Giải mã bí ẩn bầu Hiển dọa rút khỏi bóng đá

13:12 Thứ bảy 22/09/2012

Thông tin về việc mỗi năm bầu Hiển đã phải bỏ ra trên dưới 200 tỷ đồng cho 4 đội bóng ở 2 hạng đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam khiến không ít người giật mình và tự hỏi không hiểu ông bầu quyền lực số một của bóng đá Việt Nam “ăn nên làm ra” đến mức nào để có thể thoải mái tiêu tiền như vậy?

Theo những thông tin được công bố một cách công khai thì bầu Hiển hiện đang sở hữu 21 triệu cổ phiếu SHB, tương đương 4,36% cổ phần của ngân hàng SHB và lượng cổ phiếu này trị giá khoảng trên dưới 200 tỷ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc lượng cổ phiếu này chỉ vừa đủ để bầu Hiển nuôi các CLB của mình trong một năm mà thôi.

Từ mùa sau, bầu Hiển sẽ chỉ xuất hiện cùng HN T&T? Ảnh: V.S.I

Còn theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý II và 6 tháng đầu năm 2012 của SHB, ngân hàng mà ông Đỗ Quang Hiển đang là Chủ tịch HĐQT, thì lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của SHB là 446,7 tỷ đồng, nghĩa là chỉ gấp khoảng hơn 2 lần so với số tiền 200 tỷ đồng mà hàng năm bầu Hiển hiện đang phải bỏ ra cho các đội bóng của mình. Vì thế, thật khó có thể tin rằng ông bầu quyền lực số một của bóng đá Việt Nam lại “dám” dùng một nửa lợi nhuận 6 tháng đầu năm của ngân hàng SHB chỉ để thỏa mãn niềm đam mê bóng đá của riêng mình?!

Thực tế là SHB vẫn đang “ăn nên làm ra” nhưng không còn giữ được sự tăng trưởng mạnh mẽ như trước. Bằng chứng là nếu so sánh lợi nhuận sau thuế của SHB trong 4 quý gần đây thì chúng ta thấy hầu như không có sự thay đổi nào đáng kể. Ở quý III/2011, lợi nhuận sau thuế của SHB là 222,512 tỷ đồng. Sau khi giảm 10% ở quý IV/2011 (xuống còn 202,256 tỷ) cũng chỉ tăng trở lại như cũ ở quý I/2012 và quý II/2012 lần lượt là 224,621 tỷ và 222,117 tỷ, nghĩa là gần như tương đương với quý III/2011.

Dưới một góc nhìn khác, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế cũng đã khiến cho lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2012 của ngân hàng SHB chỉ đạt được con số 601,594 tỷ, nghĩa là mới bằng 32,5% chỉ tiêu kế hoạch của cả năm 2012.

Đấy là chưa kể việc sáp nhập với ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) kể từ tháng 8 năm nay cũng sẽ tạo ra những gánh nặng nhất định đối với SHB, vì ngân hàng này sẽ phải tốn thời gian xử lý lỗ của HBB bằng lợi nhuận làm ra, dẫn đến việc cổ đông tạm thời sẽ không được chia cổ tức trong vòng 2 đến 3 năm tới. Chính vì thế sẽ không có gì là ngạc nhiên khi tỷ lệ nợ xấu của SHB sau khi tăng từ 1,4% (cuối năm 2011) lên 2,13% (đến 30/6/2012) và nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tăng lên nữa trong thời gian tới.

Trong bối cảnh khủng hoảng nền kinh tế như hiện nay, thị trường chứng khoán đang tiếp tục mất giá một cách trầm trọng, thị trường tài chính - ngân hàng cũng không còn là mảnh đất màu mỡ để kiếm ăn như trước, việc bầu Hiển không còn “ném tiền” cho bóng đá như trước (nếu điều đó xảy ra) âu cũng là điều dễ hiểu.

Thành Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục