Taekwondo Việt Nam: Dưới chân con dốc

14:53 Chủ nhật 18/08/2013

Mang tới Giải vô địch thế giới (VÐTG) lực lượng mạnh nhất với rất nhiều tham vọng, nhằm tạo "cú hích" cho SEA Games 27, nhưng đội tuyển Thái cực đạo (taekwondo) Việt Nam đã trắng tay trở về. Thất vọng, cay đắng là cảm giác của những người trong cuộc, thế nhưng dường như kết quả này cũng đã được tiên liệu...

Taekwondo Việt Nam đang xuống dốc không phanh.

Phú quý giật lùi

Giải VÐTG taekwondo năm nay được tổ chức tại Pu-ê-bla, Mê-hi-cô (Puebla, Mexico). Ðội tuyển Việt Nam tham dự với 10 gương mặt hàng đầu, đặt mục tiêu phải có huy chương. Ðây là mục tiêu được xem là "trong tầm tay", bởi những lần tham dự trước đây, ít khi các võ sĩ Việt Nam ra về tay trắng.

Song, hầu hết các tuyển thủ Việt Nam đã "rơi rụng" ngay từ vòng đầu tiên. Trừ hai võ sĩ thắng được một trận (Huỳnh Châu, Dương Quang) và một võ sĩ thắng hai trận (Trương Thị Nhớ), các VÐV còn lại đều thua chóng vánh với những tỷ số chênh lệch.

Còn nhớ, tại giải VÐTG năm 2011, đội tuyển Việt Nam giành tới ba HCV. Năm 2012, dù "khiêm tốn" hơn, chúng ta cũng có một HCV, năm HCB và hai HCÐ. "Phú quý giật lùi", năm nay, taekwondo Việt Nam thậm chí còn không giành nổi một tấm huy chương nào.

Lý do thất bại đưa ra, là chúng ta đã không gặp may mắn trong bốc thăm và địa điểm thi đấu quá xa. Tuy nhiên, kể cả như vậy, đây vẫn là một trong những thành tích tệ nhất lịch sử tham dự giải đấu quan trọng này của taekwondo Việt Nam.

Năm xưa, taekwondo là môn thể thao Việt Nam đầu tiên giành huy chương Olympic. Tuy nhiên, tấm HCB để đời của Hiếu Ngân năm 2000 đến giờ vẫn là duy nhất. Trong khi đó, tại sân chơi ASIAD, sau hai tấm HCV của Trần Quang Hạ (1994) và Hồ Nhất Thống (1998), taekwondo Việt Nam vẫn đang liên tiếp "trắng vàng".

Tụt dốc vì đâu?

Nhiều năm trở lại đây, việc thiếu kinh phí tập huấn, thi đấu nước ngoài đã khiến các võ sĩ gặp rất nhiều thiệt thòi trong việc nâng cao trình độ. Ðể bù đắp, taekwondo Việt Nam đã mời những chuyên gia "ngoại" về huấn luyện, giống như nhiều môn khác. Song, taekwondo rất ít khi thành công với các HLV ngoại, mà ngược lại, các HLV này luôn gặp phải rất nhiều rào cản từ cơ chế, môi trường và nhiều lý do khác.

Cũng bởi vậy, về lực lượng, taekwondo Việt Nam đang thiếu hụt tài năng nghiêm trọng. Các trụ cột đều đã lớn tuổi, còn những gương mặt trẻ lại quá thiếu kinh nghiệm bản lĩnh. Việc ít được va chạm, cọ xát đã trở thành một điểm yếu cốt tử.

Mới đây, nữ võ sĩ 18 tuổi Chu Hoàng Diệu Linh cũng đã phải nói lời chia tay với sự nghiệp, để theo đuổi con đường khác. Ðây là một trường hợp đáng tiếc điển hình, một thách thức đặt ra với các nhà quản lý.

"Tuột dốc không phanh" thời gian qua, Liên đoàn taekwondo Việt Nam có trách nhiệm lớn nhất, khi công tác vận động tài trợ, xã hội hóa hoàn toàn mờ nhạt, trong khi đầu tư nâng cao thành tích chuyên môn cũng chẳng đến đâu.

Tổng Thư ký Trương Ngọc Ðể cho rằng: Giải pháp tiên quyết lúc này là tìm "thầy ngoại" giỏi cho đội tuyển, còn chất lượng các HLV nội ở các CLB, các địa phương cũng phải nâng lên. Ngoài ra, taekwondo Việt Nam cũng cần chú ý về chế độ đãi ngộ để các VÐV yên tâm tập luyện, thi đấu, tránh tình trạng "đứt gánh giữa đường", uổng phí bao thời gian và công sức, như trường hợp của Diệu Linh.

Những giải pháp của ông Ðể, không có gì mới mẻ. Ai cũng khẳng định cần phải giải quyết những vấn đề này, nhưng từ lời nói tới hành động lại là một câu chuyện khác. Taekwondo đang thiếu hẳn một lộ trình, một chiến lược cụ thể.

Từng là "mũi nhọn" của thể thao Việt Nam, nhưng lúc này, taekwondo thật sự cần được điều chỉnh, cả về chuyên môn, tư tưởng lẫn hoạch định. Khó có thể hình dung một bước tụt lùi nào nữa đáng thất vọng hơn lúc này...

Nguyễn Quyết | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục