Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 20: Cô gái silat vẫn giữ lửa với nghề

14:34 Thứ năm 28/02/2013

Cô gái xứ Thanh Trịnh Thị Mùi một thời khuynh đảo ở nhiều sàn đấu khi liên tiếp giành HCV từ SEA Games đến giải vô địch châu Á và giải vô địch thế giới môn pencak silat, nay vẫn đang cùng chồng tiếp tục truyền lửa nghề ở Nghệ An.

Con nhà tông

Căn nhà nằm trong con hẻm phía sau Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao (TTHLTĐ) tỉnh Nghệ An là tổ ấm của Mùi hiện nay. Sau 12 năm lập gia đình cùng với võ sư Trần Trọng Cường, từng khoác áo đội tuyển quốc gia môn pencak silat, vợ chồng Mùi đã có 3 mặt con. Hiện, cả hai vợ chồng đều là HLV môn pencak silat thuộc TTHLTĐ Nghệ An. Mùi nói, mình may mắn hơn nhiều VĐV khác là sau khi trở về vẫn còn có cơ hội để vui buồn với nghề, dẫu nghề HLV với nữ cũng lắm vất vả. Ngoài sức ép về thành tích, còn là những lần đi công tác xa nhà dài ngày. Đó là những lần dẫn học trò đi thi đấu ở các giải trong nước, cả vợ chồng cô đều phải đi. Đứa lớn thì gửi cho ông bà nội chăm sóc, đứa nhỏ thì phải mang theo vì mỗi lần đi thi đấu cũng trên dưới chục ngày. Chế độ cho HLV cũng không có gì hậu hĩnh, nhưng Mùi bảo vui và rất hài lòng với công việc vì vẫn còn được giữ lửa với nghề.

Trịnh Thị Mùi và gia đình hạnh phúc của cô - Ảnh: K.H

Trịnh Thị Mùi là con gái đầu lòng của võ sư Trịnh Đình Tuấn, thuộc võ phái Đông Sơn, Thanh Hóa. Ông Tuấn sớm nhận ra tố chất của con và đã sớm truyền cho con những tinh hoa của võ thuật. Năm 13 tuổi, cô gái nhà dòng dõi này đã lập được công đầu đời khi đoạt HCV giải taekwondo trẻ toàn quốc. Hai năm sau, cô chuyển sang theo môn pencak silat, được chọn vào đội tuyển quốc gia, được xem là “hạt giống đỏ” và là niềm hy vọng của môn thể thao này.

18 tuổi, Mùi là thành viên của đội tuyển pencak silat VN đến Indonesia tham gia SEA Games 19. Cô gái xứ Thanh đã làm nên bất ngờ khi hạ nhiều đối thủ nặng ký đến từ quốc gia vốn là cái nôi của môn võ này là Indonesia. Trong trận chung kết gặp VĐV Thái Lan kinh nghiệm hơn và từng giành HCV ở SEA Games lần trước, Mùi nhớ lại: “Trước trận đấu quyết định đó, tôi rất hồi hộp lẫn lo lắng vì mình chưa có nhiều kinh nghiệm lại phải đấu với một đối thủ được đánh giá là hơn mình về nhiều mặt. Thế nhưng khi vào trận tôi vẫn tự tin với tinh thần của võ thuật là phải xác định mình sẽ thắng. Và tôi cũng không ngờ với những cú quét chân và đánh ngã sở trường của mình khiến đối thủ người Thái không thể hóa giải để phản đòn. Kết quả tôi hạ đối thủ với tỷ số 5-0 để giành tấm HCV ở hạng cân 55 kg”.

Hai năm sau, Trịnh Thị Mùi tiếp tục chứng tỏ bản lĩnh khi hạ “nốc ao” đối thủ nặng ký người Indonesia Noviana ở SEA Games 20 để giành tấm HCV. Vận động viên này cao 1,72 m (trong khi Mùi chỉ 1,59 m) nhưng với đòn quét trụ đầy mạnh mẽ và nhanh như chớp, Trịnh Thị Mùi đã nhanh chóng quật ngã đối thủ khiến võ sĩ này bị gãy tay, bỏ cuộc.

Gia đình là quan trọng nhất

Tố chất võ thuật và sự bền bỉ trong tập luyện đã giúp cho Trịnh Thị Mùi trở thành VĐV khó chịu cho bất cứ đối thủ nào trên sàn đấu. Hai kỳ SEA Games tiếp sau đó, Mùi đều mang HCV về cho đội tuyển VN dù đến cuối năm 2001, tức trước khi SEA Games 22 diễn ra, cô đã lên xe hoa về nhà chồng ở Nghệ An.

Sự nghiệp VĐV như Mùi không dài nhưng cô nói đã để lại cho mình nhiều cảm xúc rất đặc biệt. “Cảm xúc mạnh mẽ nhất và đáng nhớ nhất của tôi là những lần thắng được đối thủ, lên bục nhận HCV. Nhìn lá cờ Tổ quốc được kéo lên trong tiếng nhạc quốc ca VN là nước mắt lại rơi vì xúc động. Đó cũng là những giây phút hạnh phúc nhất của đời VĐV”, Trịnh Thị Mùi nhớ lại.

Có người tiếc cho Mùi khi cô đã sớm giã từ sàn đấu, “theo chồng bỏ cuộc chơi” ở tuổi 22 và đang ở đỉnh cao của nghiệp võ. Trịnh Thị Mùi chia sẻ: “Với phụ nữ, việc gia đình rất quan trọng. Tôi và anh Cường đã quen nhau ở đội tuyển rồi yêu nhau. Sau khi cưới nhau, tôi vẫn còn rất luyến tiếc và tiếp tục tham gia cùng đội tuyển thi đấu thêm một kỳ SEA Games nữa. Dù chưa muốn chia tay với sự nghiệp nhưng sau đó tôi đã phải về chăm lo cho gia đình vì đó là bổn phận của người phụ nữ. May mắn là bây giờ tôi vẫn còn được tiếp tục gắn bó với nghiệp dù ở cương vị khác và có chồng cùng chung vai với mình”.

Hai trong số ba cô em gái của Mùi vẫn theo nghiệp cha và chị với môn pencak silat. Trịnh Thị Ngà, em thứ hai của Mùi là VĐV từng lập nhiều chiến công khi 3 năm liên tiếp giành HCV ở các kỳ SEA Games 21, 22, 23. Đến kỳ SEA Games 24, Ngà phải giã từ sự nghiệp ở tuổi 23 vì chấn thương đứt dây chằng. Hiện, cô em gái thứ ba của Mùi đang được huấn luyện tại Nghệ An và đang được Mùi kỳ vọng tiếp nối truyền thống của gia đình.

7 năm khoác áo đội tuyển, Trịnh Thị Mùi (sinh năm 1979) đã giành được 7 HCV toàn quốc, 4 HCV SEA Games, 2 HCV châu Á, 3 HCV thế giới hạng 60 kg. 4 lần được bầu chọn là VĐV tiêu biểu trong 4 năm liên tiếp từ năm 1999 đến 2003; 3 lần được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì, ba.

Khánh Hoan | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục