Câu chuyện thể thao: Điểm yếu của bầu Đức

11:12 Thứ sáu 17/01/2014

Nói thẳng ra, đấy còn là thất bại của ông bầu mà tưởng như chạm vào đâu cũng thành công này. Kể từ sau thời Dream Team đến nay, 10 năm rồi HAGL chỉ là một một cọp núi chỉ còn da bọc xương như kiểu người ta hay nói “hùm chết thì để da” vậy. Trong sân chơi V-League, HAGL chỉ là một cái bóng mờ dù bầu Đức chưa chịu thừa nhận thất bại của mình.

Tất nhiên, ông bầu này có quyền tự hào mà nói rằng: Học viện HAGL - Arsenal chính là tương lai của HAGL. Và tất nhiên, ai cũng thấy điều đó… không sai khi tưởng tượng đến một ngày nào đó, đội hình U19 hiện nay khoác trên mình chiếc áo màu trắng của phố núi. Tầm U19 mà người ta đã nghĩ đến chuyện đưa đội tuyển Việt Nam vào… World Cup thì coi như khi đó, chẳng CLB nào đá lại đội của bầu Đức.

Thế nhưng, đấy là lý thuyết còn thực tế, chẳng thể xảy ra. Chẳng ở đâu trên thế giới người ta đầu tư cho một học viện tầm cỡ như vậy để phục vụ cho CLB của mình. Học viện là học viện mà CLB là CLB. Học viện đào tạo ra cầu thủ để bán còn CLB phải hình thành các tuyến trẻ mà chưa hẳn do chính mình đào tạo nên. Trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp, những khái niệm này phân biệt rất rõ.

Mà cho dù bầu Đức muốn có thế hệ U19 này trong đội HAGL vài năm nữa, ông cũng phải… mua chứ chẳng phải là “của nhà trồng được”, chưa nói đến chuyện cần có thêm sự đồng ý của Arsenal. Một khi các cầu thủ đó quá tuổi U23 thì họ hoàn toàn tự do, muốn có phải mua và tầm cỡ U19 bây giờ, đến khi đó nhiều khi còn mắc hơn cả cầu thủ ngoại.

Chiều nay có lẽ bầu Đức (trái) sẽ không đến sân Pleiku xem đội bóng phố núi thi đấu như nhiều năm trước. Ảnh: Minh Trần

Không lẽ bầu Đức tốn chừng đó tiền đào tạo, rồi lại tốn cả núi tiền nữa để giữ họ lại cho phố núi. Mà đã tốn kém cỡ đó, vô địch V-League là chuyện bình thường thôi, có khác gì thời bầu Đức mua cả dàn sao nội, ngoại về thành lập Dream Team đâu chứ.

Thế nên, cần tách bạch rõ giữa một bầu Đức thành công với Học viện HAGL - Arsenal và một bầu Đức đang thất bại với đội bóng đá V-League của mình. Nó cũng tương tự việc U19 thành công nhưng không có nghĩa bóng đá trẻ của Việt Nam đã tốt đẹp vậy.

Nhân trận đại chiến tại Pleiku chiều nay, xét ở góc độ làm bóng đá chuyên nghiệp, bầu Đức đi trước nhưng đang về sau bầu Hiển. Hơn 10 năm làm chuyên nghiệp, bầu Đức chỉ mới có 2 chiếc cúp vô địch. Chiếc thứ 3 vẫn còn… đâu đó chưa biết khi nào có.

Trong khi đó, chỉ làm có phân nửa thời gian của bầu Đức nhưng bầu Hiển lại có số lượng danh hiệu nhiều gấp đôi. HN T&T của ông này đang trên đường săn tìm chức vô địch V-League lần thứ 3 và có thể là thứ 4, thứ 5 trong thời gian mà bầu Đức đợi lứa U19 trưởng thành. Đấy là chưa nói, ông bầu đất Hà Nội còn có những danh hiệu của tuyến trẻ. Trọn vẹn hơn nhiều.

Giữa 2 ông bầu này, ai thành công hơn ai thì đợi thời gian trả lời nhưng rõ ràng, bầu Đức có điểm yếu còn bầu Hiển thì không. Một CLB chuyên nghiệp không nhất thiết phải có hệ thống đào tạo trẻ nếu như họ vẫn bảo đảm đủ các tuyến trẻ chuyên nghiệp.

Trên thế giới, giữa đào tạo và thi đấu là khác xa nhau, thậm chí chẳng liên quan đến nhau. Bầu Hiển có cách làm của mình và sức mạnh của HN T&T hiện nay cho thấy ông đã đi quá xa so với phần còn lại của V-League, bao gồm cả bầu Đức, người mà chiều nay có lẽ sẽ không đến sân Pleiku để xem bóng đá như nhiều năm về trước.
Hồ Việt | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục