Hướng tới Olympic 2012: Bây giờ, Phelps "chỉ" cần 3 huy chương

11:19 Thứ tư 25/07/2012

Michael Phelps có cơ hội vượt qua Larisa Latynina để trở thành VĐV Olympic xuất sắc nhất mọi thời đại nếu anh giành được thêm 3 huy chương nữa ở London 2012.

Kình ngư Michael Phelps đã lập kỳ tích khi giành 8 HCV tại Olympic Bắc Kinh 2008 - Ảnh: Getty

Bơi lội có vẻ là một môn thể thao đơn giản, nhưng như Phelps, Ian Thorpe và nhiều VĐV trứ danh khác đã phát hiện ra, có cả quỷ dữ và sự cám dỗ phía dưới làn nước xanh tĩnh lặng. Thorpe chẳng hạn. Anh không thể ở xa bể bơi sau khi từ giã sự nghiệp vào năm 2006 với 5 HCV, bao gồm một chiến thắng trước Phelps tại Olympic 2004 ở nội dung 200 mét tự do, và 11 danh hiệu vô địch thế giới. Là một ngôi sao lớn ở Australia, một biểu tượng của đất nước với bờ biển rất dài này, Thorpe đã khiến nhiều người háo hức khi tuyên bố trở lại đường đua xanh hồi năm 2011. Tuy nhiên, ở tuổi 29, anh không còn phong độ đỉnh cao nữa và đã không thể vượt qua vòng loại. Phelps nói về thất bại của đối thủ một thời hồi tháng Ba: “Đó không phải là Ian Thorpe mà tôi từng tranh tài năm 2004”.

"Phelps quá lười biếng"

Nhưng với chính Phelps, bơi cũng đã trở thành một nỗi ám ảnh. Anh cũng đã 27 tuổi và lẽ ra đã tới lúc rút lui, nhưng gánh nặng kỳ vọng của cả nước Mỹ vẫn còn quá lớn, dù đôi vai Phelps đủ vạm vỡ để gánh vác tất cả. Anh quyết tâm không để áp lực đó làm hỏng Olympic London 2012, nhiều khả năng sẽ là giải đấu chia tay của Phelps với Thế vận hội.

VĐV người Mỹ nói anh “cảm thấy rất tuyệt khi được viết lại lịch sử” như anh đã làm, hết lần này đến lần khác, ở mỗi kỳ Olympic mà Phelps tham dự kể từ Sydney 2000. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, anh sẽ có cơ hội trở thành VĐV có thành tích tốt nhất trong lịch sử Olympic và thậm chí có thể ngủ một chút trong nội dung thi đấu thêm cho vui của anh, 200 mét bơi bướm. Phelps gần đây đã tỏ ra không hề bị áp lực về việc giành lấy 3 tấm huy chương, bất kể màu gì để vượt qua huyền thoại thể dục dụng cụ Liên Xô Larisa Latynina, người đã giành cả thảy 18 huy chương (9 vàng, 5 bạc và 4 đồng) tại các kỳ Thế vận hội liên tiếp từ 1956 tới 1964.

Dẫu sao, Phelps vốn dĩ đã là VĐV bơi lội vĩ đại nhất lịch sử, nên anh cũng không quan tâm lắm về thống kê. 8 trong 16 huy chương Olympic của anh đến trong một cuộc săn lùng vàng điên cuồng tại Bắc Kinh 4 năm về trước, dù từ đó đến nay cuộc sống đã khó khăn hơn nhiều. Những sự chuẩn bị cho Thế vận hội chia tay không hề dễ dàng. Đồng đội ở tuyển Mỹ đồng thời cũng là đối thủ của Phelps, Tyler Clary, có màn ra mắt tại Olympic lần này nhưng không hề tỏ ra rụt rè. Clary đã có một nhận xét đầy thách thức mới đây trên một tờ báo địa phương ở California rằng Phelps, người tập luyện năm tiếng mỗi ngày, bảy ngày một tuần, là người lười biếng.

“Anh ta không hề làm việc chăm chỉ, thật đáng xấu hổ”, Clary nói với báo Press-Enterprise ở Riverside. “Tôi nghĩ điều đó quá tệ. Tôi cho rằng nếu anh ấy tập luyện thật sự chăm chỉ, như tôi đã tập, thì anh ấy sẽ còn làm được những điều khó tin hơn”. Qua đó, Clary cũng đã cho thấy đòi hỏi với môn thể thao này khi những buổi luyện tập thường rất khắc nghiệt, kéo dài và đôi khi chán ngắt. Phelps không bận tâm về những gì Clary nói. Khi được hỏi mới đây về nhận xét của người đồng đội và đàn em, anh đáp mục tiêu duy nhất của mình là “bước lên, mặc chiếc áo sao và vạch và bơi nhanh hết mức có thể”.

Không còn là Phelps của 4 năm về trước

Phelps tin rằng anh có thể đạt được mục tiêu 3 huy chương, dù “tôi biết sẽ không thể là 8 huy chương nữa”. Điều đó khá rõ ràng do lần này anh sẽ chỉ tranh tài ở 4 nội dung, 200 mét và 400 mét cá nhân hỗn hợp, cùng 100 và 200 mét ếch, ngoài ra anh sẽ có mặt ở tối đa là 3 nội dung tiếp sức nữa. “Nếu có ai muốn so sánh tôi với thành công ở Bắc Kinh, thì đó là chuyện của họ, không liên quan tới tôi”, Phelps nói. “Tôi có mặt ở London để cố đạt được những gì tôi đã đặt ra, nếu làm được tôi sẽ rất vui, đó mới là điều quan trọng với tôi”.

Ý tưởng bơi cho vui thực ra xa lạ với những VĐV thành tích cao phải luyện tập như tra tấn, nhưng rõ ràng đang cố gắng giảm bớt kỳ vọng và áp lực. “Một khi tôi treo bộ đồ bơi lên, tôi muốn có thể nhìn lại và nói tôi đã làm mọi thứ có thể trong sự nghiệp và dù có 50 HCV hay 16 huy chương tổng cộng, miễn là tôi có thể nói mình đã làm được những gì mình muốn, đó mới là điều quan trọng”.

Anh đã sống như thế cả đời, thường xuyên bơi ngược dòng nước, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, không quan tâm đến kỳ vọng của người khác, tự tin ở khả năng của mình và làm những gì mình muốn. Phelps không phải là một nhà vô địch tuyệt đối như trong quá khứ nữa, nhất là vài năm trở lại đây. Đối thủ của anh xuất hiện khắp nơi. Ryan Lochte, đánh bại anh với khoảng cách 0,35 giây trong nội dung 200 mét tự do ở giải vô địch thế giới và giành HCV với 1’44’’ chẳng hạn. Năm 2012 cũng rất khó khăn. Ở giải Charlotte Grand Prix, Wu Peng của Trung Quốc vượt qua anh trong nội dung 200 mét bơi bướm. Đáng lo hơn, thành tích của Phelps chỉ là 1’56,8’’, kém tận 5 giây so với kỷ lục thế giới anh lập năm 2009 tại giải vô địch thế giới ở Rome.

“Đây không phải là Olympic”, Phelps nói ở giải Charlotte. “Chỉ là những cuộc trắc nghiệm nhỏ”, nhưng ngay cả như vậy, anh đến London trong tâm thế bị tổn thương khá rõ ràng. Nhưng chính vì vậy, nếu anh lại chiến thắng, Phelps sẽ thực sự trở thành một huyền thoại vĩnh viễn của Thế vận hội.

Cuộc gặp mặt lịch sử

Latynina và Phelps - Ảnh: Getty

Dù luôn từ chối, Phelps có lẽ cảm thấy rõ ràng gánh nặng lịch sử. Anh đã đi gặp Latynina, hiện đã 77 tuổi, cách đây chưa lâu và mô tả lại cảm xúc của mình: “rất tuyệt”. “Tôi đã không biết về kỷ lục đó cho tới khi được thông báo năm nay khi đang đi chụp ảnh ở New York. Tôi gặp bà ấy qua một người phiên dịch. Bà ấy rất háo hức và chúc tôi làm nên kỷ lục”, Phelps nhớ lại. “Thật vui vì được gặp một thần tượng, một biểu tượng của phong trào Olympic. Chúng tôi đã ngồi với nhau vài giờ, tán gẫu. Bà ấy tặng tôi một tấm huy chương vào đầu những năm 1950, trong một cuộc thi Xô-Mỹ. Có lẽ đó là món quà hay nhất mà tôi từng được nhận”.

Trần Trọng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục