mua bản quyền của VPF với giá 76 tỷ đồng cho 3 năm bán bản quyền. Như vậy, đây là một con số chưa có thực. Mà nếu nó có trở thành hiện thực thì việc hứa mua quảng cáo cũng thường đem đến không ít rủi ro.

Thứ nhất, các CLB sẽ không chắc được số tiền bỏ ra cho quảng cáo sẽ được bù bằng tiền bản quyền truyền hình ở trong tương quan, tỷ trọng thế nào (mà chắc chắn số tiền thu được từ bản quyền ít hơn nhiều so với số tiền phải quảng cáo).

Thứ hai, số tiền bỏ ra cho quảng cáo phải tuỳ theo nhu cầu và thực lực của họ, chẳng may năm nay vẫn quảng cáo đều đều nhưng sang năm bỗng dưng ‘tịt” thì cũng là điều đã từng xảy ra không ít…

Dù 76 tỷ đồng vẫn đang là một con số “ảo”, nhưng quả thật nếu có “mặt hàng” nào tăng giá mạnh nhất trong vòng 2 năm trở lại đây thì đó chính là bản quyền truyền hình bóng đá trong nước. Tính trung bình từ năm 2005 - 2009, số tiền thu về từ việc bán bản quyền truyền hình mỗi năm là 900 triệu đồng. Năm 2010, AVG bắt đầu mua bản quyền truyền hình với giá 6 tỷ đồng/năm (lũy tiến 10%/năm) và bây giờ là một con số cao gấp nhiều lần: 76 tỷ đồng/3 năm (trung bình mỗi năm hơn 25 tỷ đồng).

Nếu giá trị thực của bản quyền truyền hình cao như bầu Đức, bầu Kiên bán được với giá trên 70 tỉ đồng thì thật mừng cho các CLB bóng đá trong nước và nói gì thì nói, AVG cũng đã có công trong việc phát hiện ra “nàng thiên nga” xinh đẹp mang tên bản quyền truyền hình. Và họ đã sẵn sàng chi ra một con số gấp hơn 6 lần những mùa bóng trước để có được bản quyền truyền hình. VPF đến sau và khai quật ra rằng, bản quyền truyền hình có giá nhiều hơn thế, đang tìm mọi cách để lấy bằng được miếng bánh bản quyền trong tay AVG.

Nhưng việc VPF có lấy (chứ không phải “lấy lại”) được bản quyền hay không vẫn đang là những tranh cãi cần được giải quyết trên phương diện pháp lý. Và thiết nghĩ, đi cùng với chữ “lý” bao giờ cũng là chữ “tình”. Điều đó có thể nhắc nhở những ai đã và đang quan tâm đến bóng đá rằng người biến vịt thành thiên nga cũng thì trong trường hợp nào cũng đừng nên quên công lao của họ.
Phương Nguyên | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục