Bức ảnh đặc biệt của VĐV Lê Thị Huệ

17:42 Thứ năm 16/05/2013

Mười năm trước, khi được tòa soạn phân công về nhà Huệ ở Quảng Xương (Thanh Hóa) để tìm hiểu gia cảnh của cô, tôi không khỏi bất ngò khi nhìn thấy một bức hình của Huệ.

Sinh hoạt thường ngày của Huệ phải nhờ tới sự giúp đỡ của mẹ già. Ảnh: VC.

Ngôi nhà của Huệ 10 năm trước khá đơn sơ, thiếu thốn. Đón tôi trong ngôi nhà là ông bố đã để một phần da thịt, xương máu của mình ở chiến trường năm xưa. Khi thấy nhà báo đến, ông đón chào và còn gọi cả mấy đồng đội trong Hội cựu chiến binh ra tiếp mà không hề biết con gái của mình bị tai nạn khi tập ở đội tuyển quốc gia. Thời đó, điều kiện liên lạc vẫn còn chưa như bây giờ và nhất là với một vùng quê còn nghèo khó của Thanh Hóa thì việc thông tin phải mất vài ngày mới đến nơi cũng là chuyện thường.

Nổi bật nhất trong ngôi nhà nhỏ vẫn là góc tường treo cả chục huy chương các loại mà Huệ mang về sau mỗi giải đấu. Thế nhưng đáng chú ý là bức hình một cô gái trẻ rạng rỡ trong trang phục cô dâu. Dù có trang điểm kỹ nhưng tôi vẫn nhận ra đó là hình của Huệ. Thì ra, đó là mơ ước của cô gái trẻ đó dù chưa một lần lên xe hoa.

Thời điểm đó, Huệ đang được coi là một trong những niềm hy vọng vàng của vật nữ Việt Nam. Còn nhớ, ở Giải vô địch vật toàn quốc năm 2002, vật nữ lần đầu xuất hiện với một dàn VĐV mới tinh tươm. Ấn tượng lớn nhất về Huệ khi đó là một cô gái nhỏ bé với mái tóc ngắn nhưng sở hữu sức mạnh hiếm thấy. Trong trận đấu với VĐV được coi là mạnh nhất ở hạng 51kg khi đó là Nguyễn Thị Cải của Hà Nội, dù kỹ thuật vật của Huệ khá thô sơ (do cô mới chuyển từ môn judo sang vật một thời gian ngắn), nhưng cô đã hạ đối thủ chóng vánh bằng đòn đè tuyệt đối khiến VĐV được coi là Hoa khôi của làng vật khi đó khóc tu tu chạy khỏi thảm đấu.

Khi được gọi lên Đội tuyển quốc gia vật, Huệ mới biết được những kỹ thuật tinh xảo của môn vật và trình độ của cô tăng tiến nhanh chóng. Đúng vào lúc tất cả đều hy vọng và chờ đợi những điều tốt đẹp nhất thì tai nạn bất ngờ ập đến cuốn phăng tất cả những giấc mơ của cô. Khi vào bệnh viên thăm Huệ, các đồng đội không ai cầm được lòng mình. Sau đó, cô cũng nhận được sự quan tâm của một số cơ quan và nhất là từ ông Nguyễn Hữu Khai của Trung tâm Bảo Long, người đã giúp cô từ mức gần như liệt hoàn toàn đã đi lại đoạn ngắn bằng nạng được.

Giờ nhìn bức ảnh của Huệ đang run rẩy, chầm chậm cố gắng bước đi từng bước ngắn, kỷ niệm 10 năm trước lại ùa về. Phải chăng câu chuyện của Huệ cũng chính là lời cảnh tỉnh cho những bậc phụ huynh đã, đang và sắp cho con theo nghiệp thể thao? Hy vọng, nỗ lực của ngành thể thao và các cơ quan chức năng sẽ không còn để xảy ra những tình cảnh ‘vắt chanh bỏ vỏ’ như của Huệ nữa.

Vy Khanh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục